.

Trồng rừng xóa nghèo

.

Kinh tế rừng cụ thể là trồng cây lấy gỗ trên đất lâm nghiệp ở Đà Nẵng, đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân miền núi. Không ít gia đình giàu lên trông thấy từ trồng rừng.

Ươm keo giống phục vụ trồng rừng.
Ươm keo giống phục vụ trồng rừng.

Điều dễ nhận thấy tại những khu vực được quy hoạch rừng sản xuất ở Đà Nẵng là đâu đâu keo lá tràm cũng phủ kín. Nơi nào thu hoạch xong là người dân triển khai trồng ngay lứa khác. Trái ngược với khu vực đồng bằng đất đai màu mỡ mà vẫn có không ít diện tích bỏ hoang, ở đồi núi cho dù địa hình xa xôi, phức tạp đến mấy nhưng được phép trồng rừng là chẳng còn khoảnh đất trống.

Cách đây hơn 10 năm, thôn Hòa Hải, xã Hòa Phú rất nghèo. Hồi đó, cả thôn kinh tế mới này có gần 100 hộ không có nổi ngôi nhà xây kiên cố. Hộ nghèo chiếm 60-70%. Còn nay, Hòa Hải là điểm sáng về làm giàu. Đòn bẩy để thôn này vượt lên chính là từ ươm giống cây lâm nghiệp và trồng rừng. Không ít hộ thu nhập 400-500 triệu đồng/năm.

Ở Hòa Hải, nói về điển hình làm giàu từ kinh tế rừng có hàng chục hộ. Trong đó, tiêu biểu nhất phải kể đến gia đình Trưởng thôn Võ Sơn. Nông hộ này đang triển khai cùng lúc 3 lĩnh vực, đó là ươm keo lai, trồng rừng và chế biến lâm sản. Vợ chồng ông là những người tiên phong mở ra hoạt động ươm tạo cây keo lai, để rồi đến nay thôn Hòa Hải trở thành làng ươm cây giống, với hơn 60 hộ tham gia. Hiện nay, không chỉ đáp ứng đủ cây giống chất lượng cao cho khoảng 400ha đất lâm nghiệp của thôn mà bà con trong thôn còn xuất bán hơn chục triệu cây con cho nhiều địa phương ở Đà Nẵng, Quảng Nam.

Nói về kinh tế rừng, ông Võ Sơn đúc kết: Đất canh tác ở thôn miền núi này chỉ vài ba héc-ta. Không mạnh dạn mở ra hoạt động ươm cây và triển khai trồng rừng, có lẽ đến nay tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Thời gian gần đây, trồng cây lấy gỗ cũng được người dân quan tâm đầu tư chẳng kém gì trồng lúa, trồng màu.

Không chỉ xử lý thực bì chu đáo, chọn cây giống tốt mà khi trồng bà con còn bón phân NPK, cây lên ngang gối là lo chăm sóc hết đợt này đến đợt khác. Nhờ vậy mà cây chỉ 4 - 4,5 năm là thu hoạch, năng suất rất cao, thường mỗi héc-ta cho thu nhập 70-80 triệu đồng. Nhiều năm nay, ở Hòa Hải không còn cảnh ban ngày người lớn tụ tập chuyện trò, rượu chè mà ai nấy đều tích cực đầu tư cho rừng trồng.

Cũng ở thôn Hòa Hải, anh Nguyễn Văn Cường nổi lên là “kiện tướng” trồng rừng, bởi mới ngoài 30 tuổi anh đã có trong tay 16ha rừng trồng. Ban đầu chỉ vài ba héc-ta do gia đình chuyển nhượng, anh vay mượn mua thêm diện tích. Thu nhập từ rừng, tích lũy dần, anh mua tiếp đất lâm nghiệp của người khác, để rồi đến nay anh có 16ha rừng.

Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện tại trên địa bàn thành phố có hơn 16.000ha rừng sản xuất đang được hàng chục nghìn hộ triển khai, đem lại nguồn thu từ rừng hàng trăm tỷ đồng/năm, góp phần nâng cao đời sống người trồng rừng, phát triển nông thôn.

Bài và ảnh: Nguyễn Cầu

;
.
.
.
.
.