.

Nhiều giải pháp thu hút FDI

.

Những năm qua, Đà Nẵng tập trung ban hành nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp trong công tác thu hút, kêu gọi đầu tư FDI. Tuy nhiên, trong 5 năm qua, thu hút FDI giảm sút. Vì vậy, cần có giải pháp đột phá trong thực hiện công tác này, hướng tới thu hút nguồn vốn đầu tư bền vững hơn.

Đầu tư du lịch bất động sản được nhiều doanh nghiệp nước ngoài quan tâm.
Đầu tư du lịch bất động sản được nhiều doanh nghiệp nước ngoài quan tâm.

Tại Đà Nẵng, hiện có 38 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư với 378 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt khoảng 3,49 tỷ USD. Về đối tác đầu tư: Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất tại Đà Nẵng với 51 dự án, tiếp theo là Singapore, British Virgin Island, Nhật Bản, Hoa Kỳ... Tuy nhiên, gần đây Đà Nẵng đã bộc lộ nhiều khó khăn, tồn tại, dẫn đến hạn chế về thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Cụ thể, trong giai đoạn 2011-2015 thành phố đã thu hút được 202 dự án, với tổng vốn cấp mới và tăng thêm đạt trên 1,3 tỷ USD; trong khi đó, giai đoạn 2006-2010, con số này đạt trên 2,4 tỷ USD.

Ông Yuichi Bamba, một nhà xúc tiến đầu tư đến từ Nhật Bản cho biết: Thời gian qua, mặc dù chính quyền Đà Nẵng nỗ lực rất nhiều trong việc cải thiện môi trường đầu tư nhưng vẫn còn nhiều yếu tố cản trở doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đầu tư vào đây.

Trong đó, phải kể đến khó khăn trong việc thu hồi đất và quy chế đầu tư nước ngoài; hệ thống an sinh, phúc lợi xã hội chưa hoàn chỉnh; thiếu nguồn cung ứng nguyên vật liệu và công nghiệp phụ trợ, còn ít DN thích hợp để liên doanh; môi trường sống sinh hoạt cho người Nhật còn hạn chế…

Trước tình hình đó, thành phố chủ trương trong thời gian đến phải đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư trong và ngoài nước, nhất là tạo cú hích thu hút FDI. Song song đó là tổng kết, đánh giá và ban hành các chính sách hỗ trợ DN trong giai đoạn hội nhập, đồng thời tận dụng các cơ hội Hội nghị APEC, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng kinh tế ASEAN…

Trong thu hút đầu tư, ưu tiên các dự án có hàm lượng công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ và dịch vụ có giá trị gia tăng cao, đặc biệt là các dự án sạch, không gây tác hại đến môi trường… sẽ là hướng đột phá trong thu hút đầu tư của Đà Nẵng trong thời gian tới để phù hợp với mục tiêu xây dựng thành phố Đà Nẵng phát triển bền vững.

Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Trong những năm gần đây, thành phố đã nỗ lực đẩy mạnh và đổi mới các hoạt động vận động, xúc tiến đầu tư thông qua việc chủ động xác định địa điểm một số dự án cần kêu gọi đầu tư ngoài khu công nghiệp, tăng cường hợp tác với các đối tác nước ngoài để xúc tiến các dự án đầu tư vào một số lĩnh vực cụ thể như công nghiệp hàng không, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, các ngành dịch vụ chất lượng cao du lịch, thương mại, logistics, y tế…

Để công tác thu hút đầu tư FDI trong thời gian đến đạt kết quả, hàng loạt các giải pháp được xây dựng và triển khai.

Đó là: Xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách, bằng việc xây dựng và công khai hóa các quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất đối với các dự án trọng điểm, khuyến khích kêu gọi đầu tư của thành phố; xây dựng các chính sách phát triển đào tạo nghề, đặc biệt là ngành công nghệ thông tin, công nghệ cao, du lịch, may mặc; xây dựng chiến lược phát triển cụ thể cho các ngành công nghiệp ưu tiên như công nghiệp phụ trợ, các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện môi trường. Trong đó, hoàn thiện chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư vào khu Công nghệ cao Đà Nẵng.

Đồng thời, tập trung hoàn thành việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu Công nghệ cao Đà Nẵng, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp; đẩy mạnh việc nâng cấp, mở rộng cảng Tiên Sa và đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu; kiên quyết thu hồi các dự án không triển khai; rà soát các khu trung tâm, thuận lợi để kêu gọi nhà đầu tư tiềm năng.

Mặt khác, cũng cần phải đổi mới nội dung và phương thức xúc tiến đầu tư như: Xây dựng kế hoạch xúc tiến đầu tư hằng năm có trọng điểm, cụ thể với từng nhà đầu tư, đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền, quảng bá về môi trường và cơ hội đầu tư tại thành phố; tổ chức các hội thảo xúc tiến đầu tư; lựa chọn một số dự án trọng điểm để lập dự án trọn gói và xây dựng cơ chế riêng để tiếp cận các tập đoàn lớn.

Thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc nhà đầu tư tại chỗ, nhanh chóng giải quyết dứt điểm các vướng mắc, khó khăn cho nhà đầu tư yên tâm sản xuất; kết nối các tổ chức quốc tế, các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài.

Một điều không thể thiếu là tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, cơ chế “một cửa liên thông”; tiếp tục thực hiện tốt việc hỗ trợ nhà đầu tư trước, trong và sau cấp phép; tăng cường công tác xúc tiến đầu tư. Cùng với đó là nâng cao năng lực cán bộ làm công tác xúc tiến đầu tư...

Cụ thể, trong thời gian đến, song song với các giải pháp, thành phố cũng cần tăng cường hợp tác quốc tế, liên kết hội nhập với các thị trường trọng điểm như Nhật Bản, Hàn Quốc... xúc tiến hợp tác đầu tư trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây và Tiểu vùng Mekong mở rộng.

Đồng thời tiếp cận các mô hình đầu tư mới, tập trung tiếp cận và mời gọi các công ty xuyên quốc gia, các nhà đầu tư có tên tuổi hoặc có năng lực về  tài chính, công nghệ tiên tiến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Singapore và các nước Tây Âu. Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, hỗ trợ, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư mới.

Bài và ảnh: Phương Uyên

;
.
.
.
.
.