.

Hấp dẫn du lịch "bụi"

.

Lên đường với hành lý gọn nhẹ, phương tiện di chuyển dễ dàng, lịch trình chủ động..., hình thức du lịch tự túc này đang được khá nhiều người ưa thích. Ở Đà Nẵng, du lịch “bụi” (đi phượt) thu hút du khách trong và ngoài nước mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Khách Tây hào hứng với chuyến du lịch mạo hiểm bằng xe máy trên đỉnh đèo Hải Vân.
Khách Tây hào hứng với chuyến du lịch mạo hiểm bằng xe máy trên đỉnh đèo Hải Vân.

Những người “khoái” phượt

Với tâm lý sau một năm làm việc căng thẳng và vất vả, nhiều người thường chọn dịp Tết để đi phượt, thay vì chọn đi du lịch vào các ngày lễ lớn trong năm, bởi họ muốn thưởng thức một cái Tết rất riêng.

Chị Nguyễn Thị Linh Anh (trú đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội), làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chia sẻ: “Trước đây, tôi thường đi du lịch cùng gia đình theo tour, tuyến, nay muốn chuyển sang kiểu du lịch độc đáo. Để kêu gọi mọi người tham gia nhóm du lịch “bụi” trên facebook, chúng tôi lập một nhóm khoảng 10-20 thành viên có chung ý tưởng, lên kế hoạch cho những chuyến đi “bụi” trong ngày Tết và chọn Đà Nẵng là điểm đến. Đi như thế vừa có thêm nhiều bạn mới, vừa tiết kiệm một khoản tiền không nhỏ để tiếp tục những chuyến du xuân khác nên cả nhóm rất háo hức”.

Nhân chuyến về Việt Nam năm nay, một người bạn của tôi - chị Nguyễn Oval Quỳnh Anh (Việt kiều Nga) bày tỏ: “Mình muốn tự tổ chức một chuyến đi du lịch “bụi” đầu tiên ở Đà Nẵng, có thể dừng chân ở bất kỳ đâu mình thích để ngắm thiên nhiên và xem mùa xuân nơi đó có khác gì so với nơi mình sống...”.     

Từ Đà Nẵng, chúng tôi đến các điểm Bà Nà, đèo Hải Vân, vịnh Lăng Cô, vòng quanh bán đảo Sơn Trà, ghé xuống các bãi biển, đến danh thắng Ngũ Hành Sơn rồi vào Hội An (tỉnh Quảng Nam). Thời tiết mùa này tương đối dễ chịu, mát mẻ, càng hấp dẫn du khách đến từ trời Âu.

Đặc biệt, đi bằng xe máy thì được tự do vui chơi, dừng nghỉ. Trong quá trình chinh phục đèo Hải Vân bằng đường bộ, Mick Taylor (đến từ Anh) bày tỏ: “Tôi thích đi như thế này vì có thể ghé bất cứ nơi đâu, dừng chân bất cứ lúc nào, ở lại bất cứ địa điểm nào trong bao lâu tùy thích…”.

Nhiều vị khách ngoại quốc như Mick Taylor trong thời gian ở Đà Nẵng đã chọn dịch vụ homestay (loại hình du lịch mà du khách ở và sinh hoạt chung với người dân địa phương như thành viên trong gia đình) ở các phường Mỹ An, Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn. Họ thường đi theo đoàn từ 4-8 người thuê xe máy và mũ bảo hiểm để rong ruổi...  

Ấn tượng những điểm đến

Con đường du lịch “bụi” Đà Nẵng đầu tiên phải kể đến là đèo Hải Vân hùng vĩ uốn lượn. Con đường ngoằn ngoèo với những vòng cua ấn tượng, khung cảnh núi rừng và biển khiến ai cũng xuýt xoa, trầm trồ. Đến khu nghỉ dưỡng Bà Nà vào ban đêm tuy lạnh nhưng sẽ có cảm giác đứng trên đỉnh mây trời, hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên, hít thở không khí trong lành.

Ngược xuống thành phố là con đường du lịch Sơn Trà lý tưởng. Đến Sơn Trà, qua đỉnh Bàn Cờ, phóng xe máy qua những cung đường uốn lượn quanh co, có lúc lại chênh vênh nhìn xuống biển như muốn ngợp mắt.

