.

Nghiên cứu khoa học giữa nhà trường và doanh nghiệp: Tăng tính ứng dụng thực tiễn

.

Nghiên cứu khoa học phục vụ thực tiễn đời sống, gắn lợi ích doanh nghiệp (DN) và người nông dân đang là hướng đi được Trường Cao đẳng Lương thực-Thực phẩm Đà Nẵng chọn thực hiện. Với sự liên kết này, những đề tài khoa học của các giảng viên, sinh viên sau khi hoàn thành đã trở thành những sản phẩm tốt cho người tiêu dùng.

Các thầy cô Trường Cao đẳng Lương thực-Thực phẩm trao đổi về các sản phẩm mới được thực hiện từ các đề tài nghiên cứu khoa học.
Các thầy cô Trường Cao đẳng Lương thực-Thực phẩm trao đổi về các sản phẩm mới được thực hiện từ các đề tài nghiên cứu khoa học.

Nhiều đề tài có tính ứng dụng cao

Tham quan các gian trưng bày sản phẩm nghiên cứu và các phòng thí nghiệm, cô Huỳnh Thị Kim Cúc, quyền Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhà trường đang có rất nhiều sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc từ nông sản địa phương. Định hướng của nhà trường là nghiên cứu để ứng dụng, các đề tài nghiên cứu khoa học của các thầy cô cũng bám sát định hướng chung này.

Một số sản phẩm mới như giấm đỏ, bột khoai lang tím, nước uống dinh dưỡng khoai lang tím... vừa được thực hiện từ đề tài “Nghiên cứu công nghệ chế biến một số sản phẩm, thực phẩm giàu hợp chất màu tự nhiên anthocyanins từ củ khoai lang tím Việt Nam” do cô Kim Cúc làm chủ nhiệm. Theo cô, ở nước ta khoai lang tím được trồng nhiều với sản lượng tương đối lớn, giá trị dinh dưỡng cao. Tuy nhiên, hầu hết khoai lang tím chỉ được sử dụng để ăn tươi hoặc phơi khô nên giá trị của chúng chưa được khai thác triệt để. Vì vậy, cô muốn tạo ra những sản phẩm thực phẩm mới, an toàn được chế biến từ củ khoai lang tím.

Ngoài đề tài trên, hiện trường cũng đang thực hiện 3 đề tài nghiên cứu, chuyển giao công nghệ cho các DN. Đó là những sản phẩm phục vụ nền nông nghiệp Việt Nam như “Công thức sản phẩm, sản phẩm mẫu và quy trình công nghệ sản xuất đồ uống bổ dưỡng sâm Ngọc Linh - nấm Linh Chi”, “Công thức sản phẩm, sản phẩm mẫu và quy trình công nghệ sản xuất hai dòng đồ uống cà-phê thảo dược” do thầy Phạm Châu Huỳnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ thực hiện và đề tài “Công thức sản phẩm, sản phẩm mẫu và quy trình công nghệ sản xuất đồ uống nước gạo lứt” do cô Tạ Thị Tố Quyên, Tổ trưởng Bộ môn Chế biến và bảo quản lương thực-thực phẩm đảm nhiệm.

Các tác giả cho biết, đề tài lấy ý tưởng từ các sản vật sẵn có tại các vùng nông thôn. Qua đó, các sản phẩm mới tạo ra sẽ góp phần ứng dụng hiệu quả trong công tác giáo dục và đào tạo tại trường; đồng thời, tăng khả năng ứng dụng chuyển giao công nghệ cho DN, nông dân, góp phần tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.

Vì lợi ích đôi bên

Theo thầy Đặng Quang Hải, Trưởng phòng Quản lý khoa học và hợp tác quốc tế, gần 5 năm qua, nhà trường đã có gần 100 công trình nghiên cứu được công bố, trên 20 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp và 7 dự án nghiên cứu dưới dạng dịch vụ khoa học-công nghệ đối với DN trong lĩnh vực công nghệ sinh học nông nghiệp, công nghệ thực phẩm và môi trường. Hầu hết các đề tài hướng vào nghiên cứu sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng cao từ nông sản thế mạnh của Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên, miền Nam như khoai lang tím, sâm Ngọc Linh, cà-phê, gạo, dược liệu, thủy sản, dừa, điều… nhằm phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

 Tuy nhiên, theo các giảng viên, vấn đề khó nhất trong nghiên cứu là kinh phí và tính ứng dụng của các đề tài. Những người làm khoa học rất cần DN chung tay góp sức để các đề tài đi vào thực tiễn, tránh sự lãng phí trong đào tạo và sử dụng nguồn lao động. Bà Đoàn Thị Thanh Thủy, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Chăm Chăm (DN đang phối hợp với nhà trường thực hiện 2 đề tài về đồ uống cà-phê thảo dược và nước gạo lứt) cho hay: “Chúng tôi chọn Trường CĐ Lương thực - Thực phẩm để hoàn thiện các nghiên cứu về đồ uống. Bởi lẽ với một DN hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến công nghệ, thì việc tìm đến các nhà khoa học để chuẩn hóa việc cho ra đời những sản phẩm mới là rất cần thiết. Hơn nữa, chúng tôi muốn xây dựng mối quan hệ giữa DN, chính quyền, nhà khoa học và người nông dân. Nếu việc phối hợp, liên kết này được thiết lập chặt chẽ sẽ tạo thuận lợi cho tất cả các bên trong việc tạo ra những sản phẩm mới từ các đề tài nghiên cứu khoa học, đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Có thể nói, sự liên kết giữa nhà trường và DN không những nâng cao năng lực cho giảng viên, sinh viên mà còn phục vụ lợi ích của người nông dân. Vì vậy, sự liên kết này phải được thực hiện chặt chẽ, lâu dài trong thời gian tới.

Bài và ảnh: THANH TÌNH

;
.
.
.
.
.