.

Tăng sức hấp dẫn nhà đầu tư Nhật Bản

.

ĐNĐT - Lợi thế về vị trí địa lý, các chính sách thông thoáng, cởi mở, chi phí nhân công rẻ, môi trường sinh sống trong lành, an toàn cùng với mối quan hệ lương duyên tốt đẹp… là những lý do khiến các doanh nghiệp Nhật Bản chọn Đà Nẵng là điểm dừng chân trong hoạt động đầu tư, kinh doanh của mình.

ghi nhớ hợp tác giữa Tập đoàn Route Inh Nhật Bản và Đại học Đông Á Đà Nẵng
Ký kết ghi nhớ hợp tác giữa Tập đoàn Route Inh Nhật Bản và Đại học Đông Á Đà Nẵng

Tại Hội thảo "Xúc tiến đầu tư Nhật Bản vào Đà Nẵng" do Sở Ngoại vụ thành phố, Cơ quan xúc tiến thương mại hải ngoại (JETRO), Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng tổ chức vào chiều ngày 28-8, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết khẳng định: Quan hệ hợp tác giữa Đà Nẵng và Nhật Bản đã có nền tảng bền vững và đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất từ trước đến nay. Hiện đã có 120 doanh nghiệp và văn phòng đại diện Nhật Bản đang hoạt động tại Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư lên đến gần 500 triệu đôla Mỹ.

Là địa phương tiên phong của Việt Nam có văn phòng đại diện tại Tokyo, hằng năm, Đà Nẵng đón tiếp hơn 200 đoàn khách Nhật đến khảo sát và tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư. Vì thế, chính quyền thành phố Đà Nẵng luôn tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong đó Nhật Bản là đối tác chiến lược quan trọng hàng đầu.

Dẫn đầu đoàn hơn 80 doanh nghiệp đến từ tỉnh Nagasaki, ông Nakamura Houdou, Tỉnh trưởng cho biết: "Chuyến đi lần này, bên cạnh các hoạt động giao lưu văn hóa, chúng tôi mong muốn đưa các doanh nghiệp đến để tìm hiểu các cơ hội đầu tư mở rộng trên nhiều lĩnh vực như: y tế, nông nghiệp, giáo dục, du lịch… Theo tôi thấy, mối quan hệ giữa hai tỉnh và thành phố đang tiến triển hết sức tốt đẹp và đây chính là thời điểm để chúng ta có thêm cơ hội mới dành cho nhau”.

Sau khi phân tích triển vọng tình hình kinh tế Việt Nam và Cộng đồng Kinh tế Asean, ông Atsusuke Kawada, Trưởng Đại diện JETRO tại Hà Nội đánh giá rất cao về môi trường đầu tư tại Đà Nẵng.

“Tôi cho rằng, Đà Nẵng là thành phố hấp dẫn và có môi trường được đánh giá cao nhất trong 63 tỉnh, thành ở Việt Nam. Để tiếp tục ghi điểm với nhà đầu tư, trước hết các bạn phải phát triển cơ sở hạ tầng giao thông. Đặc biệt, tôi chú ý đến tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (những địa phương có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang hướng vào đầu tư ở miền Trung). Nếu tuyến đường này hoàn thành sớm trước năm 2017, chắc chắn sẽ có thêm nhiều đối tác của chúng tôi đến đây để làm ăn. Ngoài ra, các bạn cần đẩy mạnh phát triển các khu nhà ở và dịch vụ phù hợp cho người nước ngoài. Điều này sẽ tạo ra sức hút lớn hơn trong mắt nhà đầu tư khi mọi điều kiện đã sẵn sàng”, ông Kawada bày tỏ.

Thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã và đang hoạt động tại Đà Nẵng thừa nhận, Đà Nẵng có sức hút lớn vì môi trường đầu tư tốt, thủ tục pháp lý rõ ràng, minh bạch. Với kinh nghiệm từ chính mình, đại diện Công ty Daiwa Việt Nam (sản xuất cần câu cá tại KCN Hòa Khánh) chia sẻ: “Tôi đã sinh sống và làm việc tại thành phố này 9 năm. Lý do tôi chọn Đà Nẵng là vì chi phí nhân công rẻ, tỷ lệ bỏ việc thấp. Vấn đề chi phí nhân công được xem là quan trọng đối với quyết định đầu tư. Điểm mạnh nữa là tuyển dụng nhân tài tiếng Việt biết tiếng Nhật có lợi thế hơn hẳn, cộng với mức lương tối thiểu của nhân công ở Đà Nẵng chỉ bằng 1/3 so với mức lương phải trả cho nhân công người Trung Quốc”.

Không chỉ tìm hiểu địa điểm, mặt bằng cho sản xuất, các doanh nghiệp Nhật Bản còn lo dài hơi nhằm chuẩn bị cho việc tìm kiếm nguồn nhân lực có khả năng “già hóa” trong tương lai.

Ông Nagayama, Chủ tịch Tập đoàn Route Inh nói: “Nguồn nhân lực của chúng tôi sẽ bị thiếu hụt khi đến năm 2020, các resort, khu du lịch tại Nhật Bản của tập đoàn cần thêm 500 nhân viên. Bởi vậy, chúng tôi muốn đến Việt Nam để tìm kiếm, lựa chọn nguồn nhân lực thay thế và bổ sung cho 12.000 nhân công đang làm việc. Và dự kiến trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đầu tư khoảng 5-10 dự án tại Đà Nẵng và các tỉnh lân cận. Lúc đó, chắc chắn nguồn nhân lực địa phương am hiểu tiếng Nhật là rất quan trọng”.

Với những gì đã trải qua trong quá trình làm việc tại Đà Nẵng, các doanh nghiệp Nhật Bản đi trước đã chia sẻ lại kinh nghiệm của mình. Dù còn những khúc mắc về cơ chế, chính sách pháp lý Việt Nam nói chung và những khó khăn khách quan, tuy nhiên hầu hết các doanh nghiệp Nhật Bản đều tin tưởng môi trường đầu tư Đà Nẵng sẽ ngày càng hoàn thiện hơn trong tương lai.

Bài và ảnh: Duyên Anh

;
.
.
.
.
.