.

Chuyển đổi mô hình kinh tế hiệu quả

.

 Trước xu thế đô thị ngày càng mở rộng, đất canh tác không còn, nông dân quận Cẩm Lệ đã và đang khai thác tối đa tiềm năng hiện có, năng động, nhạy bén mở ra nhiều hướng làm ăn mới hiệu quả.

Sản xuất giá đỗ tại HTX giá Nghi An, phường Hòa Phát.
Sản xuất giá đỗ tại HTX giá Nghi An, phường Hòa Phát.

Phường Hòa Xuân, nơi hàng trăm hộ không còn đất canh tác đã và đang chuyển đổi hướng làm ăn. Vừa nhận hỗ trợ từ chính quyền các cấp, vừa mạnh dạn mở ra hướng đi mới, không ít hộ đã chuyển sang trồng hoa, cây cảnh, sản xuất nấm ăn, mở cơ sở kinh doanh buôn bán... Ông Nguyễn Văn Toàn, Chủ tịch UBND phường Hòa Xuân cho biết: Sau giải tỏa, tái định cư, việc làm cho người lao động, nhất là đối tượng trên dưới 50 tuổi được địa phương đặc biệt chú trọng.

Những người này vốn dĩ thành thạo sản xuất nông nghiệp, vì vậy phải tạo điều kiện về đất đai cho họ tiếp tục sản xuất. Vừa qua, thành phố đã đồng ý cho Hòa Xuân khai thác 8ha tại Khu C, Khu E1, E2 mở rộng, Khu F đưa vào sản xuất và đã có 200 hộ được bố trí đất tại đây. Nhiều hộ đang ăn nên làm ra từ trồng hoa, cây cảnh, sản xuất nấm...

Sau khi tái định cư tại tổ 17B, phường Hòa Xuân, gia đình ông Nguyễn Thanh Lâm đã tìm được hướng làm ăn. Được địa phương giao 4 sào đất để sản xuất, ông đúc chậu, trồng hoa Tết. Hai năm qua, hoạt động kinh tế này tạo cho gia đình ông có nguồn thu khá cao và ổn định.

Ông Lâm tự tin cho biết: “Vụ hoa Tết năm ngoái, với 1.700 chậu ông bán được hơn 230 triệu đồng, trừ chi phí lãi gần 100 triệu đồng. Năm nay, cũng trồng chừng đó chậu, nếu được giá, nhiều khả năng thu trên 250 triệu đồng nhờ cải tiến mẫu mã, chậu hoa đẹp và lớn hơn năm ngoái. Trồng hoa Tết không vất vả như canh tác lúa, khoai trước đây mà thu nhập cao gấp nhiều lần”.

Cách vườn hoa gia đình ông Lâm không xa là khu vực sản xuất nấm của hộ ông Lê Văn Giới, ở tổ 1. Sau khi được địa phương giao cho 4 sào đất bằng phẳng gần nơi ở, ông đầu tư mở cơ sở sản xuất. Hiện tại, bên cạnh ngôi nhà chuyên sản xuất nấm rộng khoảng 200m2 là khu trồng hoa, cây cảnh. Ông Giới cho biết: Riêng nấm thu đều từ 30-35kg/ngày, thu khoảng 600.000-700.000 đồng. Còn vụ hoa Tết sắp tới, có khả năng thu 30-40 triệu đồng.

Ở quận Cẩm Lệ, nói về mô hình làm ăn hiệu quả, nhiều người nhắc đến HTX Sản xuất giá đỗ Nghi An. Thành lập từ năm 2013, đến nay HTX có 9 hộ thành viên, mỗi ngày đưa ra thị trường 6 tấn giá, thu về 42 triệu đồng. Hộ ông Dương Thế Trung, ở tổ 15C, phường Hòa Phát là một trong 9 hộ của HTX có cuộc sống khá giả nhờ sản xuất giá. Mỗi ngày, ông sử dụng 60kg đậu xanh, đưa ra thị trường 600kg giá với giá 7.000đ/kg.

Ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm HTX cho biết: Có lẽ  ít hoạt động kinh tế nào ổn định như sản xuất giá của HTX. Ngày nào cũng có sản phẩm đưa ra thị trường. Hiện sản phẩm của HTX được Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 2 thuộc Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản kiểm tra và cấp Giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trao đổi về các mô hình kinh tế tiêu biểu của nông dân địa phương,  ông Lê Văn Phiếu, Phó Chủ tịch Hội Nông dân quận Cẩm Lệ cho biết: Mấy năm gần đây, do đô thị hóa, ở Cẩm Lệ có nhiều khu dân cư giải tỏa trắng, theo đó đất canh tác không còn. Không bó tay trước khó khăn, Hội phối hợp với chính quyền các cấp, cơ quan chức năng, tạo cơ hội cho nông dân mở ra hướng làm ăn mới.

Hầu hết nông dân rất năng động và nhạy bén với cơ chế kinh tế thị trường, họ tự tìm hướng đi cho mình. Hiện tại, ngoài những điểm sáng nêu trên, không ít mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao như trồng gừng trong bao của nông dân Hòa Thọ Đông, rau sạch ở La Hường, Phở Giáo, Vườn Miễu. HTX làm hương ở Hòa An, trồng hoa ở Khuê Trung...

Bài và ảnh: Nguyễn Cầu

;
.
.
.
.
.