.
Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

Liên kết phát triển khoa học và công nghệ

.

Trong điều kiện hội nhập, liên kết vùng để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn đang là vấn đề đặt ra đối với mỗi địa phương, nhằm khai thác lợi thế, tiềm năng của từng địa phương, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách và tạo chuỗi giá trị bền vững. Do vậy, việc liên kết phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cũng không nằm ngoài xu thế tất yếu đó.

Các sở, ngành, doanh nghiệp tham quan gian trưng bày sản phẩm từ các đề tài nghiên cứu của Trường Cao đẳng Lương thực - Thực phẩm Đà Nẵng.
Các sở, ngành, doanh nghiệp tham quan gian trưng bày sản phẩm từ các đề tài nghiên cứu của Trường Cao đẳng Lương thực - Thực phẩm Đà Nẵng.

Nhiều lợi thế

Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (gồm 5 tỉnh, thành phố: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định) có vị trí quan trọng cả về quốc phòng - an ninh lẫn phát triển kinh tế - xã hội, với ngành kinh tế chủ đạo là kinh tế biển gắn với công nghiệp và dịch vụ.

Vùng có nhiều lợi thế, nhất là lợi thế về kinh tế. Tiềm năng nổi trội về biển, đảo, vịnh nước sâu, đất, rừng, di sản văn hóa thế giới… cho phép vùng phát triển kinh tế tổng hợp với các ngành chủ lực như cảng biển, nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản, công nghiệp chế biến, công nghiệp đóng tàu và dịch vụ hàng hải, công nghiệp dầu khí, sản xuất và lắp ráp ô-tô, sản xuất vật liệu xây dựng...

Vùng còn có lợi thế về phát triển loại hình du lịch biển kết hợp du lịch văn hóa và là vùng đất của hai nền văn minh lớn: văn minh Sa Huỳnh và Chămpa với các di sản văn hóa thế giới…

Theo bà Lê Kim Phương, Vụ trưởng Vụ phát triển KH&CN địa phương - Bộ KH&CN, các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cần liên kết phát triển KH&CN càng sớm càng tốt. Bởi lẽ, nếu triển khai tốt việc hợp tác, liên kết phát triển KH&CN, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung sẽ có vai trò quan trọng và tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng; đồng thời, thúc đẩy KH&CN thực sự trở thành động lực, giúp từng địa phương và toàn khu vực tăng tốc và phát triển bền vững.

Theo đó, các tỉnh, thành phố nên xây dựng các chương trình, nhiệm vụ KH&CN liên kết có quy mô vùng hoặc có tính chất vùng nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng và của từng địa phương trong vùng, nhất là lợi thế về công nghiệp, dịch vụ và kinh tế biển.

Song song đó, huy động hiệu quả, sử dụng tối ưu các nguồn lực đầu tư cho KH&CN trong vùng, góp phần phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ của vùng và từng địa phương với quy mô lớn theo chuỗi giá trị, tăng cường năng lực cạnh tranh trong điều kiện hội nhập quốc tế.

Qua đó, nâng cao sinh kế, tạo việc làm mới, tăng thu nhập, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và bảo vệ môi trường sinh thái, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Liên kết như thế nào?

Nói về vấn đề liên kết, bà Lê Kim Phương đưa ra nguyên tắc liên kết buộc các địa phương phải thống nhất mới liên kết thành công. Trong đó, cần tôn trọng nguyên tắc thống nhất, bình đẳng, công khai, minh bạch; thực hiện hiệu quả quy hoạch vùng và quy hoạch từng địa phương; phân công cụ thể trách nhiệm của địa phương và cần có sự đồng thuận của chính quyền và các nhóm xã hội.

Ông Huỳnh Văn Ngộ, Phó Giám đốc Sở KH&CN Đà Nẵng cho rằng, vấn đề phát triển kinh tế vùng, liên kết KH&CN đã được thành phố quan tâm, nhất là trong xu thế hội nhập hiện nay. Vì thế, trước hết cần có cơ chế chia sẻ thông tin KH&CN (về công tác quản lý, tình hình hoạt động KH&CN, về kết quả nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ…); triển khai ứng dụng chung các tiến bộ KH&CN, dịch vụ KH&CN và có cơ chế chia sẻ cơ sở dữ liệu về chuyên gia KH&CN cho nhau.

Bà Lê Thúy Trinh, Phó Giám đốc Sở KH&CN Quảng Nam cũng cho rằng, các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cần liên kết để có thể hỗ trợ nhau trong công tác quản lý cũng như nghiên cứu, ứng dụng.

Trước mắt, có thể tập trung lồng ghép yếu tố liên kết vùng trong xây dựng các cơ chế, kế hoạch, chương trình KH&CN để việc liên kết có thể đi vào thực tiễn dễ dàng nhất. Đồng thời, các tỉnh trong vùng cũng cần thông tin cụ thể về các kết quả nghiên cứu và ứng dụng của mỗi địa phương để tránh trùng lặp trong nghiên cứu và sử dụng kết quả nghiên cứu. Chia sẻ thông tin về đội ngũ chuyên gia của mỗi tỉnh để các địa phương tận dụng nguồn chuyên gia trong tư vấn, thực hiện các nhiệm vụ KH&CN.

Bài và ảnh: THANH TÌNH

;
.
.
.
.
.