.
Đối thoại đầu tuần

Bảo đảm ổn định thị trường Tết 2017

.

Hiện nay, thị trường tiêu dùng hàng hóa Tết bắt đầu tăng. Bên cạnh kế hoạch chủ động nguồn hàng, tránh tình trạng sốt giá, các ngành chức năng đã triển khai những giải pháp nhằm giữ vững ổn định thị trường.

Các chợ tăng lượng hàng để phục vụ nhu cầu mua sắm Tết. Trong ảnh: Chợ Hàn những ngày này tấp nập khách.
Các chợ tăng lượng hàng để phục vụ nhu cầu mua sắm Tết. Trong ảnh: Chợ Hàn những ngày này tấp nập khách.

Ông Phan Văn Kha (ảnh), Giám đốc Sở Công thương thành phố khẳng định: Các lực lượng chức năng sẽ tăng cường kiểm tra việc thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết tại các trung tâm thương mại, siêu thị, các chợ trên địa bàn, nhằm bảo đảm sự trong sạch cho thị trường dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu.

* Hiện giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu rục rịch tăng. Nhiều khả năng áp Tết năm nay, giá hàng hóa sẽ bất lợi đối với người tiêu dùng. Vậy đâu là nguyên nhân và ngành Công thương can thiệp như thế nào để bình ổn giá, thưa ông?

- Với thời tiết bất lợi, mưa bão liên tục, trong nhiều ngày qua tại Đà Nẵng, giá cả hàng hóa có sự biến động như giá rau xanh, củ, quả tăng so với năm trước. Tuy nhiên, đối với những nhóm hàng tiêu dùng khác, các doanh nghiệp đã cung ứng khá bảo đảm, không lo khan hiếm.

Thực tế, các chương trình bình ổn thị trường chủ yếu được thực hiện ở các nhà bán lẻ lớn chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 25-30%, số còn lại chủ yếu qua kênh bán lẻ truyền thống nên giá hàng hóa thường có xu hướng tăng ở kênh này trong những ngày cận Tết.

Để phục vụ nhu cầu tăng cao dịp Tết, thành phố Đà Nẵng đã làm việc với tỉnh Lâm Đồng để đưa nguồn nông sản sạch về thị trường Đà Nẵng. Sở Công thương cũng kêu gọi một số Sở Công thương các tỉnh, thành phố trong cả nước có mối quan hệ gắn bó thường xuyên tăng cường nguồn hàng về Đà Nẵng; động viên các doanh nghiệp duy trì với nhà cung cấp để điều chỉnh mức độ tăng, giảm những ngành hàng có sức tiêu thụ lớn vào dịp Tết. Theo dự báo, tình hình sức mua năm nay cũng không quá căng thẳng, bởi kinh tế trong nước còn khó khăn; mức lương, thưởng cho người lao động chưa cao...

* Qua khảo sát, ông đánh giá như thế nào về tình hình phục vụ hàng hóa của tiểu thương các chợ, doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị và mạng lưới bán buôn, bán lẻ... trên địa bàn?

- Ngay từ rất sớm, chúng tôi đã làm việc với các doanh nghiệp, đơn vị đóng trên địa bàn thành phố để chủ động đăng ký dự trữ các mặt hàng thiết yếu phục vụ thị trường Tết, với tổng giá trị gần 154 tỷ đồng.

Các tiểu thương kinh doanh tại 8 chợ lớn của thành phố cũng chuẩn bị lượng hàng phục vụ Tết khoảng 150 tỷ đồng và giá trị dự trữ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu của hệ thống cửa hàng trên tuyến phố chuyên doanh khoảng 500 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, UBND thành phố cho phép Công ty TNHH Đắc Vinh tạm ứng vốn 4 tỷ đồng từ ngân sách thành phố và không tính lãi suất trong 60 ngày để mua dự trữ nguồn hàng tương ứng với 35 tấn thịt lợn thành phẩm (20 tấn thịt mông, 15 tấn thịt vai) bán phục vụ nhân dân trong dịp Tết.

Công ty đang triển khai 13 điểm bán thịt tập trung cố định tại các chợ và 2 xe bán hàng lưu động phục vụ các điểm nóng, khu đông dân cư, với giá bán bình ổn thấp hơn giá thị trường tại thời điểm bán 10-15% từ ngày 22-1 đến 27-1.

Chúng tôi cũng chỉ đạo Công ty Quản lý hội chợ, triển lãm và các chợ Đà Nẵng tạo điều kiện về mặt bằng để bố trí lô, quầy bán thịt bình ổn thông suốt. Công ty Thực phẩm Vissan cũng đang tổ chức nhiều điểm bán hàng tại các chợ lớn.

Trong những ngày tới, Công ty TNHH Dịch vụ siêu thị Co.opmart Đà Nẵng sẽ đưa hàng về bán tại trung tâm hai xã miền núi (xã Hòa Phú và xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang). Theo đó, mỗi địa điểm tổ chức 1 chuyến xe lưu động về phục vụ các mặt hàng tiêu dùng Tết như: bánh, mứt, kẹo, nước giải khát, đường kính, bột ngọt, mì ăn liền, đồ hộp các loại, quần áo may sẵn, giày, dép, mũ, đồ chơi trẻ em... Ngoài ra, Trung tâm Xúc tiến thương mại thành phố Đà Nẵng tổ chức 2 phiên chợ Tết phục vụ công nhân tại hai khu công nghiệp Hòa Cầm và An Đồn. Dịp này, Sở Công thương tổ chức Hội chợ Xuân 2017 để phục vụ người dân tham quan, mua sắm.

