.

Đà Nẵng - điểm đến an toàn, thân thiện

.

Trong những năm gần đây, du lịch Đà Nẵng có bước phát triển nhanh chóng và trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn được các tạp chí, trang thông tin điện tử uy tín của thế giới bình chọn. Tuy nhiên, chưa thể hài lòng với những gì đã làm được, du lịch Đà Nẵng trong thời gian đến phải tạo bước đột phá mạnh mẽ theo nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI đã xác định. Trao đổi với Báo Đà Nẵng, Giám đốc Sở Du lịch Ngô Quang Vinh khẳng định: Bước đột phá đó là mục tiêu xây dựng thương hiệu du lịch Đà Nẵng trở thành thiên đường nghỉ dưỡng, điểm đến an toàn và thân thiện.

Các sự kiện, lễ hội quốc tế lớn thường xuyên được tổ chức nhằm thu hút du khách đến Đà Nẵng.  Trong ảnh: Rất đông các bạn trẻ tham gia sự kiện Color Me Run hôm 25-6.	  	                                                      Ảnh: THU HÀ
Các sự kiện, lễ hội quốc tế lớn thường xuyên được tổ chức nhằm thu hút du khách đến Đà Nẵng. Trong ảnh: Rất đông các bạn trẻ tham gia sự kiện Color Me Run hôm 25-6. Ảnh: THU HÀ

* Thưa ông, việc Đà Nẵng là một trong 11 địa phương được tái lập Sở Du lịch có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển du lịch của thành phố?

- Việc tái lập Sở Du lịch ở 11 địa phương cho thấy Chính phủ rất quan tâm phát triển du lịch, đặc biệt là các địa phương mà du lịch đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Sự tăng trưởng nhanh chóng của hoạt động du lịch đã tạo áp lực lớn cho công tác quản lý Nhà nước, đòi hỏi cần có những bước chuyển và thay đổi sao cho phù hợp với tình hình mới. Đó cũng là lý do 11 địa phương được Chính phủ lựa chọn thí điểm việc tách Sở Du lịch hoạt động chuyên biệt. Việc tái lập sở chuyên trách sẽ giúp công tác quản lý du lịch chặt chẽ, sát sao và phù hợp hơn với nguyện vọng của doanh nghiệp. Qua đó, các doanh nghiệp, hiệp hội du lịch sẽ có sự kết nối chặt chẽ hơn với cơ quan quản lý Nhà nước. Thực tế, du lịch Đà Nẵng giai đoạn 2011-2015 có bước tăng trưởng bình quân hằng năm về khách du lịch là 20,14%; thu nhập từ du lịch tăng bình quân hằng năm là 30,7%.

Đối với Đà Nẵng, việc tái lập Sở Du lịch là cơ hội để thúc đẩy, tạo bước đột phá phát triển du lịch trở thành một trong những trung tâm du lịch tầm cỡ quốc tế, thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI đã xác định. Việc tái lập Sở Du lịch sẽ giúp công tác tham mưu cho UBND thành phố điều hành, quản lý tốt hơn hoạt động du lịch, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế- xã hội của thành phố.

* Để tạo đột phá phát triển du lịch của thành phố, nhận diện thương hiệu du lịch Đà Nẵng sẽ xây dựng trong thời gian đến như thế nào, thưa ông?

- Trong những năm gần đây, du lịch Đà Nẵng đã có những bước phát triển nhanh chóng, dần dần xây dựng được thương hiệu du lịch cho riêng mình với nhiều sản phẩm độc đáo, mới lạ, thu hút du khách trong và ngoài nước. Vì thế, Đà Nẵng được nhiều tạp chí, trang thông tin điện tử uy tín bình chọn là một trong những điểm đến hấp dẫn. Tuy nhiên, chưa thể hài lòng với những gì đã đạt được, du lịch Đà Nẵng trong thời gian đến phải tạo bước đột phá phát triển mạnh mẽ, hiệu quả và bền vững. Sở Du lịch sẽ tham mưu với thành phố xây dựng thương hiệu du lịch Đà Nẵng là thiên đường nghỉ dưỡng, điểm đến an toàn và thân thiện. Theo đó, trong thời gian tới, thành phố sẽ xây dựng những sản phẩm du lịch khác biệt, độc đáo, có sức cạnh tranh cao; tăng cường chất lượng sản phẩm du lịch và phát huy liên kết vùng với Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế, vùng Nam Trung Bộ và mở rộng liên kết ra các địa phương trong nước. Làm sao để khách du lịch đến Đà Nẵng đều muốn có chữ “hơn”: Ở lại lâu hơn, trải nghiệm nhiều hơn, vui chơi nhiều hơn, thưởng thức nhiều hơn, mua sắm nhiều hơn…

