.

Tiếp thông tin về vụ cá chết dọc biển miền Trung: Du khách vẫn chọn hải sản

.

Cá chết dọc biển miền Trung trong mấy ngày qua ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý của người dân, du khách khi đến Đà Nẵng. Tuy nhiên, ghi nhận của chúng tôi tại các bãi biển cũng như nhà hàng hải sản, lượng khách vẫn đông như những ngày trước.

Với nguồn hải sản chất lượng, hằng ngày, nhà hàng hải sản Thanh Hiền vẫn được du khách chọn dùng. Ảnh: NGỌC PHÚ
Với nguồn hải sản chất lượng, hằng ngày, nhà hàng hải sản Thanh Hiền vẫn được du khách chọn dùng. Ảnh: NGỌC PHÚ

Cá chết ở biển Mỹ Khê là bình thường

Mấy ngày qua, một số người dân tắm biển phát hiện một vài con cá nhỏ chết và hồ nghi là cá chết dọc biển miền Trung đã lây lan đến Đà Nẵng. Tìm hiểu về vấn đề này, anh Nửa, nhân viên Đội Cứu hộ số 8 bãi biển Đà Nẵng cho biết, mấy ngày qua cũng có một vài con cá đục trôi vào. Đây là chuyện bình thường, bởi trước đây cũng thỉnh thoảng có cá đục chết trôi dạt vào bờ.

Anh Hoàng, một ngư dân kéo lưới gần bờ cho biết thêm, mấy con cá chết trôi nổi trên bãi biển là do ngư dân đánh bắt ở bên ngoài bị trượt lưới, đuối sức và chết, bị sóng đánh vào. “Nếu Đà Nẵng có bị ảnh hưởng thì khu vực Nam Ô sẽ bị ảnh hưởng trước. Do đó, chúng ta không nên vì mấy con cá chết đó mà hoài nghi, ảnh hưởng đến tâm lý chung của người dân, cũng như khách du lịch”, anh Hoàng chia sẻ.

Khẳng định với chúng tôi, ông Lưu Quang Khánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng) cho rằng, cá chết theo phản ánh của người dân là cá chết do ngư dân đánh bắt, trượt lưới. Hơn nữa, tại bãi ngang, mỗi lần ngư dân đánh bắt về, khi vận chuyển hải sản vào bờ sẽ rơi vãi một vài con cá, sau đó sóng biển đánh dạt đi các nơi.

Tuy nhiên, ông Khánh cũng cho rằng, tại mũi Nghê, một số ngư dân vớt được vài con cá chết đã lâu ngày. Những con cá này nghi từ phía Lăng Cô trôi dạt vào, chứ không phải chết từ biển Đà Nẵng. Trưa 26-4, cán bộ Chi cục Thủy sản đã ra mũi Nghê để kiểm tra tình hình vụ việc.

Nhà hàng ven biển bán hải sản bình thường

Đà Nẵng đang vào mùa du lịch, việc cá chết dọc biển miền Trung ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động du lịch của thành phố. Tuy nhiên, ghi nhận của chúng tôi, dọc các bãi biển Đà Nẵng, khá nhiều du khách đến từ các tỉnh cũng như du khách quốc tế hào hứng tắm biển. Chị Hiền (du khách thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Mấy hôm nay đọc báo, xem thời sự biết tin cá chết dọc biển miền Trung nhưng Đà Nẵng không bị ảnh hưởng gì nên quyết định ra Đà Nẵng du lịch, tắm biển, ăn hải sản. Biển Đà Nẵng đẹp, hải sản ngon, gia đình rất thích”.

Chúng tôi đến các nhà hàng hải sản ven biển, ghi nhận việc kinh doanh vẫn diễn ra bình thường. Ông Hiền, chủ nhà hàng hải sản Thanh Hiền (đường Võ Nguyên Giáp) cho biết, khách vào nhà hàng vẫn chọn món hải sản tôm, cá, mực, nghêu, sò, ốc, cua, ghẹ…

“Chúng tôi nhập những hải sản tươi, có nguồn gốc, chất lượng nên khách du lịch rất thích. Những ngày qua, dù tác động từ vụ cá chết dọc biển miền Trung, nhưng lượng khách vẫn khá đông, tiêu thụ hết hải sản”, ông Hiền cho hay. Sáng sớm, ông Hiền đã nhập khá nhiều loại hải sản tươi sống để bán cho khách.

