.

Đam mê khởi nghiệp

.

Khởi nghiệp chưa bao giờ là con đường trải hoa hồng, trái lại còn có rất nhiều chông gai, đòi hỏi sự dấn thân thật sự. Vậy tại sao nhiều người vẫn chọn con đường này?

Sản phẩm máy in 3D 2 màu của sinh viên Câu lạc bộ khởi nghiệp Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng).
Sản phẩm máy in 3D 2 màu của sinh viên Câu lạc bộ khởi nghiệp Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng).

Nhìn thấy “bài toán”, phải tìm “lời giải”

Chị Huỳnh Chu Phương là Trưởng bộ phận nghiên cứu và phát triển sản phẩm của Vút Bay - 1 trong 8 dự án khởi nghiệp đầu tiên của Vườn ươm doanh nghiệp thành phố Đà Nẵng ươm tạo. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), chị bắt đầu công việc giảng dạy ở một trường trên địa bàn thành phố. Trong những ngày tháng đứng lớp, cô giáo trẻ chợt nhận ra nhiều học sinh của mình lơ ngơ khi cầm trên tay bộ hồ sơ tuyển sinh đại học. 12 năm học, nhiều em vẫn không biết mình muốn làm gì sau khi tốt nghiệp THPT.

Không đành lòng, chị Phương mày mò tìm cách giúp học sinh. Chị tham gia một dự án khởi nghiệp chuyên định hướng nghề nghiệp cho thanh- thiếu niên Đà Nẵng. Vút Bay tổ chức chuyến đi đến các công ty, doanh nghiệp, nhà máy… cho học sinh THPT nhằm giúp các em có khái niệm cơ bản về từng ngành nghề trong xã hội. Từ đó, các em tự tìm ra sở thích và sở trường của mình.

Dự án khởi nghiệp của chị Trịnh Thị Hồng (trú quận Liên Chiểu) cũng xuất phát từ một “bài toán”. Xuất thân là trẻ mồ côi, chị hiểu nỗi vất vả của chị em lao động nghèo phải gồng gánh nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền thường trực. Bước ngoặt đến khi chị được tham dự Hội nghị phát triển cộng đồng nghèo đô thị khu vực Thái Bình Dương tại Philippines, nơi chị tiếp xúc lần đầu tiên với sản phẩm hữu cơ vi sinh do nước bạn giới thiệu.

Trở về, chị tìm tòi, thêm thắt, tạo ra những lít nước rửa chén đầu tiên từ cọng rau sống, hoa héo… Nhận thấy đây có thể là cách giúp phụ nữ tạo sản phẩm, tăng thu nhập, chị Hồng nhờ đến sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ cũng như Vườn ươm doanh nghiệp thành phố để phát triển thành một dự án khởi nghiệp. Trong cuộc thi Hatch! Fair 2016 dành cho các dự án khởi nghiệp toàn quốc vừa được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh, những chai nước rửa chén của chị đã giành ngôi quán quân về yếu tố tác động xã hội.

Tự do làm điều mình thích

Nguyễn Bình Tâm bắt đầu dự án rau sạch Mộc Nhiên khi đang là sinh viên năm cuối Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng). Thời điểm đó, các trường đại học ở Đà Nẵng bắt đầu xây dựng chương trình giúp sinh viên tạo ý tưởng khởi nghiệp. Bắt đầu từ một ý tưởng về nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng chuỗi cung ứng nông sản, Tâm tham gia cuộc thi “100 hạt giống doanh nhân Đà Nẵng”.

Quá trình khởi nghiệp của Tâm không chút “hoành tráng” mà gắn liền với rau dưa, đất đai, sâu bệnh… Tâm kể về những ngày chạy xe 20-30km đi từ trường đến vùng rau sạch VietGAP ở xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang), những lúc rau bị sâu ăn mạnh phải ngồi tỉ mẩn làm thuốc xịt không hóa chất, những buổi trưa đội nắng chở rau đến nhà từng khách hàng.

Hỏi Tâm động lực nào để theo đuổi việc khởi nghiệp giữa vòng xoay bài vở chóng mặt của năm cuối, Tâm bảo, mình có đam mê với sinh học. Dù vất vả nhưng Tâm được tự do làm điều mình thích. “Cái cực cũng tự biến thành niềm vui,” Tâm nói.

Cơ hội tiếp cận thị trường lớn

Ông Lý Đình Quân, Phó Giám đốc điều hành Vườn ươm doanh nghiệp thành phố Đà Nẵng cho rằng, nền kinh tế Việt Nam lâu nay phụ thuộc nhiều vào nguồn tài nguyên thô, nay cần phải tái cấu trúc theo hướng tăng trưởng bền vững, tập trung vào các tài sản trí tuệ. Vì vậy, hướng đi của Đà Nẵng trong chương trình xây dựng thành phố khởi nghiệp đến năm 2020 là phải ưu tiên hỗ trợ các dự án giải quyết được nhiều lao động mà không tốn nhiều vốn hay tài nguyên thiên nhiên. “Dù khởi nghiệp ở Đà Nẵng nhưng nhờ hội nhập, các doanh nghiệp có thể tiếp cận thị trường 100 triệu dân của Việt Nam, 600 triệu dân của ASEAN và hàng tỷ dân của thế giới”, ông Quân nói.

Bài và ảnh: KHANG NINH

;
.
.
.
.
.