.

Hơn 186.000 tỷ đồng xây dựng giao thông nông thôn

.

* 100% trục đường liên thôn, liên xã ở Đà Nẵng được  bê-tông hóa

* Tập trung xử lý xe quá tải và vết hằn lún trên quốc lộ

Sáng 6-7, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm (2010-2015) công tác xây dựng, quản lý giao thông nông thôn (GTNT) gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới và triển khai nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020. Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết chủ trì điểm cầu Đà Nẵng.

Báo cáo của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, 5 năm qua, công tác huy động các nguồn lực trong xã hội, các tổ chức, cá nhân xây dựng mạng lưới GTNT đã thu được nhiều kết quả, thay đổi đáng kể giao thông vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, góp phần  thúc đẩy kinh tế-xã hội nhiều địa phương.

Qua phong trào, trên cả nước có 43.081km/58.437km đường huyện (đạt 73,72%), 177.164km/434.455km đường xã trở xuống đến đường thôn xóm, trục chính nội đồng (đạt 40,77%) được cứng hóa. Xây mới 47.436km theo tiêu chuẩn của Bộ GTVT; mở mới 61.400km đường thôn, xóm bằng vật liệu tại chỗ; nâng cấp sửa chữa, cải tạo 103.394km đường; xây mới 15.474 cây cầu, sửa chữa 11.503 cầu cũ xuống cấp. Nhờ vậy, đã nâng  tổng chiều dài mạng lưới GTNT trên cả nước lên 492.892km; xây mới, sửa chữa 54.788 cầu các loại...

Nguồn vốn huy động đạt 186.194 tỷ đồng; trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 28%, ngân sách địa phương 43,2%, vốn ODA trực tiếp tại địa phương 3,2%, người dân đóng góp 15,4% - tương đương với trên 27.000 tỷ đồng, còn lại là các nguồn vốn khác. Ngoài ra, người dân còn đóng góp khoảng 3.309ha đất và trên 7,8 triệu ngày công để làm cầu đường; cá biệt đã có những hộ dân đóng góp cả tỷ đồng để làm GTNT.

Tại Đà Nẵng, 100% trục đường liên xã, liên thôn đã được bê-tông hóa; 92% trục đường thôn, xóm và 90,06% đường ngõ, ngách đạt tiêu chuẩn cứng hóa bảo đảm không lầy lội vào mùa mưa. Đến nay, 11/11 xã của thành phố đều đạt chuẩn về giao thông theo bộ tiêu chí quốc gia về GTNT. 5 năm qua, thành phố đã huy động 518 tỷ đồng xây dựng, cải tạo mạng lưới GTNT, người dân đóng góp 36.200 ngày công và hiến 128.000m2 đất làm đường.

Giai đoạn 2016-2020, cả nước phấn đấu sớm hoàn thành chỉ tiêu phát triển GTNT gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, đến năm 2020 bảo đảm 100% đường xã, đường liên thôn bê-tông hóa, 100% đường thôn, xóm, trục nội đồng cứng hóa; xây dựng bến xe khách cho 168 huyện còn lại, tăng cường công tác vận tải công cộng, cải tạo các bến xe; xây mới 3.900 cầu dân sinh; nạo vét luồng lạch cho đường thủy bảo đảm giao thông tốt.

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh biểu dương ngành GTVT cùng các địa phương đã có nhiều cách làm sáng tạo, đặc biệt huy động được sự chung tay góp sức của nhân dân, các tổ chức xã hội để cải tạo, xây dựng mạng lưới GTNT. Nhiều địa phương, cá nhân có sáng kiến tốt, cần tiếp tục phát huy và nhân rộng trên cả nước cho giai đoạn 2016-2020.

Bên cạnh đó, cần tăng cường năng lực quản lý GTNT từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là ở cấp huyện, xã. Tiếp tục nâng cao chất lượng cũng như đa dạng công tác huy động vốn để có nguồn xây dựng và bảo trì mạng lưới GTNT; chú ý tận dụng tối đa nguồn vật liệu tại chỗ cũng như huy động sự tham gia giám sát của người dân để tiết kiệm và tăng chất lượng công trình.

* Chiều 6-7, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2015 của ngành giao thông trên toàn quốc.

6 tháng đầu năm 2015, hoạt động của toàn ngành giao thông tiếp tục có những chuyến biển tích cực trên các lĩnh vực.

Sản lượng vận tải  ước đạt khoảng 546 triệu tấn hàng và 1.611 triệu lượt hành khách, tăng 5,7% về sản lượng vận tải hàng hóa và tăng 7,4% sản lượng vận tải hành khách so với 6 tháng đầu năm 2014. Công tác kiểm soát, kiểm tra tải trọng  xe  duy trì 24/24 giờ mỗi ngày. Từ ngày 1-1 đến ngày 22-6-2015, các trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động đã kiểm tra 225.668 xe, phát hiện, xử lý 24.236 trường hợp vi phạm (chiếm 10,74%).

Tình hình tai nạn giao thông (TNGT) 6 tháng đầu năm 2015 tiếp tục giảm trên cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2014. Đến nay, cả nước có 59 công trình hoàn thành vượt tiến độ. Trong đó có 19/40 dự án mở rộng quốc lộ 1 với tổng chiều dài 710km hoàn thành vượt tiến độ, thông xe; đưa vào khai thác toàn bộ tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên từ Kon Tum đến Bình Phước với tổng chiều dài 663km. Bộ đã huy động được trên 27.000 tỷ đồng để đầu tư 11 dự án theo hình thức BOT, đạt 73% so với kế hoạch năm 2015.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, qua thực tiễn hoạt động chung của ngành vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng với yêu cầu của xã hội. Công tác kiểm soát tải trọng dù có nhiều nỗ lực, nhưng tình trạng xe quá tải vẫn tồn tại gây phản ứng trong dư luận.

Tình trạng nhiều tuyến quốc lộ xuất hiện vết hằn lún, TNGT mặc dù giảm cả ba tiêu chí, nhưng tai nạn đường thủy và đường sắt lại gia tăng đang là những vấn đề cần quan tâm giải quyết. Theo Bộ trưởng, từ nay đến cuối năm, toàn ngành phải nỗ lực, kịp thời giải quyết các vướng mắc; tập trung xử lý rốt ráo tình trạng xe quá tải, hằn lún vệt bánh xe trên đường để bảo đảm an toàn cho người, phương tiện…

T.S

;
.
.
.
.
.