.
Cơn lốc ngầm tín dụng đen

Bài cuối: Cần giải pháp căn cơ

.

Sau khi vay nặng lãi, vay nóng nhưng đến hạn không thể trả tiền (tiền lãi, tiền gốc) nhiều người đã bị các đối tượng cho vay tìm đến đe dọa, thậm chí đánh đập, bắt cóc. Với tính chất nghiêm trọng, manh động như vậy, hoạt động này cần được phát hiện, ngăn chặn kịp thời.

Bị đánh đập, đe dọa tính mạng và bắt cóc

Từ đầu năm đến nay, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an thành phố đã phối hợp với Công an các quận, huyện phát hiện và xử lý một số vụ việc vi phạm pháp luật xuất phát từ việc cho vay nặng lãi kéo theo đó là hành vi đòi nợ, đòi nợ thuê gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người dân.

Đơn cử, vào khoảng 11 giờ 30 ngày 4-5, do anh H.Đ.Th. (trú tại phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) vay nóng của Đ.V.N. (trú phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ) số tiền 4 triệu đồng nhưng đến hạn chưa trả nên N. đã cùng 3 đối tượng khác đi 2 xe máy đến tìm anh Th. Sau khi đánh đập anh Th., chúng chở anh Th. về nhà N. giam giữ và buộc mẹ Th. phải đem tiền trả nợ. Công an quận Cẩm Lệ khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam N. cùng đồng bọn để điều tra, làm rõ về tội “Bắt, giữ người trái pháp luật”.

Ở một vụ việc khác, chị N.B. (trú quận Hải Châu) vì vay mượn của H.V. (trú phường Tam Thuận, quận Thanh Khê) 25 triệu đồng, đến hạn không trả được đã bị một đối tượng là N.V.H (trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) khống chế, chở đến quán cà-phê trên đường Hải Phòng yêu cầu trả nợ. Tại đây, chị B. bị H. đánh đập, lấy 500.000 đồng, rồi bắt ép chị tới tiệm cầm đồ cầm điện thoại di động để lấy tiền trả cho V. Vì không chịu làm theo yêu cầu nên H. tiếp tục chở chị B. tới trước cổng Trường tiểu học Đinh Bộ Lĩnh (quận Thanh Khê) đánh đập rồi bỏ lại đây. Vụ việc này đang được Công an quận Thanh Khê củng cố hồ sơ để xử lý.

Trên đây chỉ là hai trong nhiều vụ việc liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê mà Công an thành phố cùng các quận, huyện tiếp nhận hồ sơ và xử lý. Công an thành phố nhận định, hiện nay, trên địa bàn thành phố, tình trạng các băng nhóm, đối tượng riêng lẻ hoạt động cho vay nặng lãi diễn ra ngấm ngầm, dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật như đòi nợ, xiết nợ, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản… Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng này ngày càng tinh vi, xảo quyệt và thường ngụy trang dưới nhiều hình thức để đối phó, tránh né việc bị phát hiện, xử lý của Công an.

Hiện nay, việc xử lý các đối tượng này gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu những cơ sở để đấu tranh, bởi theo quy định của Bộ luật Hình sự, hành vi cho vay nặng lãi chỉ cấu thành tội phạm nếu mức lãi suất cao từ 10 lần trở lên so với mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định và cho vay mang tính chất bóc lột. Tính chất bóc lột được thể hiện ở chỗ, người phạm tội thường xuyên cho người khác vay với mục đích thu lãi suất cao và nguồn thu lợi bất chính này là nguồn thu nhập chính của người đó. “Để lách luật, các đối tượng cho vay nặng lãi thường áp dụng các thủ đoạn không ghi mức lãi suất cho vay, tài sản cầm cố và thời hạn trả nợ trong giấy mượn tiền mà chỉ thỏa thuận ngầm bằng miệng. Khi người vay không trả được nợ thì chúng sẽ xử lý theo luật ngầm. Khi làm việc với cơ quan Công an, các đối tượng một mực cho rằng, đây chỉ là công việc làm thêm, kiếm thêm ít tiền. Chính vì vậy, đến nay chúng ta vẫn chưa xử lý hình sự được đối tượng nào theo tội danh này”. Đại úy Phạm Ngọc Hoàng, Đội trưởng Đội 2, Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an thành phố cho biết.

