.

Thời trang Việt lép vế trước thương hiệu ngoại?

.

ĐNĐT - Mất thị trường ngay trên sân nhà khi đứng trong top 10 nước xuất khẩu hàng dệt may tưởng chừng là một nghịch lý, nhưng lại là điều dễ hiểu đối với ngành thời trang may mặc Việt Nam.

Với hơn 90 triệu dân và tốc độ tăng trưởng trung bình 15 – 20%, đang là mảnh đất màu mỡ, nhưng các thương hiệu Việt chỉ lo tập trung vào gia công xuất khẩu nên đã bị lép vế trước các thương hiệu ngoại.

Mẫu thời trang của Khatoco
Mẫu thời trang của Khatoco

Chỉ vài năm trước, các thương hiệu ngoại như: Louis Vuitton, Hermes, Burberry, Doice & Gabbana, Lacoste, NineWest… chỉ được các đối tượng thu nhập cao biết đến. Hiện nay, thời trang ngoại nhập ồ ạt tấn công vào thị trường Việt trên tất cả các phân cấp thị trường. Trong đó, phân khúc trung bình đang bị khuấy đảo bởi những thương hiệu như: Uniqlo, Zara, Mango, H&M, Newlook…

Với nhu cầu và thị hiếu rất cao, Việt Nam đang là điểm đến của các hãng thời trang thế giới. Khách hàng Việt bị quyến rũ bởi những bộ cánh thời thượng và được đáp ứng nhu cầu từ A đến Z, từ trang phục dạ hội, đi làm, dã ngoại, ở nhà…cho đến đồ cho nam, nữ, trẻ em…

Bên cạnh mác của hàng ngoại nhập bày bán trong những cửa hàng sang trọng, bắt mắt, các hãng còn có chiến lược giá hợp lý phù hợp với thu nhập của tầng lớp trung bình, do đó đang áp đảo hàng nội địa ở phân đoạn tầm trung này.

Hiện nay, phân khúc thời trang công sở và giới trẻ trở nên nóng hơn nhờ những thương hiệu Việt biết cách định vị làm mới mình. Mặc dù vậy, một số thương hiệu nội từng “làm mưa làm gió” trên thị trường, nhưng vẫn bị “hụt hơi”. Bên cạnh đó, việc Việt Nam gia nhập Hiệp định đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương  (TPP) cũng đang tạo nên một sức ép lớn cho thị trường may mặc Việt Nam, các thương hiệu thời trang nội nói riêng vì thuế nhập khẩu cho sản phẩm may mặc sẽ giảm từ 20% xuống 0%. Không chỉ các nhãn hiệu cao cấp mà ngay cả những thương hiệu trung bình cũng sẽ gặp nhiều khó khăn khi TPP có hiệu lực.Lựa chọn thị trường ngách, tập trung vào một nhóm khách hàng mục tiêu, xây dựng thương hiệu đang là giải pháp được nhiều công ty thực hiện để cạnh tranh trên sân nhà, như:  Hoàng Tấn với áo thun 100% cotton; Nem với những thiết kế thanh lịch, sang trọng cho phái nữ, áo sơ mi cao cấp cho phái nam của Thời trang nam Khatoco…

Theo Giám đốc phân phối của Thời trang Khatoco “Khách hàng lựa chọn sản phẩm không chỉ vì giá mà còn cân nhắc kỹ lưỡng đến chất lượng. Do đó, để trụ vững trước cơn sóng hàng ngoại nhập, Khatoco cũng như các doanh nghiệp Việt nói chung cần tập trung đầu tư vào đội ngũ thiết kế nắm bắt nhanh xu hướng thời trang, thắt chặt việc kiểm soát chất lượng và hệ thống phân phối thuận tiện cho người tiêu dung”.

Nhiều thương hiệu Việt như Thời trang Khatoco đã mạnh tay nâng cấp hình ảnh từ sản phẩm trung bình trở thành dòng sản phẩm cao cấp, lôi cuốn người tiêu dùng không chỉ ở thiết kế bắt mắt, phong cách mà còn ở chất liệu vải, những đường may tinh tế.

Việc mở rộng hệ thống phân phối với những shop đạt tiêu chuẩn quốc tế và đào tạo đội ngũ bán hàng chuyên nghiệp để đưa sản phẩm đến người tiêu dùng không phải là việc trong một sớm một chiều, nhưng sẽ là đôi cánh vững chắc cho thời trang Việt bay cao hơn.

Để cạnh tranh với những thương hiệu danh tiếng thế giới trên sân nhà là cả một quá trình gian nan, đầy thách thức. Tuy nhiên, đây cũng là lúc để các thương hiệu thời trang Việt tự khẳng định mình để người Việt dùng hàng Việt.

Bài và ảnh: Quỳnh Hoa

;
.
.
.
.
.