.

Hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay

.

Giải quyết việc làm là một trong những nội dung của thực hiện công bằng xã hội trong chế độ xã hội ta, không chỉ là động lực phát triển kinh tế mà còn bao hàm chính sách quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với người lao động.

Nhờ vay vốn, nhiều hộ gia đình đã kinh doanh và vươn lên thoát nghèo.
Nhờ vay vốn, nhiều hộ gia đình đã kinh doanh và vươn lên thoát nghèo.

Từ chủ trương của Tổng LĐLĐ Việt Nam về cho vay giải quyết việc làm và hỗ trợ tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm, LĐLĐ thành phố triển khai khá hiệu quả nguồn vốn này, hoạt động quỹ đã giúp đỡ, hỗ trợ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) nghèo, khó khăn giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi trong gia đình nhằm tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống.

Qua thời gian triển khai, việc giám sát nguồn vốn luôn được LĐLĐ thành phố Đà Nẵng chỉ đạo các cấp Công đoàn chú trọng. Vừa qua, LĐLĐ thành phố đã tổ chức kiểm tra các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở được ủy thác sử dụng nguồn vốn vay. Qua kiểm tra, các đơn vị đã cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích sử dụng, công tác quản lý hồ sơ vay vốn, thu lãi và nợ gốc bảo đảm quy định...

Với nguồn vốn ủy thác hơn 990 triệu đồng, các đơn vị đã cho vay giải quyết việc làm cho 85 hộ nghèo là CNVCLĐ. Ông Huỳnh Tuấn, đại diện hộ vay ở LĐLĐ quận Ngũ Hành Sơn chia sẻ: “Cảm ơn Công đoàn các cấp đã tạo điều kiện cho CNVCLĐ vay vốn.

Với số tiền 20 triệu đồng được vay trong 24 tháng, tôi đã sử dụng mua dụng cụ, nguyên, vật liệu cho vợ con ở nhà làm mì lá, bánh tráng đập, mỗi ngày thu nhập  120.000 – 150.000 đồng, đủ để cải thiện đời sống gia đình, trả lãi vay hằng tháng và tích lũy trả nợ gốc”. Tại LĐLĐ huyện Hòa Vang, các hộ vay vốn cũng rất phấn khởi khi được xét cho vay nguồn vốn này. Hiện các hộ được vay vốn từ quỹ cộng với vốn tự có đều đầu tư chăn nuôi lợn, cá kết hợp với trồng rau các loại, thu nhập từ 15 triệu đồng/năm trở lên, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo và quay vòng vốn cho đối tượng khác được vay. Nhiều hộ đã sử dụng vốn vào chăn nuôi gia cầm khá hiệu quả.

Anh Cao Văn Tấn công tác tại UBND xã Hòa Khương cho biết, sau khi vay 20 triệu đồng, anh đầu tư mua hơn 10 con lợn về nuôi, dùng phân lợn cho trồng trọt, sau 6 tháng gia đình anh đã xuất bán 6 con lợn thu được gần 20 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi hơn 5 triệu, anh tiếp tục mua lợn về quay vòng để tăng thu nhập và tích lũy hoàn vốn vay sau 24 tháng.

Chị Nguyễn Thị Thu Sa, một hộ vay ở huyện Hòa Vang mở quầy buôn bán áo quần trẻ em tại chợ Túy Loan, thu nhập tạm ổn cũng mong muốn Công đoàn tăng số tiền vay và thời gian vay. Nhiều ý kiến cho rằng với định suất và thời gian cho vay như vậy thật khó để CNVCLĐ nghèo có thể đầu tư phát triển sản xuất, giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi trong gia đình, nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống mà chỉ hỗ trợ giải quyết những khó khăn trước mắt... Do vậy, nên nâng định suất cho vay lên đến 50 triệu đồng/suất và thời hạn cho vay giãn ra từ 3 đến 5 năm.

Qua khảo sát, nguồn vốn vay từ Quỹ quốc gia về việc làm đã góp phần giải quyết công ăn việc làm, cải thiện đời sống, tăng thu nhập... cho các hộ CNVCLĐ. Tuy nhiên, qua thực tế, các đơn vị nhận ủy thác cho vay vốn cũng chỉ triển khai đến các đối tượng là cán bộ, công chức ở các đơn vị hành chính, sự nghiệp, trường học, chưa đưa được nguồn vốn vay này đến với công nhân, lao động (CNLĐ) ở các doanh nghiệp, là đối tượng rất khó khăn đang có nhu cầu. Tại Công đoàn Các khu công nghiệp và chế xuất, tuy mạnh dạn sử dụng nguồn vốn này cho CNLĐ ở các doanh nghiệp vay, quá trình quản lý thu lãi và nợ cũng khá tốt, nhưng có 2 trường hợp chưa thu được nợ gốc với số tiền 10 triệu đồng do CNLĐ đã nghỉ việc. Đây cũng là vấn đề đặt ra khi đưa nguồn vốn đến với CNLĐ, là đối tượng rất khó khăn có nhu cầu vay cùng các giải pháp thu hồi.

Để sử dụng nguồn vốn thực sự có hiệu quả và đến được với CNLĐ, các Công đoàn cấp trên cơ sở mong muốn LĐLĐ thành phố quan tâm và đề xuất các cấp điều chỉnh việc tăng định suất cho vay và thời gian cho vay, xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn có nghiệp vụ, hướng dẫn, tư vấn cho đối tượng vay vốn sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả, đồng thời cần quy định chặt chẽ hơn cho đối tượng là CNLĐ vay vốn cho các dự án sau.

KỲ THU

;
.
.
.
.
.