.

Giao đất lâm nghiệp cho đồng bào Cơtu: Việc làm cấp bách

.

Hai thôn Tà Lang, Giàn Bí thuộc xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) có 223 hộ với 776 nhân khẩu, trong đó hơn 90% là người Cơtu. Bao đời nay, người dân 2 thôn này lấy rừng làm kế mưu sinh, bởi nơi họ sinh sống không có đất canh tác.

Cách đây gần chục năm, huyện Hòa Vang giao đất lâm nghiệp cho một số hộ phát triển kinh tế rừng, nhưng mỗi hộ chỉ có 3-4ha tại khu vực bình độ cao. Hiện tại rất nhiều hộ không có mét vuông đất lâm nghiệp nào. Cũng vì vậy mà đời sống, sản xuất của người dân ở 2 thôn này hết sức khó khăn. Giao đất lâm nghiệp để người dân Tà Lang, Giàn Bí phát triển kinh tế rừng là vấn đề vô cùng cần thiết và cấp bách hiện nay.

Khu vực rừng được giao khoanh nuôi xúc tiến, tái sinh tại khoảnh 4, tiểu khu 20 liên tục bị lâm tặc xâm hại.
Khu vực rừng được giao khoanh nuôi xúc tiến, tái sinh tại khoảnh 4, tiểu khu 20 liên tục bị lâm tặc xâm hại.

Sống ở rừng mà không có đất lâm nghiệp!

Đó là thực trạng khá phổ biến từ hàng chục năm nay tại 2 thôn Tà Lang, Giàn Bí, xã Hòa Bắc. Cùng theo đó, cả 2 thôn không hề có 1ha đất lúa, đất màu. Bất đắc dĩ, để mưu sinh, họ phải kéo nhau đi làm thuê cho các hộ có diện tích đất lâm nghiệp ở khu vực này hoặc vào rừng rút mây, lấy đót, chặt củi bán kiếm tiền. Từ đó, cái nghèo không chịu buông tha hàng trăm gia đình ở 2 thôn đồng bào Cơtu này.    

Ông Đinh Văn Như, Bí thư chi bộ thôn Giàn Bí cho rằng: Ở miền núi không đất canh tác nên phát triển kinh tế hiệu quả và bền vững nhất chỉ có thể là trồng cây lấy gỗ (keo lai). Thế nhưng, số hộ có đất rừng không nhiều, mà nếu có đều ở khu vực bình độ cao, đất đai cằn cỗi, khó vận chuyển cây mỗi khi thu hoạch. Trong khi đó, đất lâm nghiệp khu vực khá bằng phẳng và màu mỡ, sát thôn đều do Lâm trường Sông Nam (trước đây) nay giao lại cho Ban quản lý rừng đặc dụng Bà Nà-Núi Chúa quản lý. Đã có lúc bà con đến các khu vực đó xử lý thực bì lấy đất trồng rừng, song đều bị lực lượng của Ban Quản lý rừng đặc dụng ngăn cản. Không còn cách nào khác, để có thu nhập, ai nấy phải làm thuê, khi thì phát rừng, khi trồng cây, thu hoạch gỗ cho số hộ có rừng trồng tại địa bàn. Một số người đánh liều vào rừng chặt gỗ.

Ông Trần Văn Thời, nguyên Trưởng thôn Tà Lang cho biết: Cách đây hơn 20 năm, người dân thôn Tà Lang định cư ở phía Tây đèo Mũi Trâu. Dạo đó, nhà nào cũng làm nhiều nương rẫy nên lương thực không thiếu. Chỉ có điều, xa xôi cách trở, việc học hành của con em và chữa bệnh cho người dân không đến nơi đến chốn. Đầu những năm 90 thế kỷ trước, dịch sốt rét ập tới, chỉ thời gian ngắn, cả thôn có 6-7 người tử vong, chính quyền địa phương phải di chuyển khẩn cấp bà con về định cư tại thôn Tà Lang hiện nay. Về trong này, có điện, đường, trường, trạm, song sản xuất gặp không ít khó khăn do không có đất canh tác, làm nương rẫy không còn thuận lợi như trước. Từ đó, đời sống mỗi nhà liên tục lâm vào cảnh khó khăn, nhiều năm phải nhận gạo trợ cấp. Bà con trong thôn có nguyện vọng được trên giao lại đất lâm nghiệp tại thôn Tà Lang để đầu tư trồng rừng, phát triển chăn nuôi, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Sớm giao đất lâm nghiệp cho dân    

Trước thực trạng hàng trăm hộ đồng bào Cơtu ở 2 thôn Tà Lang, Giàn Bí không có đất lâm nghiệp để phát triển kinh tế rừng, ngày 6-8 vừa qua, UBND xã Hòa Bắc báo cáo bằng văn bản cho UBND huyện Hòa Vang, đề nghị thu hồi đất lâm nghiệp do Công ty CP Vinafor và Ban quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa quản lý giao lại cho từng hộ dân.

Ngoài ra, UBND xã Hòa Bắc cũng kiến nghị huyện Hòa Vang đề xuất thành phố giao lại 56ha đất trồng màu và 755ha đất lâm nghiệp do bà con 2 thôn Tà Lang, Giàn Bí quản lý trước đây nhưng đã bị thu hồi giao cho Dự án thủy điện Sông Nam - Sông Bắc để bà con tiếp tục sản xuất.

Theo chúng tôi được biết, từ kiến nghị hợp tình, hợp lý của chính quyền xã Hòa Bắc, UBND huyện Hòa Vang cũng đã có văn bản đề nghị thành phố thu hồi toàn bộ diện tích rừng do Công ty CP Vinafor quản lý giao lại cho địa phương để huyện lập thủ tục giao cho từng hộ dân phát triển kinh tế rừng.

Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.