.

Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng không ôm việc, gây khó cho doanh nghiệp

.

Đó là một trong những nội dung mà tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng thực hiện tại buổi làm việc của tổ công tác với bộ này vào 17-2. Tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhắc lại quyết tâm của Thủ tướng trong việc xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ, xóa bỏ những rào cản, “giấy phép con” cản trở doanh nghiệp; đồng thời truyền đạt ý kiến Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng giải trình, làm rõ 6 vấn đề. Đây cũng là những vấn đề mà người dân, dư luận đang rất quan tâm.

Thứ nhất, Bộ Xây dựng phải sớm trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng. Hiện nay, các bộ, ngành, địa phương đều phản ánh do quy định tại Nghị định 59/CP dẫn đến chậm trễ trong giải ngân cũng như khiến việc triển khai các thủ tục xây dựng khó khăn.

Vấn đề thẩm định, kiểm tra, xử lý, xử phạt các dự án thi công, trước đây thuộc các Sở Xây dựng nhưng giờ phải “xếp hàng” lên Bộ Xây dựng. “Doanh nghiệp, địa phương phản ánh rằng, các dự án cứ điều chỉnh tí xíu là phải lên Bộ Xây dựng, gây khó khăn, lãng phí thời gian của doanh nghiệp, người dân. Do đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng hết sức quan tâm, khẩn trương sửa đổi Nghị định 59/CP theo hướng phân cấp, chứ không phải bao cấp, ôm đồm”, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nêu rõ.

Thứ hai, hiện công tác quy hoạch và quản lý xây dựng theo quy hoạch còn nhiều bất cập, yếu kém; quy hoạch chưa gắn với kế hoạch tổ chức thực hiện, đặc biệt việc triển khai nhiệm vụ sau quy hoạch chung đã được phê duyệt còn trì trệ, không đáp ứng được yêu cầu quản lý. Việc chậm lập quy hoạch chi tiết dễ dẫn đến việc bắt tay, thỏa thuận quy hoạch, cơ chế “xin cho” sẽ tồn tại. Do đó, Thủ tướng đề nghị Bộ Xây dựng hết sức quan tâm vấn đề này, sao cho “không để nhà đầu tư luồn lách, điều chỉnh quy hoạch”.

Thứ ba là vấn đề nhà ở. Chính sách phát triển nhà ở là chính sách hết sức quan trọng trong phát triển đất nước. Do đó, Bộ Xây dựng cần đặc biệt quan tâm vấn đề nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, nhà ở xã hội, nhà ở đô thị, không dồn nén dân cư vào trung tâm các thành phố, xây quá nhiều nhà cao tầng trong nội đô. Về phát triển thị trường nhà ở, bộ cần quan tâm đánh giá đúng yếu tố cung - cầu của thị trường; bảo đảm phát triển lành mạnh bởi thị trường nhà ở liên quan đến sự an toàn của hệ thống tín dụng, ngân hàng.

Thứ tư, về vấn đề đơn giá vật liệu xây dựng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chỉ rõ đơn giá vật liệu xây dựng Bộ Xây dựng đã ban hành nhưng các địa phương lại điều chỉnh đơn giá. Vấn đề cho thấy cần có sự phân cấp về thẩm quyền của bộ, sở, ngành tại địa phương. Bộ Xây dựng nên thống nhất với các địa phương để triển khai, không để nhà đầu tư luồn lách điều chỉnh giá..

Thứ năm là vấn đề vật liệu xây dựng liên quan đến bảo vệ môi trường. Bộ Xây dựng lưu ý đẩy mạnh nghiên cứu, sáng tạo các vật liệu mới, vật liệu tái chế, vật liệu tại chỗ, vật liệu thân thiện với môi trường để đưa vào sản xuất, xây dựng. Trong đó, bộ cần tìm giải pháp nghiên cứu, phát triển vật liệu thay thế trong nước để không phải nhập nguyên liệu từ nước ngoài, giúp tăng tỷ lệ nội địa hóa.

Thứ sáu là vấn đề cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước ngành xây dựng. Hiện tình hình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước của Bộ Xây dựng cơ bản đúng tiến độ, kế hoạch Thủ tướng phê duyệt. Tuy nhiên, số doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán còn thấp. Do đó, Bộ Xây dựng cần báo cáo, giải trình thêm với Chính phủ về vấn đề này và tiếp tục chỉ đạo việc niêm yết và thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp, tránh để xảy ra tình trạng trục lợi trong quá trình cổ phần hóa.

TTXVN

;
.
.
.
.
.