.

Để Đà Nẵng thu hút doanh nghiệp FDI

.

Điều kiện thiên nhiên, địa lý, giao thông… thuận lợi; hạ tầng kỹ thuật ngày càng hoàn thiện; công tác cải cách thủ tục hành chính được thực hiện mạnh mẽ… đã tạo môi trường đầu tư tốt cho Đà Nẵng. Thế nhưng, doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có quy mô lớn vẫn chưa mặn mà chọn Đà Nẵng làm nơi đầu tư. Vì sao như vậy?

Công nhân lao động làm việc trong Nhà máy TCIE. Ảnh: Phương Uyên
Công nhân lao động làm việc trong Nhà máy TCIE. Ảnh: Phương Uyên

Đến nay, các khu công nghiệp của Đà Nẵng thu hút hàng trăm DN đến đầu tư, trong đó có 130 DN FDI. Song, điều trăn trở lớn nhất là chưa có DN tầm cỡ quốc tế đến đầu tư. Trong số các DN FDI đã đầu tư vào Đà Nẵng, xét về quy mô vốn đầu tư, DN có vốn đầu tư lớn nhất là Công ty TNHH VBL Đà Nẵng (Singapore) với số vốn 222,8 triệu USD, kinh doanh lĩnh vực sản xuất bia và nước ngọt.

Xét về quy mô lao động, Công ty TNHH điện tử Foster thu hút nhiều lao động nhất (trên 9.000 lao động). Ngoài ra, một số công ty khác, tuy vốn đầu tư không nhiều như Công ty Daiwa Việt Nam (sản xuất cần câu cá), Công ty Mabuchi Motor Đà Nẵng (sản xuất động cơ điện siêu nhỏ) nhưng sản phẩm của các công ty này chiếm từ 60% - 80% thị phần trên thế giới.

Có thể khẳng định, mục đích tối thượng của DN khi quyết định đầu tư vào Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung là tiết kiệm chi phí vì lợi nhuận tối đa. Việc tiết kiệm chi phí thông qua tiết kiệm tiền lương, chi phí vận chuyển và các chính sách ưu đãi khác của nơi đến đầu tư.

Ông Nguyễn Quan Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH điện tử Foster, cho biết công ty quyết định chọn Đà Nẵng để đầu tư vì Đà Nẵng có môi trường đầu tư tốt, nguồn nhân công phong phú và điều kiện giao thông thuận lợi. Tuy nhiên, công ty chỉ đầu tư những công đoạn cuối của quá trình sản xuất (lắp ráp sản phẩm và sản xuất những công đoạn đơn giản mà khâu đào tạo lao động rẻ nhất).

Tương tự, một số công ty khác như Daiwa, Mabuchi Motor Đà Nẵng, Điện tử Việt Hoa (Đài Loan), các công ty may mặc... đến Đà Nẵng nhằm khai thác nguồn lao động dồi dào và chi phí lương thấp. Điều đáng nói là, hầu hết các công ty này đều đã đầu tư ở Trung Quốc và một số nước trong khu vực Đông Nam Á và chuyển sang Việt Nam với sức hấp dẫn lớn khác là các chế độ ưu đãi (thuế, giá thuê đất…) có ưu việt hơn hẳn các nơi đã đầu tư. Bởi, lương trả cho một công nhân làm ở Đà Nẵng chỉ bằng 20% - 30% lương một công nhân chính quốc cũng làm cùng công đoạn, với năng suất vừa phải.

Không khó để trả lời câu hỏi tại sao các DN FDI lớn ít đầu tư vào Đà Nẵng. Đó là, mặc dù Đà Nẵng có các ưu điểm như kể trên nhưng chưa phù hợp với mục tiêu đầu tư của họ. Về góc độ thị trường tiêu thụ, nếu tính cả các vùng lân cận (Quảng Nam, Thừa Thiên Huế…) chưa tới 5 triệu dân, lại bố trí không tập trung, sức tiêu thụ hạn chế nên đây không phải là thị trường hấp dẫn.

Nguồn lao động tuy dồi dào, nhưng phần lớn là lao động chưa qua đào tạo hoặc đào tạo không cơ bản, chưa đáp ứng yêu cầu nhà đầu tư. Bằng chứng là các DN này phải tự đào tạo lao động, vì thế DN chỉ đầu tư những lĩnh vực sản xuất mà thời gian đào tạo ngắn để tiết kiệm chi phí đào tạo. Ngay cả những kỹ sư được đào tạo ở các trường đại học lớn trong nước khi được tuyển dụng, DN vẫn phải đưa về chính quốc, hoặc trụ sở chính của DN để đào tạo lại từ 6 tháng trở lên.

Chẳng hạn như Công ty TNHH Daiwa, để sử dụng được một kỹ sư Việt Nam, họ đã phải đưa về Nhật Bản để đào tạo lại. Điều này lý giải vì sao các DN tầm cỡ quốc tế như Samsung, Intel, Microsoft… đã chọn thành phố Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội để đầu tư, thay vì chọn Đà Nẵng.

Trong thực tế, Đà Nẵng cũng đã có những dự án lớn giá trị cả tỷ USD của nhà đầu tư nước ngoài, nhưng thành phố đã từ chối vì không bảo đảm các điều kiện về môi trường và các yêu cầu khác của thành phố. Vì vậy, không nên lấy tiêu chí có DN FDI tầm cỡ quốc tế vào đầu tư trong các khu công nghiệp của thành phố mới được coi là thành công trong việc thu hút đầu tư.

Mới đây, trả lời phỏng vấn báo chí bên lề hội thảo “Chống biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiên tai”, đại diện nhà tư vấn Asconit, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) đã đánh giá Đà Nẵng là thành phố đứng đầu khu vực Đông Nam Á về việc các cơ sở sản xuất ở thành phố thải ra môi trường lượng khí thải ít nhất. Đây cũng được coi là thành công trong việc thu hút đầu tư vì bảo đảm môi trường và các tiêu chí khác của thành phố. Vì vậy, việc thu hút đầu tư không nhất thiết phải là DN FDI lớn mà những DN khi chọn Đà Nẵng để đầu tư phải bảo đảm đúng định hướng và các tiêu chí phát triển của thành phố, hoạt động theo đúng pháp luật.

ĐỨC THỊNH

;
.
.
.
.
.
.