.

Phát triển kinh tế tư nhân thành động lực quan trọng của nền kinh tế

.

ĐNĐT - Ngày 29-10, Tạp chí Cộng sản phối hợp với Thành ủy Đà Nẵng tổ chức Hội thảo khoa học - thực tiễn với chủ đề “Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế” thu hút sự tham gia của nhiều đại biểu là các nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp (DN) trên cả nước. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Võ Công Trí; Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản Đoàn Minh Huấn và Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Phạm Tất Thắng đồng chủ trì hội thảo.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Võ Công Trí phát biểu tại hội thảo.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Võ Công Trí phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí nhận định, kinh tế tư nhân (KTTN) không những được xác định là “một trong những động lực của nền kinh tế” như khẳng định ở Nghị quyết Đại hội XI của Đảng mà còn là “động lực quan trọng” của nền kinh tế nước ta hiện nay theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Những năm qua, thành phố Đà Nẵng luôn đồng hành, sát cánh cùng DN, có nhiều chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính… Bên cạnh đó, thành phố luôn tạo điều kiện cho DN tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh, nguồn nhân lực… Nhờ đó, số lượng DN trên địa bàn thành phố có tốc độ tăng trưởng nhanh và ổn định.

Lũy kế đến tháng 9-2016, trên địa bàn thành phố có tổng cộng hơn 18.000 DN với tổng số vốn điều lệ đăng ký đạt hơn 89.000 tỷ đồng. Hội thảo lần này là dịp để thành phố lắng nghe ý kiến lý luận và thực tiễn của các đại biểu, những cách làm hay và sáng tạo của các tỉnh/thành cả nước, những vấn đề còn vướng mắc hỗ trợ DN.

Từ đó hoàn thiện hơn nữa cơ chế chính sách phát triển KTTN, góp phần xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế, văn hóa - xã hội, động lực phát triển của khu vực miền Trung - Tây Nguyên; phấn đấu xây dựng Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại.

Theo các chuyên gia kinh tế, DN tư nhân có vị trí và vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển KTTN đã góp phần xóa bỏ tâm lý thụ động trông chờ, ỷ lại nền kinh tế Nhà nước của nhân dân, của người lao động. Tuy nhiên đóng góp chung của KTTN còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và sự hỗ trợ của Nhà nước.

Hiện nay, DN tư nhân có quy mô nhỏ là chủ yếu (chiếm 95% tổng số DN), trình độ kỹ thuật và công nghệ lạc hậu, trình độ tổ chức quản lý hạn chế, tiếp cận các nguồn vốn khó khăn, một bộ phận KTTN cạnh tranh không lành mạnh, ít quan tâm đến bảo vệ tài nguyên và môi trường.

Về phía quản lý Nhà nước, hệ thống luật pháp, chính sách chưa được hoàn thiện và đồng bộ; mối quan hệ giữa Nhà nước với các đơn vị sản xuất, kinh doanh thuộc khu vực KTTN chủ yếu theo kiểu ban phát, xin cho.

Nhiều DN thuộc khu vực KTTN chưa tiếp cận đầy đủ và hiểu rõ về luật pháp trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Những hạn chế trên là do hệ thống luật, chính sách chưa đồng bộ và còn nhiều bất cập; thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp gây khó khăn cho DN; các hoạt động tư vấn, hỗ trợ cho các DN KTTN còn thiếu và yếu…

Để trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế như Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đề ra, các đại biểu cho rằng, ngoài sự nỗ lực của bản thân DN, KTTN cũng rất cần mở ra nhiều cơ hội và nhận được nhiều sự hỗ trợ của Nhà nước.

Muốn có một cộng đồng DN tư nhân mạnh, có năng lực cạnh tranh, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân thì cần đổi mới thể chế kinh tế, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, phát huy năng lực đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước.

Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản Đoàn Minh Huấn phát biểu kết luận hội thảo.
Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản Đoàn Minh Huấn phát biểu kết luận hội thảo.

Nhà nước cần có chương trình hỗ trợ, hướng dẫn, đào tạo các DN mới khởi nghiệp, cung cấp kiến thức và nguồn vốn thông qua hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm để hỗ trợ các DN này. “Nhà nước cần tạo điều kiện cho DN vừa và nhỏ đứng vững trên thị trường và liên kết với nhau để cùng tham gia vào nền kinh tế quốc dân. Bên cạnh đó cần khuyến khích để các DN phát triển mạnh mẽ về phong trào khởi nghiệp, làm sao phong trào đó trở thành cao trào để phát huy những ý tưởng sáng tạo, những sản phẩm mang tính thương mại cao.

Nhà nước nên tập trung phát triển KTTN vào một số ngành để trở thành ngọn cờ đầu trong cả nước, nhằm khẳng định thương hiệu Việt Nam và đủ sức vươn ra thị trường quốc tế”, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề xuất. Theo các đại biểu, ngoài vai trò hỗ trợ, Nhà nước cần nâng cao vai trò giám sát nhằm tạo môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh giữa các DN, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Một vấn đề các DN tại hội thảo quan tâm đó chính là Nhà nước cần phát huy vai trò của các hội, hiệp hội làm chỗ dựa vững chắc và là đại diện cho tiếng nói của DN. Đồng thời cần tăng cường đối thoại với DN, tạo sự gần gũi và thân thiện giữa chính quyền và DN, kịp thời tôn vinh và khen thưởng các DN có đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Phát biểu kết luận hội thảo, ông  Đoàn Minh Huấn đánh giá cao tham luận của các đại biểu với những ý kiến đóng góp, những đề xuất mang tính thực tiễn, nói lên được tiếng nói của các DN thuộc khu vực KTTN. Đồng chí nhận định, để nâng cao hơn nữa vị trí và vai trò khu vực KTTN, mỗi DN cần phải tự thân vận động, tạo ra phong trào khởi nghiệp lan rộng, xây dựng được văn hóa doanh nghiệp và văn hóa doanh nhân, tạo sự liên kết giữa các hội và hiệp hội…

Những ý kiến đóng góp trong hội thảo góp phần đưa ra những giải pháp về cơ chế quản lý, chính sách để phát triển KTTN của cả nước, đảm bảo vai trò của khu vực kinh tế này trong những năm tới.

Bài và ảnh: Duyên Anh-Hoàng Hân

;
.
.
.
.
.