* Cụ thể là Đà Nẵng sẽ phát triển những gì, thưa ông?

- Thành phố tập trung phát triển các sản phẩm du lịch biển với nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, thể thao đẳng cấp quốc tế như: lướt sóng, lặn biển, du ngoạn thủy cung hay du thuyền; xây dựng Trung tâm hội nghị quốc tế để thúc đẩy phát triển sản phẩm bao gồm loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng của các công ty cho nhân viên, đối tác (M.I.C.E). Thành phố sẽ phát triển dịch vụ giải trí, đặc biệt là giải trí về đêm, các khu vui chơi có thưởng dành riêng cho khách nước ngoài, hình thành khu Downtown dành cho du khách từ ẩm thực đến mua sắm, thưởng thức nghệ thuật về đêm; gắn sản phẩm du lịch với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, xây dựng trục văn hóa lễ hội hai bên bờ sông Hàn.

Thành phố sẽ tiếp tục phát triển các khu du lịch sinh thái ở phía Tây thành phố: Khu du lịch Hòa Phú Thành, Công viên Suối khoáng nóng Núi Thần Tài, Khu du lịch Bà Nà Hills, đầu tư xây dựng công viên bách thảo, kêu gọi đầu tư dự án du lịch ở đỉnh đèo Hải Vân, xúc tiến triển khai dự án Làng Vân; phát triển các loại hình du lịch đường sông, xây dựng bến du thuyền hạng sang đẳng cấp thế giới; làm phong phú các loại hình du lịch trải nghiệm đẳng cấp; đa dạng hóa sản phẩm hàng lưu niệm đặc trưng của Đà Nẵng, đặc biệt là sản phẩm đá mỹ nghệ Non Nước… Thành phố tiếp tục duy trì tổ chức các sự kiện, lễ hội quốc tế lớn nhằm thu hút du khách đến Đà Nẵng đều muốn quay trở lại và mỗi lần quay lại luôn có những điều mới lạ để khám phá, trải nghiệm, thưởng thức.

* Du lịch Đà Nẵng nhận được nhiều lời khen nhưng thi thoảng vẫn còn những “hạt sạn” làm ảnh hưởng đến hình ảnh thành phố du lịch. Ngành du lịch thành phố sẽ làm gì để không còn những “hạt sạn” này?

- Chúng ta đã xây dựng môi trường du lịch được du khách đánh giá tốt. Tuy nhiên, đôi khi vẫn còn vài sự việc gây sự phiền hà, không hài lòng cho du khách. Để gìn giữ môi trường du lịch Đà Nẵng thân thiện, an toàn, mến khách, Sở Du lịch sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND thành phố tập trung các vấn đề: xử lý dứt điểm tình trạng chèo kéo du khách, bán hàng rong, người lang thang xin ăn biến tướng; triển khai việc cam kết bán đúng giá niêm yết, công khai giá niêm yết tại các nhà hàng, cơ sở mua sắm và kiểm tra, xử lý nghiêm khắc những vi phạm; tăng cường tuyên truyền bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch, số điện thoại của Trung tâm hỗ trợ du khách; tăng cường kiểm tra để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại các nhà hàng, cơ sở phục vụ ăn uống. Hiện nay, Sở Du lịch chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu với UBND thành phố ban hành quy trình xử lý rủi ro trong các hoạt động du lịch; theo đó xác định cơ quan, đơn vị nào chủ trì, cơ quan nào phối hợp khi có sự cố xảy ra. Quy trình này việc xử lý sẽ nhanh chóng hơn, trách nhiệm cụ thể hơn, tránh đùn đẩy trách nhiệm.

