.

Phố chuyên doanh Đà Nẵng: Bao giờ thành hiện thực?

.

(ĐNĐT) - Nếu triển khai thành công, Đà Nẵng sẽ có 16 khu phố chuyên doanh hàng hóa và phục vụ du lịch. Tuy nhiên, để phố chuyên doanh hình thành và không bị "chết yểu" như những chợ đêm, phố đêm trước đây, đòi hỏi sự đồng thuận của những người kinh doanh cũng như sự quyết tâm của cơ quan quản lý Nhà nước.

Lộ trình 8 năm

Với mục tiêu khuyếch trương, chỉnh trang các trung tâm mua sắm hiện có, từng bước hình thành nơi mua sắm, ẩm thực lớn của thành phố phục vụ khách du lịch, UBND thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt Đề án Phát triển các khu phố chuyên doanh và trung tâm mua sắm phục vụ du lịch. Trước mắt, từ năm 2013-2014, Đà Nẵng sẽ thực hiện thí điểm 6 khu phố chuyên doanh gồm: Phố thời trang (áo quần, giày dép, kính mắt, các loại vải, mỹ phẩm, trang sức…) trên tuyến đường Lê Duẩn, Phan Châu Trinh (đoạn từ Hùng Vương đến Nguyễn Văn Linh); Phố điện tử - kỹ thuật số (máy tính, điện thoại di động, máy ảnh, sản phẩm điện tử) trên tuyến đường Hoàng Diệu (từ KS Thái Bình Dương đến Nguyễn Văn Linh), Hàm Nghi (từ Lý Thái Tổ đến Nguyễn Văn Linh); Phố mỹ nghệ trên đường Trường Sa (đoạn từ KS Hyatt đến ngã 3 đường Non Nước và Trường Sa); Phố ẩm thực hải sản trên tuyến Trường Sa - Hoàng Sa (đoạn từ Phạm Văn Đồng đến Nguyễn Văn Thoại).

da

Đường Hoàng Sa - Trường Sa được quy hoạch thành phố ẩm thực, hải sản

Tiếp đó, từ năm 2015 - 2020, thành phố sẽ có thêm 10 khu phố chuyên doanh gồm: Phố mỹ nghệ trên đường Huyền Trân Công Chúa (sau khi Công viên văn hóa Ngũ Hành Sơn hình thành); Phố dịch vụ du lịch và trung tâm mua sắm (giải khát, cà phê, bar, khách sạn, nhà nghỉ, resort, nhà hàng, lữ hành, giải trí…) sẽ có mặt trên 8 tuyến đường gồm: Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Tất Thành, Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng, Hồ Nghinh, Hồ Xuân Hương, Hoàng Sa, Trường Sa; Khu phố sản phẩm lưu niệm, quà tặng nằm ở cuối đường Bạch Đằng, Như Nguyệt và khu vực gần cầu đi bộ (sau khi cầu đi bộ xây xong). Đối với việc định hướng phát triển các trung tâm mua sắm du lịch, từ bây giờ sẽ kết nối các tour du lịch để đưa khách đến 6 trung tâm thương mại lớn như Dragon Vĩnh Trung - Siêu thị Big C, Lotte Mart, Co.opmart, Metro, chợ Cồn, chợ Hàn. Ngoài ra, tại chợ Cồn và chợ Hàn, sẽ đầu tư sắp xếp mỗi chợ một khu kinh doanh hàng đặc sản, quà tặng, mỹ nghệ từ các tỉnh thuộc Tam giác di sản (theo tỷ lệ Đà Nẵng 50% - Hội An, Mỹ Sơn (Quảng Nam) 25% - Cố đô Huế 25%), phục vụ khách tham quan mua sắm theo hướng chợ truyền thống văn minh (mỗi chợ từ 5-10 gian hàng riêng). Khu vực Bến xe trung tâm Đà Nẵng cũng được phát triển mới khu chuyên doanh các mặt hàng đặc sản và sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

Từ năm 2015 - 2020, sẽ phát triển mới khu chuyên doanh các mặt hàng đặc sản và sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại nhà ga mới Đà Nẵng và chợ Hòa Khánh. Thúc đẩy hoàn thành 5 khu mua sắm trung tâm mới như Word Trade Center, Khu phức hợp thương mại dịch vụ cao tầng tại mặt tiền các đường Hùng Vương - Ngô Gia Tự - Lê Duẩn - Triệu Nữ Vương, Golden Mart và Trung tâm mua sắm Nguyễn Kim Đà Nẵng.

Chuẩn hóa phố chuyên doanh

Ông Lữ Bằng, Phó Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng (đơn vị được UBND thành phố giao nhiệm vụ chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện Đề án) cho biết: “Hiện đã có khoảng 70% hộ kinh doanh những mặt hàng theo định hướng. Sở dĩ giai đoạn thứ nhất chỉ mới có từng đó khu phố chuyên doanh là vì chúng ta phải làm công tác dân vận, xem xét khi điều chỉnh và xây dựng trở lại một số khu phố mang tính chất đặc thù, rút kinh nghiệm những gì được và những gì chưa được từ nay đến năm 2015 để đến giai đoạn sau sẽ nhân rộng thêm”. Tuy  nhiên, để đảm bảo việc hình thành các tuyến phố này, Sở Công thương lưu ý các quận, huyện trong việc quản lý cấp giấy chứng nhận kinh doanh mới theo đúng nhóm hàng, ngành hàng đã được phê duyệt và chuyển đổi theo đúng quy hoạch.

