.

Lại… khởi động dự án Làng Đại học

.

Dự án Làng Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) tại phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn sau hơn 10 năm “ngủ đông”, nay đang có những động thái khởi động trở lại.

Năm 2010, “tái định cư” cho Đại học Sư phạm


Theo Quyết định số 3148/QĐ-BGDĐT, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Làng ĐHĐN giai đoạn 2 (giai đoạn 1 đã đầu tư đường bao bảo vệ quy hoạch tổng thể).

Xây dựng nhà “chạy quy hoạch”, lách quy định để hưởng đền bù giải tỏa, tái định cư.


Theo đó, Đại học Sư phạm Đà Nẵng sẽ là đơn vị đầu tiên nhập Làng ĐHĐN.Dự án xây dựng hạ tầng Trường Đại học Sư phạm, Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho ĐHĐN làm chủ đầu tư, quản lý và điều hành dự án. Dự án được xây dựng bao gồm 3 dãy nhà học A1, A2, A3 và khu ký túc xá. Dãy nhà học A1 có 3 đơn nguyên với một giảng đường cao 4 tầng, 1 giảng đường 5 tầng và 1 khu giảng đường 1 tầng.

Dãy nhà học A2 có 2 đơn nguyên 3 tầng, 1 đơn nguyên 5 tầng và 1 đơn nguyên 1 tầng. Dãy nhà học A3 có 3 đơn nguyên cao 4 tầng và 1 đơn nguyên là khu hành chính và hội trường cao 2 tầng. Khu ký túc xá được xây dựng bởi 2 đơn nguyên cao 5 tầng. Tổng diện tích xây dựng Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng là 36,32 ha thuộc địa bàn phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng) và xã Điện Ngọc (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Tổng vốn đầu tư xây dựng 199,2 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước cấp 80%, ĐHĐN 10% và các nguồn vốn hợp pháp khác 10%.

Người dân “tung hứng” về quyền và lợi

Ngày 8-5-2008, UBND thành phố Đà Nẵng tiến hành công bố quy hoạch chi tiết xây dựng khu tái định cư Làng ĐHĐN. Hàng trăm hộ dân ở khu vực phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn đã đến dự buổi lễ với tâm trạng dè dặt. Theo quyết định phê duyệt dự án tái định cư để xây dựng Làng ĐHĐN ở phạm vi thành phố Đà Nẵng, khu tái định cư sẽ thực hiện trên 134,2 ha, đất ở giữ nguyên hiện trạng 11,5 ha, đất ở chia lô mới 34,7 ha, đất xây dựng biệt thự 6,9 ha.

Tuy nhiên, quy hoạch này sẽ thực hiện qua nhiều giai đoạn,  trước mắt trong năm 2008 thực hiện 30 ha do Công ty Vật liệu xây dựng-Xây lắp và kinh doanh nhà Đà Nẵng làm chủ đầu tư. Với những thông tin này, người dân phường Hòa Quý tỏ vẻ nguội lạnh bởi dự án kéo dài quá lâu, nhiều lần công bố quy hoạch, kể cả đã thực hiện việc áp giá đền bù giải tỏa.

Tại buổi công bố quy hoạch lần này, một người dân phát biểu: “Chúng tôi có trên 1.000m2 đất ở, có 8 hộ khẩu gia đình nhưng chung nhau một hồ sơ thửa đất. Bây giờ Hội đồng giải phóng mặt bằng giải quyết cho chúng tôi về đền bù và tái định cư như thế nào?”. Thêm ý kiến phát biểu khác: “Trước đây gia đình tôi đã được áp giá đền bù cây cối, hoa màu. Nay nắng hạn cây đã chết, vậy có được đền bù?”.
 
Một người khác phát biểu ngược lại: “Hồi xưa áp giá đền bù cây cối còn nhỏ, bây giờ cây cối đơm hoa, kết trái phải đền bù xứng đáng cho tôi”. “Nhà tôi có 5 đứa con, đứa nào rồi cũng phải lấy vợ lấy chồng nên tái định cư cho mỗi đứa một lô”. “Gia đình tôi có con trâu, con bò phải bố trí tái định cư rộng rãi để tôi còn có chỗ làm chuồng”… Rõ ràng, sự chậm trễ trong các quyết định đầu tư xây dựng Làng ĐHĐN đã để người dân “tung hứng” về quyền và lợi ích của cá nhân khi thực hiện đền bù giải tỏa, tái định cư.

 

“Đô thị hóa là xu hướng phát triển tất yếu của phường Hòa Quý. Vấn đề chuyển đổi ngành nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm cho người nông dân địa phương chắc chắn sẽ được thành phố quan tâm. Tại quận Ngũ Hành Sơn, hiện đã có hàng ngàn nông dân ở các phường Mỹ An, Khuê Mỹ bước vào cuộc sống đô thị hóa.
 
Những ý kiến của nhân dân phường Hòa Quý về chính sách đền bù, giải tỏa và bố trí tái định cư lần này sẽ được UBND quận tổng hợp trình UBND thành phố và các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết”.

(Ông Huỳnh Đức Thư, Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn)

 

Bài và ảnh: NAM PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.