.

Điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn

.

Với nhiều tiềm năng và lợi thế, thời gian qua, ngành du lịch Đà Nẵng bứt phá mạnh mẽ, trở thành một trong ba ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng vào sự phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố. Tuy vẫn còn nhiều bất cập nhưng bước đầu đã tạo nên thương hiệu du lịch của thành phố.

Xây dựng các sản phẩm mang đậm văn hóa địa phương cũng là một điểm nhấn để thu hút khách. TRONG ẢNH: Học sinh Đà Nẵng giao lưu với thủy thủ Cuộc đua thuyền buồm vòng quanh thế giới Clipper Race 2016.
Xây dựng các sản phẩm mang đậm văn hóa địa phương cũng là một điểm nhấn để thu hút khách. TRONG ẢNH: Học sinh Đà Nẵng giao lưu với thủy thủ Cuộc đua thuyền buồm vòng quanh thế giới Clipper Race 2016.

Khai thác tiềm năng và lợi thế

Trong giai đoạn 5 năm 2011-2015, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm của khách du lịch đến Đà Nẵng đạt gần 20,14%, tổng thu từ du lịch tăng bình quân 30,7%. Trong 6 tháng đầu năm 2016, tổng lượt khách tham quan du lịch đến Đà Nẵng ước đạt 2,47 triệu lượt, tăng 11,1% so với cùng kỳ 2015; trong đó khách quốc tế tăng 29,7%. Tổng thu du lịch ước đạt 7.177 tỷ đồng, tăng 15,5% so với cùng kỳ. Đến nay, Đà Nẵng có 76 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch với tổng số vốn đầu tư 12,02 tỷ USD, trong đó có 17 dự án đầu tư nước ngoài, số vốn đầu tư 1,18 tỷ USD và 59 dự án đầu tư trong nước tổng vốn 10,84 tỷ USD. Những năm gần đây cơ sở vật chất liên tục được đầu tư, nâng cấp cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay Đà Nẵng có khoảng 20.465 phòng với khoảng 545 cơ sở lưu trú.

Cùng với các hoạt động trở thành thương hiệu như Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế, Mùa du lịch biển; Đà Nẵng - Điểm hẹn mùa hè..., những năm gần đây, Đà Nẵng có thêm nhiều sự kiện lớn như Cuộc đua thuyền buồm vòng quanh thế giới (Clipper Race), Diễn đàn du lịch mùa xuân 2016, Hội chợ Du lịch quốc tế Đà Nẵng; sắp tới là Đại hội Thể thao biển châu Á (ABG5) và hướng đến chuẩn bị tổ chức Tuần lễ cấp cao APEC năm 2017. Các sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng, phong phú như du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch biển, các điểm vui chơi, giải trí đang trở thành điểm đến mới của khách ở Suối khoáng nóng Núi Thần Tài, Trung tâm giải trí phức hợp Helio, Công viên Châu Á, tắm bùn khoáng Galila... Bên cạnh môi trường du lịch ổn định, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường ngày càng xử lý tốt; các hoạt động xúc tiến, quảng bá, mở rộng thị trường được quan tâm; mở nhiều đường bay thẳng kết nối với các nước rất thuận tiện cho khách. Những năm gần đây Đà Nẵng được nhiều tổ chức du lịch quốc tế, doanh nghiệp, du khách bình chọn và đánh giá cao, góp phần định vị hình ảnh và khẳng định thương hiệu của du lịch Đà Nẵng trên bản đồ du lịch quốc tế.

Đột phá mạnh mẽ hơn nữa

Theo ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố, có được kết quả trên là nhờ quá trình phấn đấu từ nhiều năm nay. Đó là sự thống nhất, đồng bộ, xuyên suốt từ chỉ đạo đến việc triển khai các chương trình hành động của chính quyền và thực hiện của người dân. Cùng với đó, sự chỉ đạo quyết liệt của các thế hệ lãnh đạo Đà Nẵng, từ công tác đầu tư phát triển hạ tầng, xúc tiến du lịch đến kế hoạch an sinh xã hội... tất cả đều hướng đến mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển du lịch, làm du lịch. Do đó, thành phố từng bước xây dựng và giữ gìn thương hiệu điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, sự phát triển quá nhanh dẫn đến nhiều bất cập như vẫn còn tình trạng đeo bám, chèo kéo khách ở một số điểm đông khách du lịch; người nước ngoài hoạt động lữ hành, hướng dẫn du lịch trái phép tại Đà Nẵng; các khách sạn từ 1-3 sao phát triển nhanh, nhiều dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh về giá... Chủ tịch Hội Lữ hành Đà Nẵng Cao Trí Dũng cho rằng, với sức hút của điểm đến, thành phố cần nhanh chóng quy hoạch hình thành các điểm đến tập trung, theo đặc điểm từng loại hình khách; hình thành hệ thống dịch vụ quanh các khách sạn, các hoạt động vui chơi giải trí về đêm, khu mua sắm tập trung; xây dựng thương hiệu ẩm thực Đà Nẵng, khuyến khích các loại hình ẩm thực đặc thù đáp ứng nhu cầu của từng nguồn khách; xây dựng các sản phẩm mang bản sắc văn hóa Đà Nẵng; đầu tư có trọng điểm cho sản phẩm du lịch biển, du lịch sông Hàn, du lịch sinh thái Sơn Trà, Bà Nà, Hải Vân...

Cuối năm 2015, UBND thành phố ban hành Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020, trong đó chú trọng du lịch biển cao cấp mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế, hình thành các sản phẩm du lịch chủ lực, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của du khách, có sức cạnh tranh cao; nâng cao nhận thức của xã hội về du lịch, đảm bảo môi trường du lịch an toàn phát triển theo hướng bền vững; chú trọng phát triển nguồn nhân lực theo hướng chuyên nghiệp có chất lượng cao, nâng cao tính chuyên nghiệp trong xúc tiến, quảng bá... Đây chính là động lực để du lịch Đà Nẵng phát triển hơn nữa; thực sự tạo thương hiệu trong nước và quốc tế.

Bài và ảnh: THU HÀ

;
.
.
.
.
.