.

Dấu ấn từ ngoại giao kinh tế

.

Giai đoạn 2011-2015 có thể được coi là khoảng thời gian tạo ra những dấu ấn đặc biệt trong hoạt động ngoại giao kinh tế của Đà Nẵng, thành phố đón gần 2.500 đoàn khách quốc tế đến thăm, làm việc, tìm hiểu về tình hình phát triển kinh tế-xã hội và xúc tiến các dự án hợp tác, đầu tư.

Đoàn doanh nghiệp Úc thăm và tìm hiểu môi trường đầu tư tại thành phố đầu năm 2016.
Đoàn doanh nghiệp Úc thăm và tìm hiểu môi trường đầu tư tại thành phố đầu năm 2016.

Những hoạt động ngoại giao liên tiếp của lãnh đạo các cấp đã góp phần tạo bước chuyển mình lớn cho kinh tế. Đây cũng là giai đoạn mà công tác ngoại giao kinh tế đã đóng góp tích cực vào thành tựu đối ngoại và kinh tế đối ngoại của thành phố. Điều này phần nào cho thấy, Đà Nẵng đã trở thành một điểm đến hấp dẫn, một thị trường sôi động, hứa hẹn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Lãnh đạo Sở Ngoại vụ thành phố cho biết: Lãnh đạo các sở, ban, ngành ngày càng coi trọng việc tranh thủ nguồn lực bên ngoài để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội thành phố. Điều này thể hiện thông qua việc tăng cường gặp gỡ, tiếp xúc và lồng ghép nội dung đàm phán, vận động, xúc tiến dự án vào các cuộc tiếp xúc với đối tác nước ngoài; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, đối tác quan tâm tìm hiểu về môi trường đầu tư của thành phố.

Hoạt động ngoại giao kinh tế đã có những tác động trực tiếp đến việc mở rộng quan hệ đối ngoại, tác động trực tiếp và mang tính quyết định đến thay đổi mô hình kinh tế; đồng thời mở rộng và thúc đẩy quan hệ hợp tác với các nước, địa phương, tổ chức, tập đoàn kinh tế, định chế tài chính lớn trong khu vực và trên thế giới.

Trong số 2.500 đoàn khách đến Đà Nẵng trong giai đoạn 2011-2015, lãnh đạo thành phố đã đón tiếp 430 đoàn, qua đó củng cố, thiết lập quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực với các đối tác từ các quốc gia trên thế giới, các tổ chức lớn như: Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á, Cơ quan Phát triển Châu Á, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Tổ chức Tài chính thế giới IFC, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Cơ quan Phát triển quốc tế Đức (GIZ), Cơ quan đại diện các nước tại Việt Nam… Các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới như Microsoft, IBM, Intel, Ericsson, Mutsubishi, Marubeni đã có nhiều cuộc tiếp xúc với lãnh đạo thành phố, xúc tiến các dự án đầu tư.

Giai đoạn này, hoạt động ngoại giao kinh tế đã có dấu ấn lớn cả về quy mô và tính chất, hoạt động này cũng có sự khác biệt so với các năm trước khi tạo được những chuyển biến rõ rệt trong việc mở rộng hợp tác kinh tế quốc tế.

Điều này được thể hiện thông qua việc lãnh đạo thành phố đã có 28 đoàn công tác nước ngoài nhằm mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác và xúc tiến đầu tư tại các quốc gia Hoa Kỳ, Nhật Bản, Singapore, Nga, Lào, Trung Quốc, một số nước ở khu vực châu Âu, cũng như tham dự các diễn đàn, hội nghị quốc tế như: Diễn đàn thị trường thế giới, Diễn đàn thị trường châu Á - Thái Bình Dương…

Đặc biệt, thành phố cũng đã chủ trì, đăng cai tổ chức các hội nghị, hội thảo quy mô khu vực và quốc tế, góp phần quảng bá hình ảnh thành phố đến đông đảo khách quốc tế như: Hội nghị quốc tế về phòng tránh đuối nước, hội thảo các nhân vật nổi tiếng ASEAN và Ấn Độ, cuộc họp tham vấn quan chức cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 18, cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam-Lào-Campuchia, Đại hội biển Đông Á lần thứ 5…

Đáng chú ý, 5 năm qua, thành phố đã cử 1.785 đoàn, với 3.974 lượt cán bộ, công chức đi công tác nước ngoài nhằm học tập kinh nghiệm phát triển của đất nước và địa phương bạn trên các lĩnh vực quản lý đô thị.

Thông qua hoạt động ngoại giao kinh tế, Đà Nẵng đã ký kết được hàng chục bản ghi nhớ, hợp tác song phương và đa phương, thu hút được 378 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư 3,49 tỷ USD; thị trường xuất khẩu được mở rộng trên 120 nước và vùng lãnh thổ; thành phố có 21 đường bay trực tiếp…

Tuy nhiên, công tác ngoại giao kinh tế cần phải có những điều chỉnh phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn. Chính vì vậy, lãnh đạo thành phố cũng chỉ ra rằng, Đà Nẵng có nhiều lợi thế để tranh thủ hội nhập kinh tế trong khu vực và quốc tế; ngoại giao kinh tế hết sức quan trọng trong việc định hướng phát triển, xử lý các vấn đề đối ngoại kinh tế, mang tính sâu rộng trong hợp tác kinh tế quốc tế. Cần đẩy mạnh tổ chức các chương trình hội thảo, hội nghị tầm cỡ quốc tế để nâng tầm vị thế của thành phố trong bạn bè quốc tế.

Bài và ảnh: Thành Lân

;
.
.
.
.
.