.

Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

.

Nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, khắc phục những hạn chế của Luật Doanh nghiệp (DN) 2005, Luật DN (sửa đổi) năm 2014 chính thức có hiệu lực từ 1-7-2015 tháo gỡ “nút thắt” cho DN phát triển vì mọi thủ tục liên quan đến DN đều được giải quyết nhanh gọn.

Việc triển khai thực hiện Luật Doanh nghiệp 2014 tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.  Trong ảnh: Sản xuất linh kiện điện tử tại một doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Hòa Khánh.
Việc triển khai thực hiện Luật Doanh nghiệp 2014 tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Trong ảnh: Sản xuất linh kiện điện tử tại một doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Hòa Khánh.

Điểm mới của Luật Doanh nghiệp 2014

Ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng cho biết, Luật DN 2014 chính thức có hiệu lực đã tạo thuận lợi cho DN rất nhiều vì mọi thủ tục liên quan đến DN đều được giải quyết nhanh gọn hơn. Đơn cử như, Luật DN 2014 đã bãi bỏ các yêu cầu về điều kiện kinh doanh tại thời điểm đăng ký thành lập DN, chuyển hoàn toàn từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”.

Tại thời điểm đăng ký thành lập DN, DN không phải đáp ứng các yêu cầu về điều kiện kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN, DN được phép kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện kể từ khi đáp ứng được các yêu cầu về điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Bên cạnh đó, thời gian thực hiện thủ tục đăng ký DN đã giảm hơn so với quy định cũ (từ 5 ngày xuống còn 3 ngày); DN được chủ động quyết định về nội dung, hình thức và số lượng con dấu; đơn giản hóa thủ tục hành chính như cắt giảm và không yêu cầu DN phải nộp bản sao chứng chỉ hành nghề và văn bản chứng minh vốn pháp định…; nội dung Giấy chứng nhận đăng ký DN được rút gọn chỉ còn 4 nội dung cơ bản và không thể hiện ngành nghề trong giấy chứng nhận.

Cũng theo ông Sơn, khi triển khai Luật DN 2014, ban đầu phía cơ quan đăng ký kinh doanh cũng gặp không ít thách thức do vừa phải áp dụng khung pháp lý mới, vừa phải thao tác trên hệ thống thông tin đăng ký DN quốc gia mới cập nhật; đồng thời, cũng phải thường xuyên hướng dẫn tổ chức, công dân và DN nắm rõ và thực hiện đúng những quy định mới của luật.

Trong hơn 1 tháng triển khai thực hiện quy định mới, trên địa bàn thành phố có 471 DN và đơn vị trực thuộc thành lập mới với số vốn đăng ký 1.521 tỷ đồng, 941 lượt thay đổi; tạm ngừng 69 DN và giải thể 71 DN. So với cùng kỳ số lượng DN thành lập mới tăng 37%.

Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Xung quanh những sửa đổi của Luật DN 2014, ông Nguyễn Trọng Khải, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và chuyển giao công nghệ K&H nhìn nhận: “Việc đòi hỏi phải có con dấu mới bảo đảm tính pháp lý của các văn bản khiến chúng tôi không chủ động trong các giao dịch, mất cơ hội kinh doanh, đầu tư do không phải lúc nào cũng kè kè con dấu bên cạnh. Còn nói về tính bảo đảm của con dấu thì gần như bằng không vì DN khi giao dịch, ký kết đầu tư đều được thực hiện trên cơ sở “niềm tin”, đó là cả quá trình tìm hiểu đối tác.

Vì thế, việc bãi bỏ con dấu là hoàn toàn phù hợp, tạo môi trường thông thoáng cho các DN hoạt động”. Cùng quan điểm, một giám đốc DN chuyên sản xuất và lắp ráp cửa nhựa cho hay: “DN được đăng ký làm nhiều con dấu sẽ thuận lợi hơn cho việc kinh doanh. Chẳng hạn, khi tôi phải mang con dấu theo để ký hợp đồng ở tỉnh khác, thì tại trụ sở công ty,  phó giám đốc được tôi ủy quyền vẫn có dấu để sử dụng khi có khách hàng đến mua bán hàng hóa, không phải đợi tôi về, tránh mất đi cơ hội làm ăn”.

Luật DN 2014 không chỉ tạo thuận lợi cho DN đã và đang hoạt động mà ngay cả DN mới thành lập cũng gặp nhiều thuận lợi. Ông Lê Đức Hiền (quận Liên Chiểu) vừa thành lập DN chia sẻ: “Tôi mới đăng ký thành lập DN, thấy thủ tục hiện nay khá đơn giản. Trước đây, thành lập DN phải kê khai ngành nghề, vốn đầu tư, danh sách cổ đông thì nay chỉ kê khai để nhập lên dữ liệu vào Cổng thông tin quốc gia. Còn trước đây, khi thành lập mới DN phải nộp kèm văn bản xác nhận vốn pháp định hay chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên, theo Luật DN 2014, các quy định này đều bỏ và DN được kinh doanh tất cả ngành nghề Nhà nước không cấm. Việc này tiết kiệm rất nhiều thời gian, kinh phí cho DN cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước.

Ngoài những thuận lợi mang tính cởi “nút thắt” trên thì theo luật mới, các thông tin về DN như: vốn điều lệ, chủ DN, ngành nghề kinh doanh... tuy không ghi cụ thể trên giấy chứng nhận nhưng được công khai trên Cổng thông tin quốc gia giúp các nhà quản lý khi cần thông tin có thể truy cập. Tương tự, những DN muốn tìm hiểu các thông tin về DN đối tác để liên kết làm ăn cũng sẽ dễ dàng tìm thông tin trên cổng thông tin này.

Bài và ảnh: Trọng Hùng

;
.
.
.
.
.