Các chợ lớn trên địa bàn đã tăng công suất phục vụ gấp 2-3 lần so với ngày thường. Lượng hàng tiêu thụ đang rất lớn nên tiểu thương vừa bán, vừa nhập hàng về liên tục, không lo khan hiếm hàng.

Trong tháng bán hàng khuyến mãi vừa qua, các doanh nghiệp đã tổ chức thành công hơn 1.000 chương trình khuyến mãi với doanh số bán ra hơn 100 tỷ đồng, nhằm kích cầu tiêu dùng, giãn thời gian mua sắm ồ ạt vào một thời điểm sẽ khiến giá cả “đội” lên cao.

Các chợ tăng lượng hàng để phục vụ nhu cầu mua sắm Tết. TRONG ẢNH: Chợ Hàn những ngày này tấp nập khách.  	               Ảnh: DUYÊN ANH
Các chợ tăng lượng hàng để phục vụ nhu cầu mua sắm Tết. TRONG ẢNH: Chợ Hàn những ngày này tấp nập khách. Ảnh: DUYÊN ANH

* Để người dân không mua phải hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng..., ngành Công thương đã triển khai các giải pháp ngăn chặn nào, thưa ông?

- Với vai trò là Phó ban Thường trực Ban chỉ đạo 389 thành phố, chúng tôi đã cùng các ngành thành viên có kế hoạch phối hợp chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trong cả năm, đặc biệt là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Công tác tuyên truyền đến các hộ tiểu thương được đẩy mạnh tại các chợ. Đồng thời, các lực lượng sẽ tăng cường kiểm tra việc thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhằm bảo đảm sự trong sạch cho thị trường dịp Tết. Trong đó, chú ý bảo đảm an toàn thực phẩm tại các chợ, cơ sở sản xuất, nhất là các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng công nghệ thực phẩm chế biến.

Các cán bộ, nhân viên của Sở Công thương được giao nhiệm vụ đi kiểm tra, giám sát hoạt động bán hàng bình ổn mà UBND thành phố giao trước, trong và sau Tết. Chúng tôi quán triệt phải xử lý nghiêm những hành vi vi phạm về buôn lậu, đưa hàng giả, hàng kém chất lượng vào thị trường; phạt thật nặng những trường hợp đầu cơ hàng hóa để trục lợi, tăng giá bất hợp lý.

Nếu người dân phát hiện điều gì bất thường liên quan thị trường, hãy báo ngay cho cơ quan chúng tôi… Tất cả những việc này đều hướng đến phục vụ Tết cổ truyền đầy đủ, vui tươi và hạnh phúc cho nhân dân Đà Nẵng.

* Xin cảm ông về cuộc trao đổi này!

Ưu tiên đưa hàng Việt phục vụ Tết

Bà Lê Thị Hiền, Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart Đà Nẵng:

Để thiết thực quảng bá hàng Việt trước làn sóng xâm nhập của hàng hóa nước ngoài vào thị trường nội địa, hệ thống siêu thị của chúng tôi sẽ đóng vai trò cầu nối thông tin từ phía nhà sản xuất Việt tới khách hàng.

Co.opmart là siêu thị kinh doanh hàng Việt, là nhà phân phối thuần Việt nên hàng hóa phục vụ Tết năm nay của siêu thị có đến trên 90% là hàng Việt. Chúng tôi trưng bày hàng hóa ở những vị trí bắt mắt; trong đó ưu tiên các nguồn hàng tại chỗ ở địa phương như: thịt heo, bò, cá, hải sản, đặc sản và một số nông sản rau, củ...

Bà Phan Như Yến, Giám đốc Siêu thị Intimex Đà Nẵng:

Thông qua những đợt kết nối cung - cầu do UBND thành phố Đà Nẵng và Sở Công thương tổ chức, hằng tháng chúng tôi tìm kiếm thêm nhiều nhà cung cấp hàng hóa có uy tín và bảo đảm chất lượng trong các vùng miền cả nước.

Vì thế, các loại đặc sản về Đà Nẵng ngày một nhiều hơn trong dịp Tết Đinh Dậu, như mọi năm hạt mắc-ca nhập từ nước ngoài, nhưng Tết này đã có hàng “made in Vietnam”. Hiện nay, hàng Việt rất dễ bán và ngày càng có sự cải tiến về hình thức cũng như chất lượng sản phẩm..., nhưng cần cải thiện về giá cả để cạnh tranh với hàng ngoại nhập.

Ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc Đối ngoại và quan hệ công chúng BigC Việt Nam:

Trong hoạt động đồng hành với hàng Việt, chúng tôi luôn chú trọng phát triển các gam hàng nội địa trong siêu thị và tích cực quảng bá đến người tiêu dùng. Chính sách thu mua của BigC luôn ưu tiên hàng nội, hàng nhập khẩu chỉ đóng vai trò đa dạng hóa gam hàng và thêm sự chọn lựa cho khách hàng. Hiện 95% hàng hóa trong siêu thị là hàng sản xuất tại Việt Nam và hầu như tất cả ngành hàng đều có tỷ lệ hàng Việt rất cao. BigC đã hợp tác với các nhà sản xuất uy tín của Việt Nam phát triển các sản phẩm mang nhãn hiệu riêng của nhà phân phối mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng.        

DIỆP NHƯ ghi

DUYÊN ANH thực hiện

;
.
.
.
.
.