.
Hàng lạ quanh ta

Bài 2: Hàng Việt thất thế trên sân nhà

.

Mẫu mã phong phú, giá rẻ, kém chất lượng, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ độc hại, nhưng “hàng lạ” vẫn ung dung chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Trước sức ép đó, nhà sản xuất hàng hóa Việt Nam lại mặc nhiên tự thua ngay trên sân nhà. 

Đưa hàng Việt về nông thôn. 				Ảnh: Duyên Anh
Đưa hàng Việt về nông thôn. Ảnh: Duyên Anh

Chợ Cồn, theo đánh giá của ngành quản lý thị trường thành phố, là nơi tập trung lượng “hàng lạ” nhiều nhất. Hàng hóa ở đây rất đa dạng, từ các mặt hàng dệt-may, giày dép, đồ chơi trẻ em, mỹ phẩm... Ngoài ra, các siêu thị điện máy, điện lạnh cũng đa dạng các thương hiệu “Made in China” với giá rẻ hơn, đi kèm là thời hạn bảo hành sản phẩm cũng ngắn hơn. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng vẫn lựa chọn vì phù hợp với túi tiền và nhu cầu tiêu dùng trước mắt.

Đại diện các siêu thị như Metro, BigC, Co.opMart tại Đà Nẵng khẳng định hơn 90% là hàng Việt. Nhưng thực tế không hẳn như vậy. Một khảo sát nhỏ của chúng tôi mới đây tại Siêu thị Metro Đà Nẵng cho thấy, các sản phẩm hàng la ghim, các loại nấm ăn đều có xuất xứ từ Trung Quốc (TQ). Đáng buồn thay, nấm của Đà Nẵng đang là thế mạnh, song các hợp tác xã trồng nấm lại không có “cửa” để vào siêu thị. Ông Nguyễn Đình Hồng, Chủ nhiệm HTX Nấm Hòa Tiến, hết sức buồn khi nhắc tới sản phẩm của người dân vẫn cứ loay hoay tìm lối ra cho nên giá cả thường bấp bênh, công việc không ổn định, doanh thu của người làm nấm chưa cao dù được người tiêu dùng đánh giá tốt. Nguyên nhân chính là sản phẩm địa phương chưa xây dựng được thương hiệu và chưa có “giấy thông hành” chứng nhận khâu an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đà Nẵng mỗi năm đều có các chương trình kích cầu hàng Việt như: Hội chợ hàng Việt, Tự hào hàng Việt, Hàng Việt Nam chất lượng cao, Phiên chợ hàng Việt, Ngày hội hàng Việt… nhưng thực tế, không ít DN chưa đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại. Bà Tô Hoa Hồng Điệp, Giám đốc Công ty TNHH Liêu Thanh (chuyên sản xuất đồ lót hiệu Jovial trụ sở tại quận 5, thành phố Hồ Chí Minh), thừa nhận: Cơ hội cho hàng Việt hiện rất lớn, song việc chiếm lĩnh thị phần không hề đơn giản. Để cạnh tranh với hàng TQ, thương hiệu Việt cần chú trọng chất lượng, chứ giá thì thua 100%. Bởi, chính sách giá của hàng TQ xuất khẩu được chính phủ nước này hỗ trợ rất tốt.

Hàng hóa Việt Nam tuy chất lượng hơn hẳn các hàng cấp thấp, đại trà của TQ, nhưng còn quá nghèo nàn về mẫu mã, nhất là giá cả không ổn định, lúc nguyên liệu lên thì các doanh nghiệp điều chỉnh lên, nhưng lúc xuống thì vẫn đứng im. Ngược lại, hàng TQ vào Việt Nam lại khẳng định được tính cạnh tranh về giá cả, mẫu mã. Đơn cử như một con búp bê gỗ hàng lưu niệm của TQ bày bán tại Khu Du lịch Bà Nà chỉ có giá 30.000 đồng, trong khi đó cũng sản phẩm tương tự của Việt Nam giá không dưới 50.000 đồng.

Trao đổi với tiểu thương Đà Nẵng hồi tháng 5, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp, cho rằng sở dĩ hàng TQ tràn ngập thị trường Việt Nam vì nó rẻ, phù hợp với thị hiếu người dùng. Trong khi hàng trong nước chưa đi sâu vào đời sống sinh hoạt của từng người dân, nhất là vùng nông thôn, vì vậy phải có nghiên cứu để sản xuất những mặt hàng đúng nhu cầu ở vùng ngoại thành.

THU PHƯƠNG - DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.