* Sau sự cố đáng tiếc chìm tàu du lịch Thảo Vân 2, ngành du lịch đã làm gì, thưa ông?

- Sau sự cố tàu Thảo Vân 2, ngành du lịch thành phố đã khẩn trương khắc phục các sự cố để rà soát, kiểm tra lại các tàu thuyền đạt chuẩn, tổ chức các lớp học bồi dưỡng cho đội ngũ nhân viên phục vụ tàu, thuyền du lịch, đồng thời chạy các chương trình roadshow tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh để quảng bá về Hội chợ Du lịch quốc tế Đà Nẵng 2016 cũng như chương trình “Đà Nẵng - Điểm hẹn mùa hè”. Khác với năm trước, chương trình “Điểm hẹn mùa hè” năm nay kéo dài gần 10 ngày với hơn 30 hoạt động đa dạng, phong phú hơn, tạo điểm nhấn. Bên cạnh đó, Hội chợ Du lịch quốc tế được tổ chức cũng là để các doanh nghiệp trong nước và quốc tế gặp gỡ, chia sẻ thông tin cũng như đẩy mạnh công tác quảng bá, truyền thông; từ đó, đông đảo người dân và du khách tin tưởng tham gia các hoạt động du lịch của thành phố

Tạo nên sự đột phá phát triển du lịch thành phố là một nhiệm vụ nặng nề, đòi hỏi cán bộ, công chức Sở Du lịch phải đau đáu, trăn trở nhiều, nỗ lực nhiều hơn, chuyên nghiệp hơn. Công tác tham mưu của Sở phải có chiều sâu, tầm chiến lược phát triển lâu dài, có hiệu quả thực sự để đưa ngành du lịch đóng góp mạnh mẽ cho sự phát triển của thành phố Đà Nẵng.

* Cảm ơn ông!

Vinh danh nhà hàng đạt chuẩn văn minh

UBND thành phố Đà Nẵng vừa ban hành Quyết định số 3198/QĐ-UBND phê duyệt bảng chấm điểm đánh giá nhà hàng, cơ sở ăn uống đạt chuẩn trên địa bàn thành phố. Bảng chấm điểm có 6 tiêu chí lớn (địa điểm tổ chức, cơ sở vật chất, an toàn thực phẩm, người quản lý và nhân viên phục vụ, bảo vệ môi trường và phòng cháy, văn minh thương mại) với 30 tiêu chí thành phần và tổng điểm là 100. Cơ sở đạt chuẩn phải đạt điểm số từ 85 điểm trở lên, cơ sở đạt từ 95 điểm trở lên được công nhận đạt chuẩn văn minh.

Ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, sẽ đề nghị UBND thành phố có hình thức gắn biển công nhận và vinh danh những nhà hàng đạt chuẩn văn minh trên phương tiện thông tin đại chúng, trên Cổng thông tin điện tử của UBND thành phố và của Sở Du lịch; đồng thời công khai tên, địa chỉ các nhà hàng chưa đạt chuẩn. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp du lịch hoạt động, Sở Du lịch tham mưu UBND thành phố quy trình lập đoàn liên ngành thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp du lịch. Theo đó, doanh nghiêp chỉ được thanh tra, kiểm tra 1 lần/năm. Đoàn liên ngành phải có đủ các thành phần đại diện cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan đến doanh nghiệp du lịch, trường hợp thanh tra đột xuất chỉ được thực hiện khi phát hiện doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

SƠN TRUNG thực hiện

Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours): Đổi mới công tác xúc tiến du lịch

Đà Nẵng là cửa ngõ của miền Trung nhưng năm 2015, lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng đứng thứ 5 cả nước (sau Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh và Quảng Nam). Do đó, thành phố cần xác định rõ mục tiêu và có các giải pháp cụ thể, phải tính đến vấn đề thu hút khách vào mùa thấp điểm (từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau) chủ yếu là khách quốc tế và khách M.I.C.E. Phải xúc tiến nhiều đường bay hơn nữa, kết nối với các cửa ngõ ra vào để tập trung khách cho mùa thấp điểm. Những đường bay hiện nay như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Nhật Bản… đang là những đường bay chiến lược để khai thác khách châu Âu. Riêng với du lịch M.I.C.E, phải có chính sách rõ ràng vì các đoàn khách M.I.C.E thường đi nhiều quốc gia khác nhau và nhiều ngày. Nên áp dụng visa trực tuyến hoặc làm nhanh tại cửa khẩu, về lâu dài phải tính đến miễn lệ phí visa thì khách sẽ có nhiều lựa chọn hơn. Đưa ra các chính sách hỗ trợ cho các đoàn đông, nghỉ dài ngày… Chủ động tổ chức các sự kiện lớn và cần có khu vui chơi giải trí ban đêm, nhất là khu ẩm thực tập trung.

