.

Chấn chỉnh hoạt động kinh doanh thực phẩm

.

Từ cuối tháng 8 đến cuối tháng 9-2013, Đoàn liên ngành thành phố, dưới sự chủ trì của Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) đã tiến hành kiểm tra hàng chục cơ sở sản xuất kinh doanh, tiểu thương các chợ, cửa hàng, siêu thị trên địa bàn Đà Nẵng. Kết quả cho thấy, vẫn còn nhiều tổ chức, cá nhân chưa thực hiện nghiêm túc quy định về an toàn thực phẩm.

Kiểm tra nơi chế biến của nhà cung cấp thức ăn nhanh.
Kiểm tra nơi chế biến của nhà cung cấp thức ăn nhanh.

Đối tượng hàng hóa kiểm tra trong đợt này gồm các mặt hàng bún, phở, bánh kẹo, bánh mì, mực khô, các loại thực phẩm tiêu dùng. Hai tổ kiểm tra liên ngành bao gồm đại diện Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Chi cục QLTT (Sở Công thương), Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế) tiến hành khảo sát và nắm tình hình tại các điểm kinh doanh.

Qua kiểm tra, phát hiện và chấn chỉnh kịp thời các sai phạm trong lĩnh vực quản lý Nhà nước đối với các hành vi sản xuất, kinh doanh, nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trước đó, hồi giữa tháng 8-2013, Sở Y tế đã công bố 84 mẫu bún, phở, bánh canh tươi cho kết quả đạt yêu cầu 100%.  Tuy vậy, các thành viên trong Đoàn liên ngành vẫn đề xuất lấy thêm mẫu để kiểm nghiệm. Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chánh thanh tra Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) thành phố, cho biết để người dân yên tâm hơn, đợt này đoàn lấy thêm nhiều mẫu bún để xét nghiệm, qua đó sẽ đánh giá bao quát hơn về thị trường thực phẩm ở Đà Nẵng.

Theo chân Đoàn liên ngành trong quá trình kiểm tra, chúng tôi nhận thấy, hầu hết các vi phạm chủ yếu là nhãn mác, niêm yết giá và các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP). Theo đánh giá của ông Hoàng Ngọc Diệp, cán bộ QLTT, đối với hệ thống siêu thị, hầu như làm tốt việc bảo quản và trưng bày hàng hóa, kho chứa hàng và nơi chế biến. Dù vậy, vẫn còn thiếu sót trong quy định về ghi nhãn hàng hóa chưa được đầy đủ, rõ ràng, dễ gây hiểu lầm cho người tiêu dùng. Chẳng hạn như thông tin về hạn sử dụng chỉ ghi chung chung, kiểu “dùng trong ngày” hoặc “ba ngày kể từ ngày sản xuất” nhưng lại không có ngày đóng gói... Tại cơ sở sản xuất bánh của Công ty N.T (quận Cẩm Lệ), đoàn phát hiện không bảo đảm ATTP, từ nền cơ sở sản xuất đến các dụng cụ dùng làm bánh rất bẩn. Đặc biệt tường ẩm và cửa ngay trên kho chứa bánh bị mở nên ruồi, gián, chuột rất dễ xâm nhập. Nơi bày các loại bánh ở cơ sở này không quy định rõ ràng, bột mì dùng làm nguyên liệu có hiện tượng ẩm mốc...

Một số cơ sở kinh doanh nhỏ có những sai phạm như: không tập huấn kiến thức về ATTP, không khám sức khỏe định kỳ, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện VSATTP đã hết hạn, không bảo quản riêng biệt đối với thực phẩm các loại, không bảo đảm khoảng cách an toàn đối với nguồn gây ô nhiễm… Trong số 30 đơn vị nằm trong kế hoạch kiểm tra đã có hơn một nửa vi phạm buộc phải xử lý hành chính. Dù không nằm trong danh sách kiểm tra, nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, một số chợ loại 2, 3 của thành phố do xuống cấp nên việc bày bán thực phẩm hiện nay chưa bảo đảm an toàn.

Rất nhiều nơi nền chợ ẩm thấp, hệ thống thu gom, xử lý nước thải chưa có hoặc chưa phù hợp, nên nước thải ứ đọng, gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước. Một số khu vực chế biến, kinh doanh thực phẩm tươi sống có nguy cơ mất ATVSTP cao. Nhiều hộ ở chợ Miếu Bông còn kinh doanh các mặt hàng chưa qua kiểm dịch của cơ quan chức năng như gà, vịt bên cạnh hàng rong bán thức ăn chín. Lo ngại hơn là những hàng quán kinh doanh nhỏ lẻ chưa được kiểm tra thường xuyên. Trong khi nội dung kiểm tra của Đoàn phần lớn chỉ dừng lại ở quan sát bao bì bên ngoài.

Cùng với việc kiểm tra, Đoàn cũng lồng ghép nội dung tuyên truyền các quy định của pháp luật, kiến thức về bảo đảm VSATTP đến người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; nhắc nhở các đơn vị sản xuất ký cam kết với cơ quan quản lý Nhà nước không sử dụng hóa chất, không sử dụng chất phụ gia bị cấm dùng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Có thể thấy, việc thanh tra, kiểm tra của các đoàn kiểm tra liên ngành đã giúp phát hiện, ngăn ngừa và chấn chỉnh lại hoạt động sản xuất kinh doanh kịp thời.

Bài và ảnh: DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.