.

"Nóng" khách sạn ven biển

.

Tính đến giữa năm 2016, tổng số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn Đà Nẵng xấp xỉ trên 535 khách sạn, khu nghỉ dưỡng, với 20.166 phòng. Trong đó, có 35 khách sạn khối 4-5 sao và tương đương với 6.084 phòng; khối 3 sao có 65 khách sạn với 4.394 phòng; khối 1-2 sao và tương đương có 425 khách sạn với 9.411 phòng. Ngoài ra, căn hộ, biệt thự du lịch cao cấp và đạt chuẩn, nhà nghỉ dưỡng là 10 đơn vị với 277 phòng.

Dọc tuyến đường Võ Nguyên Giáp, hiện có hàng chục khách sạn trung, cao cấp đang được triển khai xây dựng.  							           Ảnh: THÀNH LÂN
Dọc tuyến đường Võ Nguyên Giáp, hiện có hàng chục khách sạn trung, cao cấp đang được triển khai xây dựng. Ảnh: THÀNH LÂN

Như vậy, so với thời điểm cuối năm 2015, số cơ sở lưu trú du lịch tăng 45 cơ sở với 1.933 phòng. Con số này sẽ tăng mạnh trong thời gian đến khi hiện tại có hàng chục khách sạn đang trong quá trình thi công và gấp rút hoàn thiện để đưa vào sử dụng.

Dọc các tuyến đường Nguyễn Tất Thành (đoạn thuộc phường Xuân Hà, quận Thanh Khê), Phạm Văn Đồng (đoạn thuộc phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà), Võ Nguyên Giáp, An Thượng 1 đến An Thượng 4, Đỗ Bá, Phan Tôn, Lê Quang Đạo, Hoàng Kế Viêm, Trần Bạch Đằng, Ngô Thì Sĩ (thuộc phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn)..., có ít nhất trên 40 khách sạn từ 4-15 tầng đang xây dựng dang dở. Đó là chưa kể tại các tuyến đường như Hà Bổng, Dương Đình Nghệ, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Thoại (thuộc phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà)... đã trở thành “phố khách sạn” từ lâu. Ngoài ra, các đường nhánh, đường rẽ trên các trục đường Võ Nguyên Giáp - Phạm Văn Đồng (đoạn thuộc phường An Hải Bắc)..., cũng có nhiều công trình khách sạn đang xây mới. Riêng khu vực từ đường Nguyễn Văn Thoại đến đường Trần Văn Dư (phường Mỹ An) có hàng chục khách sạn đã và đang xây dựng.

Ông Nguyễn Tấn Thảo (trú An Thượng 2) phàn nàn, khu vực này giờ giống như đại công trình, tiếng búa, tiếng cưa, tiếng cắt đục cùng các loại xe đổ bê-tông, xe ủi, máy xúc ầm ĩ cả ngày. Bụi, khói cay xè…, nhà sống gần biển nhưng không khí ở đây rất ngột ngạt do đường nhỏ, chật hẹp, lưu lượng ô-tô ra vào rất đông. Đường Hà Bổng chỉ một đoạn nửa cây số nhưng có tới hàng chục khách sạn, nhà nghỉ nằm san sát nhau. Vào mùa cao điểm, mỗi ngày, hàng trăm phương tiện ô-tô du lịch, taxi ra vào các khách sạn. Mật độ khách sạn quá dày trong khi bãi đỗ xe không có, người đi bộ phải chen chân dưới lòng đường, còn vỉa hè biến thành bãi đậu ô-tô, khiến tình trạng giao thông ở đây vô cùng lộn xộn.

Sự phát triển quá “nóng” của thị trường khách sạn trong thời gian qua phần nào đáp ứng được nhu cầu lưu trú của khách du lịch đến Đà Nẵng ngày càng tăng. Tuy nhiên, tình trạng ồ ạt xây dựng khách sạn như hiện nay có nguy cơ xảy ra sự cạnh tranh không lành mạnh, thiếu bền vững. Theo đại diện Hiệp hội Khách sạn Đà Nẵng: “Thực tế, Đà Nẵng chưa có một quy hoạch nào về xây khách sạn nên đã bộc lộ điểm yếu trong công tác đầu tư hạ tầng du lịch...”.

