.

Hải quan Đà Nẵng nỗ lực thu ngân sách

.

Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, bà Nguyễn Thị Thanh Vân (ảnh), Phó Cục trưởng Cục Hải quan thành phố Đà Nẵng cho biết, năm 2014, số thu của Cục là 2.536,5 tỷ đồng, đạt 112,7% kế hoạch, tăng 20,9% so với cùng kỳ 2013; chỉ tiêu phấn đấu năm 2015 là 2.550 tỷ đồng.

Lực lượng Hải quan Đà Nẵng kiểm tra hàng hóa tại các container ở Cảng Đà Nẵng.
Lực lượng Hải quan Đà Nẵng kiểm tra hàng hóa tại các container ở Cảng Đà Nẵng.

Nguyên nhân tăng thu trong năm 2014 là do Nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào bảo trì, sửa chữa nên số lượng xăng dầu nhập khẩu qua Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Đà Nẵng tăng đáng kể (số thu từ xăng dầu đạt 716,04 tỷ đồng, chiếm 28,2% tổng số thu của toàn Cục).

Bên cạnh đó, công tác thu hồi nợ thuế của năm 2014 được các Chi cục và Ban thu hồi nợ thuế của Cục tích cực đôn đốc, thu hồi đối với các khoản nợ phát sinh; kết quả năm 2014 đã thu hồi 55,102 tỷ đồng, đạt 138,3% so với chỉ tiêu giao. Những khoản nợ có khả năng thu hồi, xử lý hầu hết đã được giải quyết trong năm 2014.

Bước vào năm 2015, Nhà máy lọc dầu Dung Quất hoạt động bình thường, vì vậy, lượng xăng dầu do Tập đoàn Dầu khí nhập khẩu sẽ giảm, cùng với xu hướng giảm giá xăng dầu của thế giới, vì vậy khả năng thu của Cục trong năm 2015 sẽ khó khăn hơn.

Ngoài ra, hiện nay, số nợ cưỡng chế tại Cục đa số là của các doanh nghiệp đã giải thể, bỏ trốn, mất tích, tự ngừng hoạt động, chủ doanh nghiệp đã chết, mất tích... nhưng chưa đủ điều kiện để xóa nợ theo quy định. Vì vậy, sẽ rất khó trong việc thu thập thông tin làm cơ sở để áp dụng các biện pháp nhằm đôn đốc, thu hồi nợ, cũng như áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định... Chính vì những lý do trên, công tác thu ngân sách của Hải quan Đà Nẵng năm 2015 sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

* Để thực hiện đạt chỉ tiêu thu ngân sách năm 2015 trước những khó khăn, thử thách lớn như vậy, Hải quan Đà Nẵng có những giải pháp gì, thưa bà?

- Năm 2015, Hải quan Đà Nẵng được Bộ Tài chính giao dự toán thu 2.500 tỷ đồng và chỉ tiêu phấn đấu là 2.550 tỷ đồng. Trước những khó khăn như trên, để hoàn thành chỉ tiêu đề ra, Cục sẽ tiếp tục phổ biến, quán triệt cho toàn thể cán bộ, công chức thực hiện đúng quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, quản lý thuế và xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu...

Tổ chức triển khai thực hiện tốt Luật Hải quan 2014, các văn bản hướng dẫn Luật Hải quan đến cộng đồng doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp hiểu đúng, đủ và tự giác chấp hành nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh đó, tạo thuận lợi ở mức cao nhất cho doanh nghiệp, người nộp thuế, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu thông qua việc tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hóa gắn với thực hiện cải cách hành chính trong lĩnh vực hải quan.

Phân tích, đánh giá tình hình kim ngạch xuất, nhập khẩu, số thu của đơn vị, xác định nguồn thu chính, thường xuyên của các Chi cục, xây dựng kế hoạch duy trì và phát triển nguồn thu tại đơn vị; đồng thời bảo đảm các nguồn thu đều phải được thu đúng, thu đủ, chính xác, nộp vào ngân sách Nhà nước; tích cực triển khai các giải pháp để thu hồi, xử lý các khoản nợ thuế. Kịp thời xử lý, giải quyết các vướng mắc phát sinh khi thực hiện hệ thống VNACCS/VICS cũng như những vướng mắc phát sinh về thuế, thủ tục.

Thực hiện đối thoại thường xuyên với người nộp thuế để lắng nghe, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người nộp thuế. Quán triệt cán bộ, công chức thực hiện nghiêm chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong thi hành công vụ, xử lý nghiêm minh các trường hợp cán bộ, công chức không thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ được giao, có thái độ, hành vi tiêu cực gây phiền hà, sách nhiễu cho doanh nghiệp...

Đẩy mạnh phối hợp đồng bộ trong triển khai thu ngân sách Nhà nước giữa cơ quan Hải quan với Kho bạc Nhà nước và các ngân hàng thương mại trong việc xử lý các thông tin về thu thuế nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp trong việc chấp hành nghĩa vụ thuế, đặc biệt là việc bảo lãnh thuế xuất nhập khẩu điện tử mới.

* Bên cạnh việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, ngành Hải quan cần phải làm gì để chống thất thu ngân sách đối với các doanh nghiệp hoạt động xuất, nhập khẩu?

- Chống thất thu thuế là một nhiệm vụ hàng đầu mà lãnh đạo thành phố chỉ đạo phải thực hiện quyết liệt để ngăn chặn. Đối với Hải quan, trước mắt sẽ chú trọng công tác tuần tra, kiểm soát, chống buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép; phối hợp, trao đổi thông tin với các đơn vị chức năng trên địa bàn để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại; quản lý tốt địa bàn.

Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, xác định trị giá; thu thập thông tin, đề xuất sửa đổi, bổ sung mức giá tham chiếu, mặt hàng vào danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về trị giá theo quy định. Quản lý chặt chẽ đối với các loại hình đầu tư, gia công, sản xuất, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất trong việc thanh quyết toán hợp đồng, thanh khoản tờ khai góp phần thu đúng, thu đủ thuế cho ngân sách Nhà nước. Nâng cao hiệu quả hoạt động của máy soi container, máy soi hành lý của hành khách xuất, nhập cảnh.

Bố trí cán bộ, công chức có trình độ nghiệp vụ chuyên sâu tại các bước thủ tục then chốt để phát hiện kịp thời những thủ đoạn gian lận của người khai hải quan nhằm áp dụng hiệu quả các biện pháp chống thất thu. Đẩy mạnh kiểm tra sau thông quan theo đúng quy định của pháp luật để hạn chế việc doanh nghiệp lợi dụng sơ hở tại các khâu trước và trong thông quan để gian lận trốn thuế...

Với những giải pháp cụ thể như trên, chúng tôi mong muốn nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Tổng cục Hải quan, Thành ủy, UBND thành phố, sự phối kết hợp tốt của các ngành và sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp để đồng hành với Cục Hải quan Đà Nẵng thực hiện tốt nguồn thu ngân sách năm 2015 đạt chỉ tiêu trên giao.

NGỌC PHÚ thực hiện

;
.
.
.
.
.