Đứng trên đồi Vọng Cảnh của đỉnh Sơn Trà, dễ dàng ngắm nhìn sự hùng vĩ của đèo Hải Vân hay phóng tầm mắt chiêm ngưỡng toàn cảnh thành phố Đà Nẵng lung linh sắc màu ban đêm. Bãi Bụt cũng là điểm nằm ở phía nam bán đảo Sơn Trà thu hút nhiều du khách. Rời Bãi Bụt là ra đến Bãi Bắc…

Dưới điểm dừng chân bên chùa Linh Ứng xuôi xuống Ngũ Hành Sơn lúc nào cũng như muốn níu chân du khách. Cứ như thế, nếu không thôi khám phá, có lẽ chỉ vài chục kilomet từ rừng xuống biển, từ phía bắc dọc bãi biển vào phía nam phải mất nhiều thời gian mới phượt hết Đà Nẵng.

Có khá nhiều địa điểm lý tưởng ở Đà Nẵng mà ngay cả những người địa phương đôi khi chỉ lướt qua. Những ngày cuối năm 2016, gia đình chị Trương Thị Bích Trâm (Việt kiều Mỹ) về Đà Nẵng tổ chức đám cưới cho em gái. Hơn một tháng ở quê nhà, chị cùng một số bạn bè về quê đón Tết đã thiết kế tour vòng quanh Đà Nẵng trong nhiều ngày.

Tuy có điều kiện kinh tế nhưng mọi người quyết định chỉ khoác ba lô và đi bằng xe máy với hướng dẫn viên du lịch là chúng tôi. Sau những ngày lưu lại nơi mình đã sinh ra, chị Trâm viết bưu thiếp gửi cho người thân mùa Noel: “Nếu có thời gian ở lại, chắc chắn con sẽ đi hết hang cùng, ngõ hẻm ở đây. Đà Nẵng trong tâm trí con lúc 7 tuổi và Đà Nẵng bây giờ như một mảnh đất đổi thay diệu kỳ... Qua chuyến đi, con đã hiểu hơn về đất nước mình cùng những phong tục, lễ hội ở quê hương”.

Là người Đà Nẵng, tôi không nhớ mình đã lui tới những địa điểm trên bao nhiêu lần, chỉ biết rằng cứ mỗi lần có người thân là khách Tây - khách ta, tôi đều làm nhiệm vụ hướng dẫn viên bất đắc dĩ. Sau chuyến đi phượt Đà Nẵng, Quỳnh Anh - bạn tôi gửi thư điện tử khoe: Những người bạn Tây sau khi xem những bức ảnh và video về Đà Nẵng đã một mực đòi đi theo và hứa sẽ “bao” một chuyến đi miễn phí về thành phố biển này. Nhớ nhất là khi các bạn ngạc nhiên thốt lên: “Oh, what several bridges are!”, “How beautiful beaches are! (Có nhiều cây cầu thế! Nhiều bãi biển đẹp quá).  

Từ bãi biển Mân Thái, Mỹ Khê, Non Nước, Thanh Bình, Nam Ô, Xuân Thiều...; từ cầu Thuận Phước, cầu Sông Hàn, cầu Rồng, Trần Thị Lý, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Tri Phương..., chỗ nào bạn tôi cũng dừng lại ngắm nghía, quay phim.

Vì thế, những chuyến đi phượt thường kéo dài nhiều ngày hơn dự tính bởi đến đâu cũng muốn dừng lại để khám phá. Trong chuyến đi, chúng tôi thường giao ước với nhau: Không ăn nhà hàng. Bởi vậy, sổ tay kinh nghiệm là mang theo đồ ăn, thức uống đã chuẩn bị sẵn ở nhà. Tại mỗi điểm dừng, mọi người vô cùng thích thú, hài lòng với những bữa ăn chớp nhoáng, khi thì đốt lửa nướng thịt, khi thì câu cá bên suối…

Du lịch Đà Nẵng không quá xa lạ với du khách trong và ngoài nước nhiều năm nay, nhưng mỗi lần đến, các vị khách phương xa không khỏi lưu luyến.

Bài và ảnh: DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.