Anh Hồ Phương, một chủ khách sạn đang xây trên đường Võ Nguyên Giáp cho biết, việc đầu tư khách sạn của anh xuất phát từ dự đoán nhu cầu lượng khách du lịch đến Đà Nẵng sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới, khi mà chỉ 5 tháng đầu năm 2016 đã tăng đến 12%. Bên cạnh đó, kết hợp với nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch lớn sẽ diễn ra từ nay đến hết năm như tháng 8 sẽ diễn ra cuộc thi Marathon quốc tế 2016 và chương trình lướt ván sông Hàn.

Trong khi đó, từ ngày 24-9 đến 3-10, tại Đà Nẵng sẽ diễn ra Đại hội Thể thao bãi biển châu Á lần thứ 5 năm 2016 với sự tham gia của hơn 8.000 vận động viên các nước khu vực châu Á. Đặc biệt, vào tháng 11-2017, nguyên thủ của 21 nền kinh tế APEC sẽ dự hội nghị thượng đỉnh tại Trung tâm hội nghị quốc tế của Furama Resort với ước tính, lượng khách quốc tế gồm các nguyên thủ, phu nhân, các đoàn tùy tùng, báo chí, sĩ quan liên lạc… lên đến khoảng 25.000 người. Trong khi đến nay, Đà Nẵng mới chỉ có 20.166 phòng khách sạn, trong đó có 6.084 phòng đạt chuẩn 4 - 5 sao. Tuy nhiên, 50% trong số đó là dành cho du khách thường xuyên, do vậy chỉ còn khoảng 12.000 phòng dành cho APEC 2017. Vì vậy, chắc chắc số buồng phòng sẽ thiếu trong các dịp lễ hội.

Có một thực trạng đang xảy ra hiện nay là hầu hết khách sạn 1-3 sao được các chủ đầu tư xây dựng tự phát trong lúc họ không nắm được thông tin thị trường, các tiêu chuẩn xếp hạng khách sạn, thiếu nhân lực vận hành và kế hoạch kinh doanh. Một số khách sạn mới đưa vào sử dụng bị hạn chế về thiết kế và công năng sử dụng, không đạt các tiêu chuẩn nghiệp vụ theo quy định cơ sở vật chất, trang thiết bị, số lượng các dịch vụ, các tiện ích phục vụ khách dẫn đến kinh doanh kém hiệu quả. Bên cạnh đó, số lượng khách sạn có quy mô 1-3 sao tăng trưởng nhanh đã xuất hiện tình trạng cung vượt cầu vào mùa thấp điểm du lịch; đồng thời, gây ra cơn sốt giá đất ở các khu ven biển, đẩy thị trường bất động sản tăng giá ảo.  

Trước tình hình này, Sở Du lịch Đà Nẵng đã phổ biến tiêu chuẩn xếp hạng khách sạn mới 4391:2015 cùng các quy định về kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch: giấy phép đăng ký kinh doanh, báo cáo thống kê, kê khai giá, niêm yết giá. Đồng thời lưu ý các khách sạn nhỏ cần khắc phục một số hạn chế như không có camera giám sát, cửa kính, chốt cửa... Đồng thời Sở Du lịch Đà Nẵng cũng tiến hành tập huấn cho các khách sạn 1 - 3 sao cách thức xử lý tình huống với khách trong kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch.

Hướng dẫn quy trình xử lý về tiếp nhận thông tin; xử lý phản ánh, phàn nàn của khách; một số tình huống thường xảy ra tại bộ phận lễ tân, buồng phòng, nhà hàng liên quan đến các phản ánh, phàn nàn của khách... Bên cạnh đó, khuyến cáo các nhà đầu tư nên tập trung ưu tiên những phân khúc khách sạn các hạng sao phù hợp với nhu cầu thực tế để tránh lãng phí, gây nên tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, hướng đến khai thác hiệu quả và phát triển bền vững cơ sở hạ tầng khách sạn.

THÀNH LÂN

;
.
.
.
.
.