Anh Thanh, quản lý nhà hàng Mỹ Hạnh cũng khẳng định rằng tình trạng cá chết dọc biển miền Trung không ảnh hưởng đến hoạt động của nhà hàng. “Nhà hàng chúng tôi chuyên nhập hàng tươi sống nên khách hàng vẫn tiêu thụ. Chỉ có một số mặt hàng cấp đông như cá cu, cá chìa vôi khách còn e dè khi lựa chọn thực đơn”, anh Thanh chia sẻ.

Tại nhà hàng hải sản Bé Mặn, trưa 26-4, có nhiều khách đến ăn hải sản. Trên mỗi bàn đều có cá, nghêu, sò, cua, mực. Một nhân viên nhà hàng này cho biết, các mặt hàng hải sản của nhà hàng vẫn bán bình thường như những ngày trước.

Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Thanh Tâm, Chủ tịch UBND quận Sơn Trà cho biết, qua nắm tình hình tại các nhà hàng hải sản trên địa bàn thì việc buôn bán diễn ra bình thường, không có biến động gì. Tuy nhiên, để không ảnh hưởng đến tâm lý của du khách, ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Thể thao, Văn hóa và Du lịch thành phố cho biết, ngành du lịch khuyến cáo các chủ nhà hàng hải sản kinh doanh phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, phải nhập nguồn hải sản có nguồn gốc, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách và người dân khi tiêu dùng.

Người tiêu dùng vẫn lo ngại

Mặc dù ở các nhà hàng hải sản, hoạt động bình thường nhưng ở các chợ Đà Nẵng, việc tiêu thụ hải sản vẫn chậm. Có mặt tại một vài chợ dân sinh trên địa bàn thành phố vào sáng 26-4, chúng tôi ghi nhận không khí đìu hiu tại các quầy bán cá.

Nhiều tiểu thương tỏ ra ngán ngẩm, mặc dù hết lời mời gọi nhưng người tiêu dùng vẫn không ngó ngàng tới hàng cá. Theo Ban quản lý chợ Đầu mối Hòa Cường, lượng hải sản về chợ những ngày qua đã giảm 50% so với ngày thường khiến tình hình buôn bán của chị em tiểu thương gặp khó khăn. Hầu như ai cũng trong tâm trạng lo lắng chờ đợi kết luận từ cơ quan chức năng về nguyên nhân cá chết dọc biển miền Trung thời gian qua để ổn định tâm lý người tiêu dùng.

Theo các tiểu thương ở chợ, vì lo ngại cá bị nhiễm độc, người dân chuyển dần sang mua các loại thực phẩm khác như thịt heo, thịt gà, thịt vịt… nên các mặt hàng này đang nhích giá mỗi ngày. Giá heo hơi trong những ngày qua đã tăng bình quân 10.000 đồng/kg, từ mức 45.000/kg lên 55.000 đồng/kg.

“Bình thường mỗi ngày chị bán khoảng 200kg thịt heo, nhưng mấy ngày gần đây lấy thêm khoảng chục kg nữa vì người đi chợ ít ăn cá, chuyển qua ăn thịt. Giá heo hơi tăng khoảng tháng nay rồi nhưng giá bán lẻ chỉ nhích đôi chút sợ người tiêu dùng không mua”, chị Hứa Thị Thu Hương, tiểu thương chợ Đầu mối Hòa Cường cho hay.

Ông Diệp Hoàng Thông Anh, Trưởng Ban quản lý chợ Đầu mối Hòa Cường cho hay, hiện tất cả các hàng cá trong chợ đều nhập nguồn từ cảng cá Thọ Quang và Quảng Nam. “Tuy cá biển ở Đà Nẵng không bị ảnh hưởng trực tiếp thế nhưng do nguồn tin đồn thời gian qua nên người dân vẫn dè dặt không dám mua cá. Ban quản lý chợ đang phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường thành phố thường xuyên kiểm tra giá cả các loại thực phẩm bán ở chợ, tránh tình trạng không bán theo giá niêm yết, làm xáo động thị trường”, ông Anh cho biết.

NGỌC PHÚ - HOÀNG HÂN

;
.
.
.
.
.