Bên cạnh đó, cũng cần có sự liên kết giữa quốc gia và các địa phương lân cận, liên kết với một số thị trường trọng điểm để quảng bá điểm đến trên truyền thông của họ. Tập trung làm tốt vấn đề mà nhiều người cùng quan tâm hiện nay như xây dựng những hình ảnh sinh động trực quan thông qua các phim ngắn, video… Cần có nhiều video với các nội dung cụ thể khác nhau phù hợp với thị trường khách đang hướng đến. Khi đó, du khách có thể dễ dàng tiếp cận thông tin điểm đến thông qua nhiều kênh khác nhau như trang thông tin điện tử, mạng xã hội…

Ông Trương Nam Thắng, cán bộ quản lý phát triển ngành, Chương trình phát triển du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do EU tài trợ: Cần có chiến lược phát triển sản phẩm du lịch

Đà Nẵng là trung tâm du lịch lớn nhất miền Trung và phát triển du lịch đang là một trong những định hướng chiến lược của Đà Nẵng. Đà Nẵng đã phần nào khẳng định được thương hiệu của một điểm đến du lịch hấp dẫn. Tôi nói phần nào là vì Đà Nẵng đã khẳng định là một điểm đến với môi trường du lịch trong lành, an toàn và thân thiện nhưng ngoài sản phẩm du lịch biển thì thương hiệu du lịch Đà Nẵng chưa thực sự gắn với một sản phẩm du lịch nào khác. Thương hiệu du lịch Đà Nẵng mới chỉ gắn với sản phẩm du lịch biển. Đà Nẵng cần có định hướng chiến lược để phát triển những sản phẩm khác có ưu thế và tiềm năng như: du lịch tàu biển, du lịch hội nghị. Bây giờ, cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế đã là một phần của thương hiệu Đà Nẵng. Với cách làm tương tự ở những sản phẩm du lịch khác, sau một vài năm nữa, du lịch Đà Nẵng sẽ nổi tiếng trên nhiều phương diện hơn.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hội Lữ hành Đà Nẵng: Phải có sản phẩm mang văn hóa bản địa

Việc tái lập Sở Du lịch sau 8 năm vừa là xu hướng chung của cả nước, vừa chứng tỏ du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng. Như vậy, chúng ta đã có cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành của điểm đến, các nguồn lực sẽ tập trung hơn, chỉ đạo quyết liệt hơn và chắc chắn sẽ tạo ra nhiều đột phá mới về sản phẩm, thị trường, khách hàng. Tầm nhìn của chúng ta phải là một trung tâm du lịch của cả nước và khu vực, có sức lan tỏa mạnh mẽ ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Thương hiệu đó được xây dựng trên hai hướng là sự liên kết với Thừa Thiên-Huế - Quảng Nam để Đà Nẵng trở thành cửa ngõ của con đường di sản và thiên đường biển đảo; mặt khác, đó là một thành phố trẻ, năng động, đáng sống, có môi trường trong lành, an ninh, an toàn, thân thiện, mến khách.

Để thu hút được các nguồn khách thì phải có các sản phẩm, các điểm đến mang bản sắc văn hóa riêng của Đà Nẵng, mang dấu ấn của văn hóa bản địa. Đây là vấn đề cốt lõi còn thiếu phải bổ sung. Các vấn đề khác như dịch vụ vui chơi trên biển, trên sông, các chương trình biểu diễn, các khu mua sắm tập trung, chợ đêm... đang được hình thành và sẽ khai thác tốt trong tương lai gần.

THU HÀ ghi

 

;
.
.
.
.
.