.

Lo ngại chất lượng thức uống

.

Chưa bao giờ người tiêu dùng hoang mang trước các sản phẩm đồ uống từ bình dân đến thương hiệu có nguy cơ gây hại cho sức khỏe như hiện nay. Trong khi thị trường thức uống đang tăng trưởng về số lượng, đa dạng về chủng loại và đi kèm là vấn đề chất lượng bị bỏ ngỏ, bởi sự kiểm soát thiếu chặt chẽ từ phía cơ quan chức năng.

Hàng trăm chai nước giải khát kém chất lượng bị quản lý thị trường tịch thu và tiêu hủy tại Đà Nẵng.  				                              Ảnh: DUYÊN ANH
Hàng trăm chai nước giải khát kém chất lượng bị quản lý thị trường tịch thu và tiêu hủy tại Đà Nẵng. Ảnh: DUYÊN ANH

Cuối tháng 5 vừa qua, hàng loạt lô sản phẩm đồ uống của Công ty nước giải khát URC Hà Nội bị phanh phui về hàm lượng chì vượt ngưỡng công bố. Sang đầu tháng 7, Thanh tra Bộ Y tế yêu cầu các địa phương, trong đó có Đà Nẵng, giám sát tạm dừng lưu thông 13 sản phẩm nước uống bổ sung của Công ty Coca Cola Việt Nam.

Những nhãn hiệu đồ uống như trà xanh C2, Sting dâu, cam hay nước tăng lực Samurai, cam ép Teppy, sữa trái cây Minute Maid Nutriboost, nước uống Dasani… không còn xa lạ với người tiêu dùng. Nhưng khi các sản phẩm này “có vấn đề”, người dân mới tá hỏa vì lâu nay vẫn tin rằng các sản phẩm này được kiểm soát rất chặt chẽ. Hiện các loại thức uống này được tiêu thụ khá mạnh với hàng triệu sản phẩm mỗi năm trên thị trường Đà Nẵng.

Thức uống có công bố chỉ tiêu chất lượng, nhãn mác rõ ràng đã vậy. Một mảng đồ uống khác lâu nay tồn tại trên vỉa hè là thức uống đường phố lại càng đáng lo ngại hơn. Bước vào mùa hè, đâu đâu trên các đường phố Đà Nẵng cũng mọc lên nhan nhản các quầy trà sữa, trà chanh, siro, thạch sữa… phục vụ đủ mọi đối tượng. Để trấn an khách hàng, hầu hết các điểm đều trưng bảng quảng cáo “thạch nhà làm”, nhưng thực tế “công nghệ” sản xuất bằng tay này lại hết sức mất vệ sinh. Có sử dụng sản phẩm tại các điểm bán này mới thấy vấn đề an toàn thực phẩm bị bỏ ngỏ.

Khảo sát một số “cơ sở” tự phát trên đoạn đường dài hơn 1km từ ngã tư Ngô Thì Nhậm - Nguyễn Lương Bằng đến Trường Cao đẳng Kinh tế-Kế hoạch, chúng tôi đếm được gần 15 quầy trà sữa. Chỉ cần một chiếc xe đẩy, vài bộ bàn ghế nho nhỏ với 5-7 chai siro đủ màu, người bán ung dung kinh doanh mà không cần bất cứ một giấy phép nào. Theo quan sát của chúng tôi, một ly trà sữa trân châu thập cẩm (loại đồ uống đang được sinh viên, trẻ nhỏ yêu thích hiện nay), có tất cả 7 món khác nhau được pha chế hỗn hợp.

Từ những viên thạch xanh, trắng, hồng đến các hạt bong bóng màu đen, nhai dai dai..., theo tiết lộ từ các nhân viên, những nguyên liệu này được mua từ các chợ và cửa hàng nguyên liệu có khắp nơi, nguồn gốc xuất xứ có loại từ Trung Quốc, có loại từ Đài Loan và trong nước. Để kiểm chứng, chúng tôi vào một số chợ như chợ Cồn, chợ Hàn hỏi mua các nguyên liệu làm thạch sữa, nhiều tiểu thương vồn vã hỏi ngay cần lấy số lượng bao nhiêu, đồng thời lấy từ dưới quầy lên các loại bao to, bao nhỏ... đủ loại như bột trà hồng, trà đào, trà hoa trân, trà thái xanh, giá chỉ từ vài chục ngàn đồng/gói 1kg. Điều đáng nói, những món hàng này không có một bằng chứng nào bảo đảm đủ độ an toàn thực phẩm.

Theo lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường thành phố, trước đây, đoàn kiểm tra ngành của Đà Nẵng đã có đợt kiểm tra chuyên đề, trong đó phát hiện nhiều vi phạm trong hoạt động kinh doanh như điều kiện kinh doanh lẫn nhãn mác, xuất xứ sản phẩm nguyên liệu làm trà sữa. Thế nhưng, từ đó đến nay, các cơ sở kinh doanh trà sữa nói riêng và thức uống đường phố nói chung không được quản lý tới nơi tới chốn. Vì thế, chất lượng đồ uống đang bị thả nổi.

Phát biểu về thực trạng an toàn vệ sinh thực phẩm trong cuộc họp mới đây, ông Nguyễn Tiên Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố cho biết: “Ở Đà Nẵng, các cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm đa phần là thủ công, mang tính hộ gia đình, cá thể với điều kiện sản xuất còn hạn chế về cơ sở vật chất nhà xưởng, môi trường và con người. Vì vậy, điều kiện an toàn thực phẩm của các cơ sở chế biến thực phẩm loại này chưa thực sự bảo đảm”.

Trước thực trạng về an toàn vệ sinh đồ uống, lãnh đạo thành phố yêu cầu trong thời gian tới, các ngành Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp chặt chẽ trong việc kiểm tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm từ nơi sản xuất đến bàn ăn, không chỉ với những mặt hàng tiêu dùng hằng ngày mà ngay cả những thực phẩm không thường xuyên như rượu, bia, nước yến..., không để mất lòng tin đối với người tiêu dùng.

DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.