.
Viết Tiếp tuyến bài "Đi tìm mô hình khu công nghiệp mới"

Quy hoạch khu công nghiệp mang tầm chiến lược vùng

.

Sau khi Báo Đà Nẵng đăng tải tuyến bài “Đi tìm mô hình khu công nghiệp mới” vào các ngày 2, 3 và 4-7, chúng tôi nhận được những phản hồi từ các doanh nghiệp, nhà quản lý góp ý thêm cho việc xây dựng mô hình khu công nghiệp mới ở Đà Nẵng.

Sản phẩm hoàn thiện của Nhà máy Ô-tô Nissan Việt Nam tại Khu công nghiệp Hòa Khánh.  Ảnh: TRIỆU TÙNG
Sản phẩm hoàn thiện của Nhà máy Ô-tô Nissan Việt Nam tại Khu công nghiệp Hòa Khánh. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Ông Đỗ Anh Tuấn, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Phước Tiến: Tầm nhìn chiến lược và dài hạn

Qua loạt bài “Đi tìm mô hình khu công nghiệp mới”, tôi thống nhất về cách nhìn rằng đã hình thành một khu công nghiệp (KCN) thì trước tiên, phải bảo đảm các điều kiện hạ tầng, thông tin liên lạc, nguồn nhân lực, dịch vụ logictis… Bên cạnh đó còn tính tới những yếu tố phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế lâu dài cho nhà đầu tư như sản xuất hàng hóa tiêu thụ nội địa được vận chuyển như thế nào, xuất đi nước ngoài phải bảo đảm cảng biển, sân bay ra sao. Đối với các doanh nghiệp trong KCN, để hoạt động hiệu quả thì hạ tầng phục vụ như nhà ở cho công nhân, môi trường sống thuận lợi, chứ không thể sống tạm bợ như lâu nay. Điều quan trọng nữa khi hình thành KCN, là chính quyền địa phương cần quy hoạch như thế nào để tránh ảnh hưởng về lâu dài tới nhà đầu tư và cư dân chung quanh.

Thực tế các KCN trên địa bàn đã được phân tích những bất cập như việc cứ có đất trống là quy hoạch KCN, cụm công nghiệp hay chỉ chú trọng lấp đầy diện tích mà hiệu quả sử dụng đất chưa cao. Ngoài ra, việc xê dịch, thay đổi liên tục về quy hoạch các KCN trong một thời gian ngắn sẽ khiến niềm tin của nhà đầu tư bị suy giảm. Tôi đơn cử như KCN Dịch vụ thủy sản Thọ Quang, quy hoạch như vậy là không phù hợp, vì liên quan đến môi trường, cảnh quan du lịch, đường sá, khu dân cư nằm sát nơi chế biến; cảng cá nằm trong khu vực ao tù, dẫn đến ô nhiễm. Với những gì đã nhìn thấy, liệu 10 năm, 20 năm tới sẽ phải quy hoạch lại một cách bài bản, nếu không nhà đầu tư sẽ lo ngại bởi hướng phát triển công nghiệp “có vấn đề”.

Tóm lại, đứng ở góc độ doanh nghiệp từng có đất sản xuất bị vướng bởi quy hoạch KCN Thọ Quang, tôi cho rằng, Đà Nẵng phải có chiến lược đầu tư quy hoạch dài hạn mang tính khả thi, thành phố phải hỗ trợ cho nhà đầu tư để phát triển, quan tâm đến quyền lợi của nhà đầu tư, tạo ra cơ chế hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư tiềm năng… Hiện nay, nhà đầu tư như SAMSUNG đã có mặt ở Thái Nguyên, TP. Hồ Chí Minh và đang nhắm tới một số tỉnh, thành phố của Việt Nam. Tại sao họ chưa mặn mà với dải đất miền Trung, trong đó có Đà Nẵng, trong khi Đà Nẵng đang hình thành Khu công nghệ cao? Khi nhà đầu tư vào KCN, họ rất quan tâm đến vấn đề giá mặt bằng đất đai, các chi phí liên quan, vận chuyển hàng hóa, nguồn nhân lực, hạ tầng… Vì vậy, thành phố phải tính đến việc quy hoạch KCN mang tầm chiến lược vùng với những đặc điểm riêng, với thế mạnh mà các địa phương chung quanh không có…

XUÂN DUYÊN (ghi)

Ông Mai Đăng Hiếu, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ: Lập quy hoạch khu công nghiệp phục vụ đối tác FDI chiến lược

Quỹ đất khu công nghiệp (KCN) ở thành phố để thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) quá rời rạc, diện tích nhỏ nên khó đáp ứng nhu cầu sử dụng cho các nhà đầu tư mới. Những năm qua, doanh nghiệp (DN) Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam cả về số vốn đăng ký và vốn giải ngân với 2.047 dự án còn hiệu lực, số vốn trên 33,43 tỷ USD. Tại Đà Nẵng, gần đây Nhật Bản là nước đứng đầu về số lượng các dự án đầu tư và đứng thứ 4 lượng vốn đăng ký với 68 dự án, chiếm 24,4% trong tổng số 227 dự án FDI còn hiệu lực với số vốn đăng ký là 355,5 triệu USD. Các dự án đầu tư của DN Nhật Bản tập trung vào công nghiệp chế biến, chế tạo. DN Nhật Bản thường có khuynh hướng đầu tư “đi theo”, các DN đi trước dẫn dắt các DN đi sau.

Kinh nghiệm xúc tiến đầu tư Nhật Bản cho thấy, những nhà đầu tư mới thường chỉ xem kênh thông tin từ chính quyền như một thông tin tham khảo, trong khi lại rất chú trọng thông tin từ các nhà đầu tư của Nhật đã đến đầu tư trước. Qua những thành công của các dự án FDI ở Đồng Nai, Bình Dương, Hải Phòng, cho thấy một xu hướng mới là các nhà đầu tư mong muốn có riêng cho mình một KCN. Nhiều kiến nghị của các đoàn DN Nhật Bản đến Đà Nẵng tìm hiểu đầu tư đều mong muốn có quy hoạch KCN để đầu tư khai thác nguồn nhân lực về sản xuất cơ khí, công nghệ tự động, kỹ thuật khuôn mẫu…

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước: Sẵn sàng tham gia đầu tư nhà ở cho công nhân

Công nhân lao động là nguồn tài sản của doanh nghiệp nên cần được quan tâm hỗ trợ. Bản thân DN không tự đáp ứng được những nhu cầu đời sống tinh thần, điều kiện sinh hoạt về nhà ở, nhà trẻ… Đối với những cặp vợ chồng trẻ vừa thuê nhà ở trọ, vừa chịu áp lực trong công việc theo quy trình lao động công nghiệp và thiếu nơi gửi trẻ an toàn trở thành áp lực lớn. Phần lớn các KCN tại thành phố hiện chưa có quy hoạch sử dụng đất để đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, trường mẫu giáo… Nếu có quy hoạch và được giao đất thì sẽ có nhiều DN sẵn sàng đầu tư vốn để xây dựng nhà ở, nhà trẻ cho công nhân lao động.

TRIỆU TÙNG (ghi)

;
.
.
.
.
.