.

Chia sẻ thông tin để kết nối

.

Làm gì để thực hiện có hiệu quả kết nối cung- cầu, hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tìm kiếm, gặp gỡ và tiêu thụ sản phẩm của nhau; các sở, ngành sẽ triển khai các chương trình hỗ trợ như thế nào để các doanh nghiệp, HTX xây dựng được mối quan hệ cung ứng hàng hóa về lâu dài?…

Đây là những nội dung đặt ra tại hội nghị “Kết nối cung - cầu sản phẩm của doanh nghiệp” của thành phố tổ chức vào sáng 20-6 dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết và Giám đốc Sở Công thương Phan Văn Kha cùng sự tham gia của hơn 100 hiệp hội, doanh nghiệp (DN) tại Đà Nẵng.

Các doanh nghiệp ký kết thỏa thuận hợp tác tại hội nghị.
Các doanh nghiệp ký kết thỏa thuận hợp tác tại hội nghị.

Cơ hội lớn để kết nối

Là đơn vị nằm trong chuỗi cung ứng sản phẩm săm lốp ô-tô ra thị trường trong và ngoài nước, hiện nay Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC) nhận mình đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn khi không còn hàng để bán, phải nợ khách hàng, xin khất hợp đồng với các đối tác lớn như Công ty Trường Hải. Với nhu cầu mua sắm bao bì, thiết bị cơ khí và cao su thiên nhiên của công ty rất lớn, DRC Đà Nẵng mong muốn được hợp tác lâu dài với các đơn vị cung ứng.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Đà Nẵng cho biết, đối tác nào muốn hợp tác với công ty cung cấp suất ăn cho 1.700 công nhân và vận chuyển công nhân từ thành phố lên khu công nghiệp thì liên hệ với công ty. “Một lần nữa, tôi kính mời các DN cố gắng vào trang thông tin điện tử để có thông tin và trao đổi với chúng tôi nhằm tạo tính cạnh tranh về giá cả tốt nhất”, ông Bình bày tỏ mong muốn.

Với năng lực xuất khẩu thủy sản chế biến giá trị trên 100 triệu USD/năm, lãnh đạo Công ty CP Thủy sản Thương mại Thuận Phước cho hay, hằng năm ngoài chi phí lương, máy móc thiết bị, đơn vị còn chi hơn 200 tỷ đồng cho các chi phí khác như bao bì carton, bao bì túi in, thanh xốp, đường, bột ngọt, muối… Bà Nguyễn Phi Anh, Tổng Giám đốc công ty nói: “Cái gì có ở Đà Nẵng mua được thì chúng tôi đều mua. Nhưng thú thực các nhà cung cấp của miền Trung rất yếu về tiềm lực. Ví dụ, khi chúng tôi cần một lúc khoảng 10.000 hộp sữa bồi dưỡng cho công nhân chẳng lẽ phải đi gom nhiều đại lý hay việc đáp ứng bữa cơm phục vụ người lao động cần đến hàng tấn rau sạch, nhưng một số DN chưa đáp ứng được”.  

Theo đánh giá của Sở Công thương thành phố, Đà Nẵng có 5.057 cơ sở sản xuất công nghiệp, nhưng quy mô DN nhỏ lẻ, tính cạnh tranh sản phẩm không cao, chủng loại mặt hàng chưa đa dạng, chưa đáp ứng được yêu cầu, tiêu chuẩn về chất lượng, sản lượng. Ngoài ra, tính liên kết hợp tác mới dừng lại ở DN sản xuất với DN thương mại; giữa các DN sản xuất chưa có kết nối để mua nguyên liệu đầu vào, bán thành phẩm đầu ra; tinh thần đoàn kết cộng đồng, hợp tác cùng phát triển còn hạn chế...

Cơ hội nào trong “Năm Doanh nghiệp 2014”?

Tại hội nghị, nhiều DN tranh thủ lên tiếng xin được mở rộng thêm diện tích đất làm nhà xưởng sản xuất hay sớm được giải quyết quỹ đất xây nhà trẻ cho con em công nhân. Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết tiếp thu và giao ngay cho lãnh đạo Sở Xây dựng nhanh chóng rà soát hồ sơ, giải quyết cho các DN trước ngày 30-6 tới.

