.

Háo hức chợ hàng Việt

.

Đối với vùng quê, thời điểm này còn quá sớm để mua sắm Tết, thế nhưng, tại hai phiên chợ hàng Việt về xã Hòa Liên và Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) vừa qua cho thấy không khí đã bắt đầu sôi động. Sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp đã giúp người dân vùng nông thôn “mặn mà” hơn với hàng Việt.

Đông đảo người dân tham gia phiên chợ hàng Việt.
Đông đảo người dân tham gia phiên chợ hàng Việt.

Nhộn nhịp người dân đi mua hàng

Trên sân vận động của các xã, hàng hóa được bày bán khá đa dạng và thiết thực với nhu cầu của bà con nông dân. Các mặt hàng gia dụng, thực phẩm chế biến, nấm, nước uống đóng chai, áo quần thời trang, mũ bảo hiểm, hóa mỹ phẩm, rượu cần… đều có chương trình khuyến mại hấp dẫn như: giảm giá từ 10 - 50%, bốc thăm, tặng quà, dùng thử sản phẩm... Với hình thức bán hàng như vậy đã làm không khí vùng quê náo nhiệt hẳn lên và kích thích sức mua của người dân sớm hơn. Bà Đặng Thị Hồng (thôn An Trạch, xã Hòa Tiến) phấn khởi cho hay: “Thiệt tình ở quê lâu lâu mới có phiên chợ về đây nên bà con tụi tui rất vui. Nhìn hàng hóa thứ chi cũng ưa mà heo bò, rau màu chưa tới đợt thu hoạch nên cứ mượn tiền mua hàng rồi trả sau. Mua được hàng của nước mình sản xuất cũng thấy vui vì lâu nay toàn đồ Trung Quốc về quê thôi”.

Quan sát ở các gian hàng, chúng tôi ghi nhận, khách hàng nông thôn cũng “chịu chi” hơn trước, giá trị mua sắm một lần cũng tăng lên vài triệu đồng/lần chứ không dừng lại ở vài trăm ngàn đồng như trước đây. Các doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình đã cam kết đưa hàng Việt Nam có chất lượng về bán nên bà con rất tin tưởng. Chị Nguyễn Thị Bông (trú thôn Hưởng Phước, xã Hòa Liên) hồ hởi nói: “Nhà vẫn chưa bán lứa heo Tết, nhưng tôi vẫn tranh thủ mua hàng thật nhiều vì dịp này có khuyến mãi sẽ lợi hơn. Một gói bột giặt Lix có giá 360.000 đồng rẻ hơn đại lý bán lẻ tới mười mấy ngàn đồng mà còn được tặng thêm cái thau nhựa nữa. Nghe nói hàng Việt ngày càng cải tiến, mẫu mã đẹp hơn và giá cả cũng phù hợp, khi mua nếu sản phẩm bị trục trặc gì đó cũng được bảo hành, được đổi trả nên tụi tui cũng yên tâm”.

Ngoài hoạt động tư vấn bán hàng sôi động, Ban tổ chức còn có các chương trình văn nghệ đặc sắc hằng đêm thu hút đông đảo nhân dân đến thưởng thức. Những buổi tối, người dân vùng quê vốn chỉ quen đóng cửa xem ti-vi thì những ngày có phiên chợ về là những ngày náo nhiệt nhất. Theo Ban tổ chức phiên chợ, việc tổ chức các phiên chợ hàng Việt về nông thôn với mục đích kích cầu tiêu dùng, quảng bá thương hiệu Việt, đồng thời phiên chợ là đợt sinh hoạt văn hóa sôi nổi dịp cuối năm cho người dân các xã của huyện Hòa Vang. Các tiết mục văn nghệ hằng đêm và các trò chơi trẻ em đã thu hút đông đảo người dân địa phương. Qua hai phiên chợ đã có gần 5.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm và vui chơi giải trí.

Hứa hẹn cung-cầu sẽ lớn hơn

Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn nằm trong khuôn khổ xúc tiến thương mại quốc gia năm 2013 và tháng kích cầu tiêu dùng Đà Nẵng năm 2013. Trên tinh thần đó, các doanh nghiệp tham gia đều tích cực lựa chọn những mặt hàng thiết yếu được sản xuất trong nước, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để phục vụ người dân. Ông Lê Quang Thanh, Phó Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Đà Nẵng cho biết: “Tham gia nhiều chuyến đưa hàng Việt về vùng sâu, vùng xa nên kinh nghiệm của chúng tôi là lựa chọn các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, phục vụ Tết như gạo, đường, dầu ăn, bột ngọt, bánh, mứt, nước ngọt... Tập trung vào nhóm hàng đó, Co.op Mart Đà Nẵng đưa các sản phẩm Việt chất lượng đến tận tay bà con ở những nơi còn khó khăn, không có điều kiện về trung tâm thành phố mua sắm với giá gốc”.

Trong bối cảnh khó khăn, nhìn hàng chục doanh nghiệp tất tả chuẩn bị xe và hàng mới thấy hết sự nỗ lực đáng khích lệ. Khép lại các phiên chợ là doanh số bán hàng cũng khá ấn tượng của các doanh nghiệp như HTX nấm Hòa Tiến và Tổ rượu cần Hòa Phú doanh thu gần 600 triệu đồng, Siêu thị Co.op Mart 300 triệu đồng, Công ty TNHH Sê la Diêng Vina: 50 triệu đồng, Công ty Dona Newtower: 45 triệu đồng… Sau nhiều chuyến đi tuy có cả lỗ và lãi, nhưng cái được đối với nhiều doanh nghiệp Đà Nẵng là “cung” và “cầu” đã tìm gặp nhau và có những khảo sát tâm lý giúp bà con ở nông thôn tin dùng hàng Việt nhiều hơn.

Ông Nguyễn Văn Hanh, chủ doanh nghiệp Veston Nhật Nam bày tỏ: “Chúng tôi tham gia rất nhiều phiên chợ hàng Việt tại Đà Nẵng. Mỗi lần tham gia, chúng tôi đều nhận được sự quan tâm, ủng hộ của người dân. Với mong muốn tạo điều kiện cho bà con có cơ hội mua được một bộ veston lịch lãm để vui xuân, cưới hỏi, chúng tôi đã giảm giá đến 50%/sản phẩm”.

Theo kế hoạch từ nay đến Tết Âm lịch Giáp Ngọ, Trung tâm Thông tin xúc tiến thương mại thành phố và Siêu thị Co.op Mart Đà Nẵng còn tiếp tục thực hiện thêm 5 chuyến đưa hàng Việt và hàng bình ổn giá về với người tiêu dùng các xã Hòa Tiến, Hòa Bắc, Hòa Phú (huyện Hòa Vang) và 2 khu công nghiệp Hòa Khánh và Thọ Quang. Cụ thể: KCN Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng (từ ngày 8 đến ngày 10-1-2014); KCN Hòa Khánh, quận Liên Chiểu (từ ngày 13 đến ngày 15-1-2014); xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang (từ ngày 21 đến ngày 22-1-2014); xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang (từ ngày 24 đến 25-1-2014).

Bài và ảnh: DUYÊN ANH

 

;
.
.
.
.
.