.

Siết chặt quản lý, lựa chọn chất lượng khách

.

Trước tình trạng một số du khách Trung Quốc đến Đà Nẵng có hành vi, ứng xử không đúng mực…, một số nhà hàng, khách sạn đã dán thông báo, treo biển không phục vụ khách Trung Quốc. Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố nêu rõ, không phân biệt, kỳ thị khách; khách nào đến với Đà Nẵng cũng đều được chào đón, nhưng cần phải có biện pháp siết chặt quản lý cũng như lựa chọn chất lượng khách cho phù hợp.

Khách nào đến với Đà Nẵng cũng được chào đón nhưng phải chấp hành đúng quy định, pháp luật của Việt Nam. Ảnh: THU HÀ
Khách nào đến với Đà Nẵng cũng được chào đón nhưng phải chấp hành đúng quy định, pháp luật của Việt Nam. Ảnh: THU HÀ

Ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho rằng việc từ chối không tiếp đón khách du lịch đến với mình là đi ngược với xu thế văn minh. Khách nào đến với mình cũng là quý, quan trọng là phải có các biện pháp quản lý chặt chẽ để bảo đảm môi trường du lịch lành mạnh, an toàn, hấp dẫn đối với du khách Trung Quốc nói riêng và khách quốc tế nói chung.

Tại hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch được tổ chức tại Hội An mới đây, ông Dương Chí Thành, Tổng Giám đốc Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam chia sẻ, hiện tượng khách du lịch Trung Quốc là một điểm mà ngành du lịch rất quan tâm. Đây là thị trường du lịch và hàng không lớn nhất thế giới nhưng khi khai thác thị trường này có rất nhiều vấn đề phải quan tâm như chất lượng khách du lịch.

Năm 2015 có 128 triệu lượt người Trung Quốc đi du lịch và đến năm 2025 dự báo sẽ có khoảng 225 triệu lượt khách Trung Quốc đi du lịch ra nước ngoài, trong số đó có cả du lịch cấp cao và du lịch chất lượng thấp. Vấn đề đặt ra là phải có chiến lược và nhắm đối tượng cho hợp lý, vừa tăng số lượng, vừa bảo đảm chất lượng, môi trường du lịch và quan trọng hơn cả là thu nhập mà ngành du lịch thu được từ đối tượng khách này.

Trong những năm gần đây thị trường khách Trung Quốc luôn đứng đầu trong nhóm 10 thị trường khách quốc tế đến Đà Nẵng. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2016, Đà Nẵng ước đón 211.079 lượt khách chiếm tỷ trọng 26,5%, tăng 83% so với cùng kỳ; khách Hàn Quốc xếp thứ hai sau thị trường Trung Quốc ước đón 207.878 lượt khách, chiếm tỷ trọng 26,13%, tăng 154,9% so với cùng kỳ năm 2015.

Khách ở một số thị trường có sự tăng trưởng mạnh dẫn đến tình trạng lộn xộn ở các thị trường này. Theo ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, chúng ta không nên kỳ thị hay phân biệt bất cứ du khách nào mà nên phục vụ tất cả các loại khách thật tốt. Bên cạnh đó, các nhà hàng cũng nên có những khuyến cáo quy định đối với khách khi sử dụng dịch vụ.

Nếu ai vi phạm các quy định, pháp luật của Việt Nam thì nên báo cho các cơ quan quản lý Nhà nước để xử lý. Bên cạnh việc phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành để tăng cường quản lý các khách sạn, doanh nghiệp du lịch trên địa bàn, Sở Du lịch cũng nhắc nhở, cảnh báo các đơn vị lữ hành khách sạn, khu điểm du lịch, hướng dẫn viên không tiếp tay cho các cá nhân, doanh nghiệp hoạt động lữ hành trái phép tại Đà Nẵng; đề nghị các hiệp hội, hội, câu lạc bộ tích cực nâng cao nhận thức của các công ty lữ hành, khách sạn, hướng dẫn viên thực hiện đúng quy định của Nhà nước về hoạt động du lịch.

Thành phố cũng đã cho in và ban hành bộ quy tắc ứng xử bằng tiếng Trung Quốc để phổ biến ở các sân bay, nhà ga, các nhà hàng, khách sạn, khu điểm du lịch có đông khách Trung Quốc cũng như phối hợp với các đơn vị lữ hành khai thác khách quốc tế tuyên truyền, thông báo cho khách nắm được các nội dung trong bộ quy tắc ứng xử khi đến với Đà Nẵng.

Cuối tháng 8 này, Sở Du lịch tiếp tục phát hành bộ quy tắc ứng xử bằng tiếng Hàn Quốc. “Khi mình đã có khuyến cáo, quy định riêng, những điều nên làm và không nên làm, du khách được phổ biến, được biết rồi thì ít nhiều du khách sẽ có cách ứng xử đúng mực, phù hợp hơn tại điểm đến”, ông Trần Chí Cường cho hay.

THU HÀ

;
.
.
.
.
.