.
Diễn đàn "Làm gì, làm thế nào hạn chế xe máy nội thị"

Hạn chế xe máy khi hệ thống xe buýt phủ hết địa bàn

.

* Ông Nguyễn Văn Dũng (phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê): Báo chí cần cổ vũ việc đi xe buýt công cộng

Người dân chủ yếu sử dụng xe máy khi lưu thông trên đường phố.		   Ảnh: THÀNH LÂN
Người dân chủ yếu sử dụng xe máy khi lưu thông trên đường phố. Ảnh: THÀNH LÂN

Tôi ủng hộ đề xuất hạn chế xe máy vào trung tâm thành phố mặc dù Đà Nẵng chưa đối mặt thực sự với vấn nạn ùn tắc giao thông như hai thành phố lớn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Nhưng trong tương lai không xa, chúng ta sẽ đối mặt với vấn đề này nếu không tính ngay từ bây giờ.

Vì vậy, cần hạn chế xe máy đi vào trung tâm thành phố và phải vạch ra lộ trình cụ thể, không thể nói cấm là cấm ngay được. Thành phố phải tạo những điều kiện để hạn chế số lượng xe máy đi vào nội thành, đến một thời điểm nào đó mới hạn chế hoàn toàn.

Đồng thời, với lộ trình hạn chế xe máy, chính quyền thành phố phải tăng cường đầu tư phát triển các loại hình giao thông công cộng, đặc biệt là xe buýt. Thành phố khai trương tuyến xe buýt mới nhưng rất ít người đi, một phần do công tác tuyên truyền chưa đủ để tác động đến nhận thức trong nhân dân, một phần vì người dân chưa có thói quen đi xe buýt.

Tôi cho rằng, trước mắt cần tập trung công tác tuyên truyền tạo thói quen để người dân sử dụng xe buýt. Báo chí phải vào cuộc mạnh mẽ hơn, thường xuyên hơn trong một thời gian dài để cổ vũ người dân đi xe buýt.

* Ông Phạm Hùng Tài (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà): Việc sử dụng xe buýt chưa thực sự thuận tiện

Những năm gần đây, thành phố đã chú ý đầu tư hệ thống xe buýt nội thành và kết nối một số điểm ở Đà Nẵng với Quảng Nam, nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Như chúng ta thấy, thành phố phát triển rất nhanh về hạ tầng đô thị, rất nhiều con đường mới, khu dân cư mới được hình thành.

Trong khi đó, hệ thống trạm dừng xe buýt còn rải rác. Do đó, việc sử dụng xe buýt chưa thực sự thuận tiện, khó tạo thói quen trong người dân. Hơn nữa, ở Đà Nẵng, ùn tắc giao thông chưa đến mức gây bức xúc cho người dân như các thành phố lớn khác. Sắp tới, khi thành phố xây dựng hầm đường bộ qua sông Hàn cũng sẽ kéo giãn lượng phương tiện giao thông, trong đó có xe máy tập trung vào trung tâm thành phố.

Theo tôi, chỉ khi nào thành phố xây dựng được mạng lưới xe buýt phủ khắp các địa bàn của thành phố và đi xe buýt thực sự thuận tiện cho người dân, lúc đó mới tính đến việc hạn chế xe máy.

S.TRUNG ghi

* Nguyễn Thị Quỳnh Anh, học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh: Đẩy mạnh tuyên truyền về các tuyến xe buýt

Ba mẹ em lo lắng em tự đi xe đến trường không bảo đảm an toàn nên thay phiên nhau đưa đón em đi học. Tuy nhiên, vì lịch học của em không trùng với giờ làm việc của ba mẹ nên đôi khi rất bất tiện. Nhiều hôm ba mẹ bận làm việc nhưng vẫn cố gắng sắp xếp để đưa em đi học thêm từ chỗ này đến chỗ khác; có hôm ba mẹ đến đón trễ, em phải đứng đợi rất lâu.

Vì vậy, khi nghe thông tin thành phố khai trương các tuyến xe buýt trợ giá và miễn phí cho hành khách di chuyển trong 1 tháng đầu tiên, em vui lắm. Ba mẹ em cũng đồng ý cho em đi xe buýt đến trường. Tuy nhiên, em còn đang bối rối khi chưa tìm được tuyến xe buýt hợp lý cho chặng di chuyển đến trường và các nơi học thêm.

Em mong muốn thành phố đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền về các tuyến xe buýt, trạm dừng, giờ xe chạy… để học sinh chúng em hiểu rõ hơn và mạnh dạn sử dụng xe buýt như là phương tiện giao thông chính của bản thân.

* Chị Đặng Nguyễn Xuân Quỳnh, nhân viên nghiên cứu thị trường: Cần có giải pháp đồng bộ để quản lý giao thông đô thị

Đặc thù công việc khiến tôi di chuyển rất nhiều, liên tục nên sử dụng phương tiện giao thông công cộng không phải là lựa chọn tối ưu đối với tôi vì tốn nhiều thời gian, tiền bạc và công sức hơn. Tôi hy vọng nếu triển khai ý tưởng “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”, lãnh đạo thành phố sẽ cân nhắc, quan tâm hơn đến những người có tính chất công việc thường xuyên di chuyển như tôi.

Bên cạnh đó, tôi cũng mong muốn thành phố áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp để quản lý giao thông đô thị toàn diện, bền vững thay vì chỉ hạn chế phương tiện giao thông cá nhân một cách manh mún, nhỏ lẻ.

N.B ghi

* Ông Nguyễn Xuân, Tổ trưởng tổ dân phố số 10, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn: Quan trọng là nhận thức của người tham gia giao thông

Tôi cho rằng, vấn nạn ùn tắc giao thông xuất phát từ nhận thức của người tham gia giao thông. Việc chấp hành quy định về giao thông của chúng ta rất kém. Khi xảy ra ùn tắc giao thông, hầu như tất cả mọi người quên mất luật, lúc này mạnh ai nấy đi, chen được cứ chen, thậm chí leo lên vỉa hè, luồn lách, đi sai làn, quay đầu lùi xe vô tội vạ...

Bên cạnh đó, chúng ta cũng không loại trừ nguyên nhân từ xe máy. Tuy nhiên, xe máy chỉ là một nguyên nhân nhỏ. Theo tôi, ô-tô mới là tác nhân chính. Gần đây, sự gia tăng nhanh chóng của ô-tô cá nhân khiến chúng ta phải làm một phép tính đơn giản là: cùng tham gia giao thông với nhau (ở đây tính trên phương diện đi làm việc), ô-tô cá nhân có diện tích chiếm mặt đường bằng 4 xe máy nhưng chỉ chở 1 người (hiếm khi chở 2 người vì vợ chồng chưa hẳn làm chung cơ quan); trong khi xe máy cũng chở 1 người như ô-tô, nhưng diện tích chiếm mặt đường nhỏ hơn rất nhiều. Đó là chưa kể trường hợp khi vào các vòng xoay, nút giao thông chính… nếu xảy ra ùn tắc giao thông, xe máy cơ động hơn rất nhiều ô-tô. Vì vậy, nếu đổ lỗi cho xe máy là nguyên nhân chính gây ùn tắc giao thông thì tôi thấy chưa hợp lý.

PHƯƠNG UYÊN ghi

;
.
.
.
.
.