Nhìn nhận những kết quả bước đầu mà chính quyền thành phố đã tạo điều kiện cho DN, ông Phan Tiến Sỹ, Tổng Giám đốc Công ty CP Thép và đầu tư Thụy Sỹ cho rằng: Với “Năm Doanh nghiệp 2014”, thành phố quyết tâm xây dựng các nguồn quỹ, qua đó giúp DN vay tín chấp 1,4 tỷ đồng, lãi suất 6% năm. Đây là cơ hội lớn để DN tiếp cận vốn.

Tuy nhiên, để DN kết nối với nhau tốt hơn, tận dụng được lợi thế từ “Năm Doanh nghiệp 2014”, bà Nguyễn Thị Anh Đào, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận Hải Châu đề xuất Sở Công thương phát huy vai trò của trang thông tin điện tử kết nối cung cầu, nghiên cứu thị trường theo từng nhóm để nhìn vào đó thì biết ngay các sản phẩm thế mạnh của Đà Nẵng.

“Tôi tha thiết mong muốn thành phố dành một diện tích đất để các DN có thể trưng bày các loại hàng hóa của Đà Nẵng, tạo sự thuận lợi trong mua và bán, giảm bớt ảnh hưởng từ hàng hóa nước ngoài”, bà Anh Đào kiến nghị. Ông Nguyễn Tiến Quang, Phó Giám đốc VCCI Đà Nẵng cũng đề xuất: Các cơ quan liên quan chú ý trong việc xây dựng chuỗi giá trị kết nối cung - cầu trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong mục chào mua - chào bán, đề nghị các DN tích cực phản hồi thông tin về các hiệp hội để phản hồi trong các trang thông tin điện tử.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết nhấn mạnh: Hội nghị lần này là cơ hội cho DN giới thiệu sản phẩm dịch vụ của mình và lồng ghép vào Chương trình “Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014”. So với hội nghị kết nối được tổ chức trước đó một năm thì tại hội nghị lần này nhiều vấn đề, lĩnh vực được mổ xẻ sâu hơn.

“Hôm nay có thể nhiều DN chưa kết nối được cung - cầu nhưng về lâu dài thành phố sẽ hỗ trợ về cơ chế chính sách để DN yên tâm sản xuất, kinh doanh”, Phó Chủ tịch Phùng Tấn Viết bày tỏ. Ghi nhận những ý kiến của các DN, ông Phùng Tấn Viết cho biết, ít nhất 6 tháng một lần, sẽ tổ chức diễn đàn kết nối cung cầu sản phẩm giữa các DN; còn lại là vai trò của các quận, huyện, các hiệp hội DN làm sao tạo diễn đàn, cơ hội trao đổi thông tin về nhu cầu và khả năng cung cấp hàng hóa dịch vụ; DN cần khai thác triệt để sàn giao dịch thương mại điện tử Đà Nẵng, chủ động quảng bá thông tin về sản phẩm cũng như năng lực cung ứng của mình đến các đối tác trong và ngoài nước.

Tại Hội nghị kết nối cung - cầu, đã có 20 DN ký kết thỏa thuận hợp tác kết nối, đó là: Công ty CP quản lý và khai thác hầm đường bộ Hải Vân với Công ty TNHH Cơ điện lạnh Bách khoa miền Trung; Siêu thị Co.op Mart Đà Nẵng với HTX nấm Kim Thanh; Công ty Thép Thụy Sĩ với Công ty Ống thép Hòa Phát; Công ty Intimex Đà Nẵng với Công ty Chăm Chăm; Làng nghề nước mắm Nam Ô và DNTN Phú Gia; Công ty TNHH Tùng Lâm với DNTN Minh Trân; HTX chế biến nấm Như Mai với Công ty An Khánh; Nhà máy cà-phê bột Phương Nguyên với Công ty Vietnam Trade; Công ty Nhôm kính Nam Ân với DNTN Ánh Duy Anh và Công ty Trâm Anh với Hội Làng nghề nước mắm Nam Ô.

Bài và ảnh: DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.