Không để thành điểm nóng

 Đại tá Quách Văn Dũng, Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự Công an thành phố nhìn nhận, tín dụng đen đang ngấm ngầm hoạt động nhưng chỉ ở mức độ nhỏ lẻ. Chưa có những vụ việc lớn với số nợ hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng xảy ra. Tuy nhiên, cần phải luôn luôn cảnh giác với loại hình tội phạm này bởi nếu quản lý, giám sát, xử lý và ngăn chặn không quyết liệt, kịp thời sẽ dễ dẫn tới những vụ việc gây mất an ninh trật tự xã hội, tạo môi trường cho loại hình băng nhóm tội phạm phát triển. Bên cạnh đó, từ thực tế cho thấy, hoạt động này diễn ra ngày càng phức tạp, khi không chỉ người dân Đà Nẵng đứng ra cho vay mà còn có một số đối tượng từ các tỉnh, thành phố khác cũng tới cư trú và thực hiện hành vi phi pháp này. Công an thành phố đang điều tra, xử lý hồ sơ một đối tượng có hộ khẩu ở một địa phương khác nhưng tạm trú tại Đà Nẵng có hành vi cho vay nặng lãi.

Ngoài ra, trên địa bàn thành phố có 4 công ty đăng ký hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê như Công ty TNHH S.L.L, VP đại diện Công ty TNHH xử lý nợ T.L, Công ty CP Thu hồi nợ K.H, Công ty TNHH Dịch vụ đòi nợ T.T. Trong đó, chỉ còn Công ty CP Thu hồi nợ K.H hoạt động nhưng đã bị xử phạt hành chính hai lần vì lỗi vi phạm. Theo nhận định từ Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an thành phố, mặc dù được pháp luật cho phép nhưng qua theo dõi thực tế cho thấy loại hình doanh nghiệp này diễn biến rất phức tạp, dễ biến tướng thành những hành vi vi phạm nguy hiểm. Qua công tác theo dõi, điều tra, Công an thành phố phát hiện công ty này hiện là đầu mối được đối tượng đang tạm trú tại Đà Nẵng như nêu ở trên ủy quyền để thực hiện việc đòi nợ đối với những người đang nợ tiền vay của đối tượng nhưng không có khả năng trả.

Trước tình hình hoạt động cho vay nặng lãi, vay nóng diễn biến phức tạp, biến tướng và núp bóng dưới nhiều hình thức kinh doanh khác nhau, Đại tá Quách Văn Dũng khẳng định: “Thời gian qua, ngay sau khi tiếp nhận đơn, thư tố giác của người dân, lực lượng Cảnh sát Điều tra, Công an thành phố lập tức triển khai xác minh, xử lý quyết liệt nhằm hạn chế đến mức thấp nhất không cho hoạt động này trở thành điểm nóng”.

Ở một khía cạnh khác, ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh Đà Nẵng cho rằng, người dân nên dè dặt trong việc vay mượn tiền từ các tổ chức, cá nhân cho vay nặng lãi. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 57 chi nhánh tín dụng và 247 phòng giao dịch để phục vụ cho hơn 1 triệu dân thành phố với hồ sơ, thủ tục ngày càng được tinh giản và mở rộng ra phục vụ cho mọi người dân khi có nhu cầu với mức lãi suất 1%/tháng và 12%/năm. Ngoài ra, hiện nay Đà Nẵng đã có một số công ty tài chính ra đời, hoạt động với hình thức cho vay tiêu dùng, phục vụ nhu cầu vay vốn cấp tốc từ vài chục đến khoảng trăm triệu đồng trở xuống.

Tại sao trong khi ngành ngân hàng không ngừng cải cách thủ tục, hồ sơ nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận nguồn vốn nhưng thực tế vẫn rất nhiều người dân tìm đến vay nặng lãi, vay nóng dù biết rõ mức lãi suất “cắt cổ” như thế? Lý giải điều này, Đại úy Phạm Ngọc Hoàng cho rằng, phần lớn những người đi vay nặng lãi, vay nóng đều có hoàn cảnh khó khăn, hoặc không có tài sản đáng giá để thế chấp nên họ ngại tìm đến các ngân hàng thương mại. Trong khi với tín dụng đen, chỉ cần một CMND, giấy tờ xe hay sổ hộ khẩu là có thể vay được từ 5 đến hàng chục triệu đồng chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ.

Trước nguy cơ tín dụng đen ngấm ngầm phát triển, kéo theo những hệ lụy về trật tự xã hội, cần phải có những giải pháp căn cơ trong việc cho vay, hỗ trợ tiêu dùng, phát triển kinh tế; ngăn chặn tệ nạn xã hội; bảo đảm cho người dân được làm ăn, sinh sống tốt hơn trong thành phố an bình.

Hoàng Linh

;
.
.
.
.
.