.

Hành khách không vào bến xe

.

Đúng 8 giờ 30 ngày 19-10, có mặt tại Bến xe Trung tâm thành phố, chúng tôi chứng kiến toàn bộ khu nhà ga bán vé rộng thoáng với gần 30 quầy vé đều có nhân viên phục vụ nhưng chỉ có 2 hành khách mua vé. Các nhân viên cho chúng tôi biết, tình trạng này kéo dài suốt từ giữa tháng 9 đến nay và có thể còn kéo dài ít nhất đến Tết Dương lịch mới có khách trở lại, có quầy cả buổi sáng không bán được vé nào.

Nhà xe tranh thủ đón thêm khách trên đường.
Nhà xe tranh thủ đón thêm khách trên đường.

Ở khu vực xe chờ xuất bến, tình hình cũng tương tự. Cả dãy xe dài xếp hàng ngay ngắn chờ đến giờ xuất bến nhưng lèo tèo chỉ mấy hành khách, còn lại là tài xế và nhân viên nhà xe. Ngay cả các tuyến xe lâu nay được tiếng đông khách như Đà Nẵng đi Huế, Đông Hà, Quảng Ngãi... cũng vắng khách. Cứ khoảng 5 phút lại có xe rời bến nhưng chỉ có vài hành khách.

Trong lúc bến xe đìu hiu hành khách thì trên các tuyến đường Tôn Đức Thắng - Nguyễn Lương Bằng, Trường Chinh lại khá sôi động. Hầu hết những chiếc xe sau khi rời bến đúng giờ, ra đường chạy chậm lại để đón khách.

Theo quan sát của chúng tôi, chỉ một đoạn đường ngắn từ trước cổng Bến xe Trung tâm đến khu vực trước cổng Trường Đại học Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), có đến chục điểm hành khách đứng thành từng nhóm để đón xe. Bất kể khách đi đâu, tất cả xe khách khi thấy hành khách đều tấp vào lề chào mời ầm ĩ. Tìm hiểu lý do tại sao không vào bến mua vé, nhiều hành khách nói rằng, vào bến giá cũng vậy, thậm chí còn đắt hơn so với đón xe ngoài đường, lại còn tốn tiền taxi, xe ôm… Có lẽ đây là lý do mà nhiều “bến cóc” trên địa bàn thành phố tồn tại, dù bị các cơ quan chức năng nhiều lần xóa bỏ.

Những ngày tháng 10 này, chúng tôi đã nhiều lần quay lại “bến xe cóc” trên đường Vân Đồn, vẫn thấy cảnh nhộn nhịp hành khách đi xe. Trước đây, các “xe dù” đón khách tại nơi này chủ yếu vào tầm 15 - 16 giờ 30 thì nay hầu như diễn ra suốt cả ngày. Những người chạy xe ôm ở đây cho biết, vào dịp cuối tuần, khi công nhân nghỉ việc hoặc ngư dân về quê, xe khách mới đổ về đông. Ở đây có đủ các loại “xe dù” của các tỉnh khu vực miền Trung, thậm chí có cả xe giường tầng đón trả khách khá nhộn nhịp.

Tình trạng hành khách không chịu về bến xe mua vé, đứng đón xe dọc đường hoặc đến những “bến xe cóc” diễn ra từ lâu. Cơ quan chức năng đã nhiều lần vào cuộc xử lý nhưng kết quả vẫn là “bắt cóc bỏ dĩa”. Có lẽ đã đến lúc ngành chức năng cần có giải pháp tạo điều kiện thuận tiện nhất như sử dụng xe trung chuyển ở các khu vực đưa hành khách về bến mua vé; đồng thời thường xuyên kiểm tra, xử lý tình trạng “xe dù, bến cóc” trên các địa bàn.

Bài và ảnh: THANH VÂN

;
.
.
.
.
.