.

Phát triển dịch vụ logictics Đà Nẵng: Cần khai thác tốt lợi thế

.

Ngày 27-3-2014, UBND thành phố ban hành Quyết định số 1890/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Phát triển ngành dịch vụ logictics thành phố Đà Nẵng đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020”, với kỳ vọng xây dựng ngành này trở thành một trong những ngành dịch vụ mũi nhọn đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển kinh tế, xã hội thành phố trong thời gian đến.

Bốc xếp hàng hóa container tại Cảng Tiên Sa.
Bốc xếp hàng hóa container tại Cảng Tiên Sa.

Thuận lợi về địa lý

Một trong những yếu tố mang tính quyết định cho sự thành công của ngành dịch vụ logistics là lợi thế về địa lý, tức là địa phương đó phải nằm trong trung tâm vùng phát triển kinh tế, với một mạng lưới giao thông thuận tiện và khép kín. Đây chính là một trong những lợi thế lớn nhất của thành phố Đà Nẵng so với nhiều địa phương khác dọc theo vùng duyên hải miền Trung và Tây Nguyên.

Theo đề án thì Trung tâm Logistics Đà Nẵng (TTLĐN) sẽ xây dựng tại xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang. Vị trí này hết sức đắc địa khi phía Nam hướng ra quốc lộ 14B và phía Tây hướng ra đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi.

Ở vị trí này, TTLĐN trong vòng bán kính trên dưới 100km tiếp cận với tất cả các trung tâm kinh tế, khu công nghiệp, chế xuất lớn trong khu vực của các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên-Huế và các tỉnh Tây Nguyên bằng tất cả loại hình vận tải như đường bộ, đường sắt, đường thủy và cả đường hàng không. Đặc biệt, TTLĐN còn nằm ở điểm cuối ra biển của tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây.

Không những có được vị trí thuận lợi về mặt địa lý, TTLĐN còn được hưởng lợi rất lớn từ chủ trương xây dựng mới Nhà ga quốc tế sân bay Đà Nẵng để đến năm 2020 sẽ đón được khoảng 20 triệu lượt khách.

Tận dụng yếu tố Cảng Đà Nẵng

Trong đề án, Cảng Đà Nẵng không những được xác định là yếu tố trung tâm mà các chỉ số hàng hóa thông qua cảng cũng được dùng làm cơ sở để tính toán cho sự phát triển của TTLĐN trong tương lai. Trên thực tế, Cảng Đà Nẵng đã chủ động “đi sớm một bước”, khi từ 5 năm trước đã thành lập Công ty CP Logictics Đà Nẵng.

Dù còn gặp rất nhiều khó khăn ban đầu khi tiếp cận loại hình dịch vụ mang tính khép kín như vậy, nhưng đến nay, những thành công từ hoạt động của đơn vị này đã cho thấy việc thành phố ban hành Đề án phát triển dịch vụ logictics là bước đi đúng đắn và kịp thời.

Đến nay, đơn vị đã xây dựng được 5ha kho bãi  tại phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) và đang chuẩn bị để xây dựng khu kho bãi rộng 20ha tại Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang vào năm 2016. Đặc biệt, đến nay, Công ty CP Logistics Đà Nẵng đã xây dựng được mối quan hệ làm ăn với gần 40 hãng vận chuyển, hãng vỏ tàu quốc tế và trong nước.

Sự ra đời của Công ty CP Logistics Đà Nẵng, cùng với sự đầu tư đúng mức và kịp thời cho cảng container đã giúp cho sản lượng hàng hóa thông qua cảng luôn giữ được mức tăng trưởng bình quân trên 20%/năm, trong đó hàng hóa container tăng bình quân trên 25%/năm. Năm 2014, lần đầu tiên sản lượng hàng hóa thông qua Cảng Đà Nẵng chạm cột mốc 6 triệu tấn hàng hóa, và dự kiến năm 2015 này sẽ là 6,5 triệu tấn hàng hóa.

Những yêu cầu đặt ra

Thành công từ Cảng Đà Nẵng cho thấy Đà Nẵng rất có tiềm năng để phát triển loại hình dịch vụ này. Tuy nhiên, qua đây cũng bộc lộ nhiều hạn chế trong việc tiến tới trung tâm logistics của khu vực. Đầu tiên, theo đề án, muốn hiện thực được những mục tiêu đề ra, thành phố cần nguồn vốn đến 370 triệu USD.

Đây là nguồn vốn lớn trong bối cảnh đầu tư công đang bị cắt giảm, Cảng Đà Nẵng đang tập trung huy động vốn cho dự án Cảng Tiên Sa giai đoạn 2, vì vậy việc huy động vốn xây dựng 20ha kho bãi tại Hòa Nhơn cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Về phía các doanh nghiệp phụ trợ ở thành phố - nhất là các doanh nghiệp vận tải, nhìn chung có quy mô khá nhỏ, hoạt động theo mô hình  cũ. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có hơn 180 doanh nghiệp vận tải hàng hóa với tổng số 1.200 đầu kéo. Đây là con số rất khiêm tốn, đã vậy trong số này có đến 60% đầu kéo cũ, khoảng 30% là mới nhưng chất lượng chưa cao, khiến năng lực vận chuyển chưa đáp ứng yêu cầu.

Hạn chế lớn nhất cần khắc phục là nguồn nhân lực vừa thiếu vừa yếu. Vấn đề đào tạo và quy hoạch nguồn nhân lực dù đã được đặt ra từ vài năm nay, nhưng còn chậm so với đòi hỏi thực tế. Chính điều này dẫn đến hệ quả là thiếu những chuyên viên có kinh nghiệm trên lĩnh vực logistics đủ khả năng làm việc với các đối tác quốc tế.

Công tác quy hoạch hạ tầng cơ sở, cũng như kết nối các loại hình vận tải cũng cần xúc tiến sớm, mang tính đón đầu để tạo điều kiện cho công tác thu hút kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước được thuận lợi. Bên cạnh đó các ngành phụ trợ như ngân hàng, hải quan, công nghệ thông tin, hậu cần ngành tàu biển... ở thành phố cũng rất cần đổi mới mạnh mẽ theo hướng quốc tế hóa để bảo đảm hỗ trợ tốt nhất cho ngành logistics thành phố phát triển.

Bài và ảnh: Thanh Vân

;
.
.
.
.
.