.

Phố chuyên doanh thời trang Lê Duẩn: Chưa hấp dẫn

.

Việc Đà Nẵng cho ra đời tuyến phố chuyên doanh thời trang Lê Duẩn được kỳ vọng tạo sự đặc trưng, tô điểm thêm những nét đẹp văn hóa, du lịch vốn có bên bờ sông Hàn.

Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, du khách, các đơn vị lữ hành, người làm văn hóa thì tuyến phố chuyên doanh này sau gần một năm hoạt động chưa thực sự tạo dấu ấn riêng, nhất là với các mặt hàng thời trang như chính tên gọi của nó.

Không khí mua bán trên phố chuyên doanh thời trang Lê Duẩn không mấy nhộn nhịp.
Không khí mua bán trên phố chuyên doanh thời trang Lê Duẩn không mấy nhộn nhịp.

Phố mới, sức mua chưa mới

Theo chị Trần Thị Trúc Đào (35 tuổi, trú phường Thạch Thang, quận Hải Châu), người tự nhận là “nghiện” mua sắm, phố chuyên doanh thời trang Lê Duẩn chưa tạo sức hút đặc biệt. “Nếu đi mua sắm quần áo, giày dép thì ở thành phố mình có khá nhiều lựa chọn chứ không nhất thiết phải đến đường Lê Duẩn. Thường thì tiện, quen ở đâu, tôi mua đó. Phố Lê Duẩn bây giờ khang trang, thoáng rộng và tập trung nhiều cửa hàng thời trang hơn so với trước, nhưng hàng hóa ở đây tôi chưa thấy đặc biệt, chưa có sức hút riêng”, chị Đào chia sẻ.

Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Vitours Đà Nẵng, cho biết khách du lịch của hãng này luôn được giới thiệu đến tham quan, mua sắm ở phố chuyên doanh Lê Duẩn. Theo ông Tùng, đường Lê Duẩn nối với cầu quay Sông Hàn, phố đi bộ Bạch Đằng… nên tất yếu trở thành điểm tham quan hấp dẫn, song giá trị mua sắm chưa nhiều, nhất là đối với các mặt hàng thời trang.

Theo chị Hồng Lâm, chủ một tiệm kinh doanh thời trang nam trên đường Lê Duẩn, sức mua tại cửa hàng này không tăng từ khi phố chuyên doanh Lê Duẩn hình thành. “Trước đây, tiền thuê mặt bằng mỗi tháng 18 triệu, nay đường được mở rộng, bảng hiệu trang trí đẹp hơn nên tăng lên 25 triệu đồng/tháng, các chi phí liên quan khác cũng tăng nhưng sức mua không tăng, thậm chí có những ngày còn ế hơn trước vì khách ngại đỗ xe ở những nơi không có bạt che. Hơn 5 năm buôn bán ở đây, không mấy khi tôi thấy lo lắng, thắc thỏm về doanh thu hằng tháng như lúc này”, chị Lâm bày tỏ.

Xây dựng tuyến phố chuyên doanh thời trang Lê Duẩn, nguồn vốn ngân sách chỉ đầu tư làm hạ tầng cho tuyến phố; còn các hộ kinh doanh trên tuyến phố phải bỏ kinh phí để sửa chữa phần kiến trúc, màu sắc của mặt tiền cửa hàng, bảng hiệu... đồng bộ với phương án thiết kế chung của cả tuyến phố. Vì vậy, khi việc buôn bán chưa tương xứng với sự đầu tư thì lo lắng, sốt ruột là tâm trạng chung của các tiểu thương trên con đường này.

Cần sản phẩm đặc trưng

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Anh, Chủ tịch UBND quận Hải Châu - đơn vị được giao chủ đầu tư, quản lý phố chuyên doanh Lê Duẩn, cho rằng không thể phủ nhận những điều kiện, cơ hội mua bán, tham quan, du lịch khi tuyến phố chuyên doanh này được hình thành. “Câu trả lời vì sao sức mua chưa tăng, hàng hóa chưa hấp dẫn phụ thuộc nhiều yếu tố: liệu các hãng du lịch đã làm tròn trách nhiệm của mình, vấn đề văn minh bán hàng, văn minh thương mại đã được nhìn nhận và thực hiện đúng mức đối với tất cả các tiểu thương hay vẫn giữ những thói quen buôn bán đã lạc hậu? Khi những vấn đề này được giải quyết rốt ráo thì chúng ta hãy bàn tiếp”, ông Lê Anh nói.

Theo thống kê của Sở Công thương, hiện có hơn 51% hộ kinh doanh mặt hàng thời trang trên đường Lê Duẩn. Lớp tập huấn về bán hàng, văn minh thương mại do Sở Công thương phối hợp với UBND quận Hải Châu duy nhất được tổ chức từ khi hình thành tuyến phố chuyên doanh hồi cuối năm ngoái thu hút chưa đến 40 học viên tham gia. Đại diện Sở Công thương cũng thừa nhận đó là con số quá khiêm tốn.

Trong khi đó, theo ý kiến của các hãng lữ hành trên địa bàn, chỉ có sự đặc trưng, nét khác biệt mới tạo sức hút mới cho phố chuyên doanh thời trang Lê Duẩn. “Khách du lịch luôn muốn tìm kiếm những sản vật đặc trưng tiêu tiểu cho truyền thống văn hóa vùng, miền, địa phương. Họ không đến Đà Nẵng để mua những loại áo quần, giày dép ở đâu cũng có”, một hướng dẫn viên du lịch lâu năm nói. Nhiều ý kiến đề xuất Đà Nẵng nên bắt tay nghiên cứu, sản xuất những mặt hàng thời trang “chỉ có ở Đà Nẵng”. Bên cạnh đó, cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá, không chỉ giới hạn trong thành phố, trong nước mà trên cả những kênh thông tin sâu rộng, phổ biến hơn.

Tại nhiều cuộc họp của ngành văn hóa, du lịch, trăn trở về sức hút của phố chuyên doanh thời trang Lê Duẩn thỉnh thoảng được nhắc đến nhưng vì điều kiện, vấn đề này chưa được xem xét, nhìn nhận một cách bài bản như yêu cầu thực tế đặt ra.

Được biết, Lê Duẩn là tuyến phố chuyên doanh thí điểm đầu tiên của Đà Nẵng để hướng tới hình thành 16 khu phố chuyên doanh thời trang, điện tử - kỹ thuật, mỹ nghệ, ẩm thực, dịch vụ du lịch và trung tâm mua sắm, hàng lưu niệm, quà tăng, đặc sản... trên địa bàn nhằm tạo đặc trưng, điểm nhấn cho du lịch thành phố, góp phần phát triển kinh tế địa phương và xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh, mỹ quan đô thị.

Bài và ảnh: THANH TÂN

;
.
.
.
.
.