.

Lắp đặt hộp đen: Doanh nghiệp chần chừ

.
Theo Nghị định 91 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô-tô, từ ngày 1-7-2011, xe khách chạy tuyến đường trên 500km, xe container, xe du lịch phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (hộp đen). Tuy nhiên, trước những khó khăn khách quan, mới đây, Chính phủ đã cho phép lùi thời gian xử phạt việc không lắp đặt hộp đen đến năm 2013, nhưng vẫn yêu cầu các doanh nghiệp (DN) lắp hộp đen từ 1-7. Đây chính là cơ hội để các DN chờ đợi lẫn nhau và trông đợi vào những điều chỉnh trong thời gian đến để không phải lắp đặt hộp đen.
 
Mô tả ảnh.
Theo Nghị định 91 của Chính phủ, từ 1-7-2011, xe container phải lắp đặt hộp đen. (Ảnh minh họa)

Theo thống kê của Sở Giao thông-Vận tải, đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn Đà Nẵng mới có khoảng 20 DN triển khai lắp đặt hộp đen nhưng chỉ dưới 100 cái. Nguyên nhân được các DN đưa ra là khó khăn về kinh phí nếu lắp đặt 100% phương tiện, vả lại chỉ triển khai một ít để thử nghiệm.

Ông Trần Viết Hòe, Phó Giám đốc Công ty CP Porseco cho biết, không phải đợi đến ngày 1-7 đơn vị mới lắp đặt hộp đen mà đã triển khai được đúng một năm nay. Thực tế qua một năm lắp đặt hộp đen đã giúp cho công tác quản lý gọn nhẹ và chính xác. Có hộp đen trên xe, công ty biết chính xác được lộ trình của xe, tốc độ ở từng thời điểm, thậm chí là số lần tài xế mở cửa lên xuống xe hay dừng nghỉ trên đường. Vì vậy, việc khoán nhiên liệu, thời gian chạy xe trên đường cho tài xế chính xác. Tuy nhiên cánh tài xế không thích vì bị quản lý quá chặt chẽ, cảm thấy gò bó. Thực tế tại đơn vị đã có tài xế xin nghỉ việc vì không chịu được sự “quản lý” của hộp đen.

Chia sẻ vấn đề này, một giám đốc DN vận tải đường dài cho biết thêm: “Chúng tôi thường nói đùa rằng quản lý tài xế với một con mắt mở và một con mắt nhắm. Vì với điều kiện kinh doanh khó khăn như hiện nay, nếu DN kinh doanh giỏi lắm cũng chỉ có thể trả lương cho một tài xế ở mức từ 4 đến 4,5 triệu đồng/tháng. Đây là mức lương không cao so với công sức của họ bỏ ra cũng như những rủi ro nghề nghiệp, vì vậy để cải thiện đời sống, các tài xế đều có cách làm thêm, mà phổ biến nhất là nhận chở thêm hàng, điều này chúng tôi biết nhưng phải “nhắm mắt” để họ có thể yên tâm làm việc. Trong bối cảnh tìm tài xế xe tải đường dài rất khó khăn như hiện nay, chúng tôi chưa vội triển khai việc lắp hộp đen để anh em còn có thể cải thiện thêm thu nhập và cũng cảm thấy thoái mái khi làm việc cho chúng tôi”.

Xung quanh vấn đề này, ông Đinh Ba, Chủ tịch Hiệp hội Ô-tô vận tải thành phố rất ủng hộ việc lắp hộp đen, bởi ngoài việc giúp quản lý tài xế thuận lợi hơn, sẽ là cơ sở để cơ quan chức năng xử lý trong tình huống xảy ra TNGT. Chính điều này buộc các tài xế không dám chạy ẩu, vì vậy giảm nguy cơ xảy ra TNGT. Mặc dù vậy, nhiều DN băn khoăn là giá thành mỗi hộp đen khá cao, từ 6-7 triệu đồng, cùng với phí quản lý, tính ra trung bình mỗi phương tiện phải đầu tư thêm 10 triệu đồng nữa. Trong bối cảnh lợi nhuận từ vận tải có xu hướng giảm như hiện nay, đây là con số làm nhiều DN ngại đầu tư. Đặc biệt, việc đến tháng 7 này Nhà nước mới công bố quy chuẩn của hộp đen khiến cho nhiều DN không dám đầu tư thiết bị vì sợ không đạt yêu cầu, phải đầu tư thiết bị khác tốn kém.

Rất nhiều lý do cả khách quan lẫn chủ quan, nên cũng dễ hiểu vì sao các DN vẫn chần chừ trong việc lắp đặt hộp đen cho phương tiện của mình.

Thanh Vân
;
.
.
.
.
.