Hơn nữa, yêu cầu đối với phố chuyên doanh là phải chuẩn hóa các biển hiệu của doanh nghiệp, hộ kinh doanh; phải cắm bảng ghi tên giới thiệu mỗi nhóm mặt hàng ở đầu và đoạn cuối của khu phố. Hằng năm, phải xây dựng từng chủ đề để quảng bá bằng băng rôn, áp phích, trong đó ghi chương trình khuyến mãi, giảm giá theo mùa, thực hiện những chương trình bán hàng sôi động như múa lân, biểu diễn nghệ thuật nhằm thu hút khách.

Bên cạnh đó, các địa phương sẽ thành lập ban quản lý, các tổ tự quản, đảm bản an ninh trật tự, giao thông đô thị; đồng thời tiếp tục xây dựng lộ trình nhằm từng bước điều chỉnh, thiết kế lạị kiến trúc khu phố theo hướng đảm bảo có lợi cho người kinh doanh. Từ đó, tuyên truyền, hướng dẫn hộ kinh doanh phải có cam kết trách nhiệm chăm sóc cây xanh, vườn hoa cây cảnh, duy tu ánh sáng điện đường, bài trí hàng hóa, loại bỏ quảng cáo kém thẩm mỹ, đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy, bãi đậu xe, nhà vệ sinh công cộng, bố trí thùng đựng rác… để khu phố chuyên doanh phải khác với những khu phố bình thường.

Tất cả những hoạt động trên nhằm chuẩn hóa các phố chuyên doanh để người mua kẻ bán tiện lợi trong việc giao thương và duy trì một môi trường thương mại văn minh, hiện đại.

Tháo gỡ vướng mắc

“Nếu làm không được cũng phải cho ý kiến”. Đó là ý kiến của ông Lữ Bằng khi truyền đạt tinh thần chỉ đạo của UBND thành phố đối với Quyết định 5723 về Phê duyệt Đề án Phát triển các khu phố chuyên doanh và Trung tâm mua sắm phục vụ du lịch.

Đa số các quận, huyện có phố chuyên doanh bày tỏ những băn khoăn về tính thiếu ổn định của những ngành hàng kinh doanh. Ông Võ Văn Thuận, Trưởng phòng Kinh tế quận Ngũ Hành Sơn nêu vướng mắc về thực trạng: “Lâu nay, việc kinh doanh ở những lô đất trống trên tuyến đường Hoàng Sa - Trường Sa còn nhiều bất cập, không ai biết chủ nhân là ai bởi chủ đất là một người, kinh doanh lại là người khác. Do vậy, không cấp được giấy phép kinh doanh và giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Khi thiết lập phố chuyên doanh, yêu cầu làm biển hiệu nhưng người kinh doanh chỉ xây dựng tạm, khi buôn bán đắt thì chủ đất đòi lại. Thêm vào đó, một số lô đất để trống, cỏ mọc um tùm, các phường lại phải đi dọn cỏ, rồi nhiều khu vực quy hoạch của thành phố nhưng họ không muốn kinh doanh nhà hàng, khách sạn thì sao?".

Về vấn đề này, ông Bằng khẳng định, sắp tới sẽ giao cho lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với các cơ quan chức năng của quận Sơn Trà đi kiểm tra các hàng quán này, nếu thuê đất thì phải có giấy phép kinh doanh và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hẳn hoi. Nếu để xảy ra vấn đề ngộ độc thì các quận, huyện phải chịu trách nhiệm. Mặt khác, nếu các hộ buôn bán không chấp hành theo quy định đề ra, các địa phương phải đề xuất UBND thành phố “dẹp luôn” những hộ buôn bán kiểu "ăn xổi" đó.

Bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu đặt vấn đề về việc hỗ trợ phố chuyên doanh: “Đề nghị Sở Tài chính, Sở Công thương tham mưu cho UBND thành phố bố trí nguồn kinh phí dự toán ngân sách hằng năm phân bổ cho các đơn vị, địa phương liên quan để triển khai thực hiện. Trước đây, chúng tôi đã từng mời các hộ kinh doanh lên làm việc, nhưng không có sự hợp tác vì không khả thi… Nếu làm, vướng chỗ nào chúng tôi sẽ báo cáo và đề xuất. Nếu không có hỗ trợ thì khó lôi kéo hộ kinh doanh đến với mình. Các hộ kinh doanh cũng mong muốn được hỗ trợ vì những tháng đầu chưa có doanh thu thì phải được giảm thuế."

Cũng xin được nhắc lại, Đà Nẵng đã 2 lần tổ chức khu chợ đêm trên tuyến đường Nguyễn Thái Học, Hùng Vương, thế nhưng, cả hai khu phố chợ đêm này đều hoạt động không được bao lâu thì "biến mất". Vì vậy, để đề án xây dựng tuyến phố chuyên doanh hàng hóa phục vụ du lịch đạt hiệu quả, thiết nghĩ các ngành chức năng của thành phố cần phải tính toán kỹ lưỡng, lựa chọn vị trí cho phù hợp theo hướng tạo thuận lợi cho các hộ kinh doanh và bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn giao thông, không lấn chiếm lòng lề đường. Có như vậy, mới đảm bảo tính bền vững, lâu dài và hiệu quả cho các phố chuyên doanh nói trên.

Bài và ảnh: Trọng Hùng

;
.
.
.
.
.