.
Chuyện cuối tuần

Giữ "giá" cho xe buýt

.

- Thì lâu nay người ta vẫn giữ giá, lên xuống gì cũng qua cơ quan chức năng chứ đâu có tự tiện nâng giá được mà ông nói vậy?

- Thôi ông ơi, cái “giá” ở đây là giá trị, chớ không phải giá cả!

- Giá trị là sao, xe buýt xuống giá à?

- Không phải, là cái chuyện Hợp tác xã Vận tải Thủy bộ - Du lịch TP. Hội An (tỉnh Quảng Nam) xử phạt cả tài xế và phụ xe buýt tuyến Hội An-Đà Nẵng không cho người khuyết tật lên xe, gây ồn ào dư luận vừa qua đó.

- Sao nghe nói vụ đó là xe buýt Đà Nẵng mà?

- Xe của Hội An, nhưng vụ việc xảy ra tại Đà Nẵng ông à. Tóm tắt là cách đây một tháng, xe buýt của hợp tác xã trên không chịu đón một khách khuyết tật ngồi xe lăn tại điểm đón trên đường Lê Duẩn, Đà Nẵng nên người ta nhầm là xe buýt Đà Nẵng. Người dân bức xúc nên quay lại cảnh đó để làm chứng, đưa lên mạng xã hội. Thế là dư luận phản ứng rầm trời luôn. May mà hợp tác xã kỷ luật đình chỉ 1 tháng đối với lái xe và 3 tháng đối với phụ xe; chứ chiếu theo luật thì có khi bị phạt hành chính, kể cả hình sự đó chớ!

- Dữ vậy hả ông?

- Chớ sao. Ông nghe nè: Luật Người khuyết tật ban hành từ hơn 6 năm trước ghi rõ khái niệm Phân biệt đối xử người khuyết tật là hành vi xa lánh, từ chối, ngược đãi, phỉ báng, có thành kiến hoặc hạn chế quyền của người khuyết tật vì lý do khuyết tật của người đó. Ông không cho họ lên xe buýt là từ chối, ngược đãi, hạn chế quyền của người khuyết tật rồi chớ chi nữa! Rồi Điều 14 cũng nêu rõ 7 “hành vi bị nghiêm cấm”, trong đó có “kỳ thị, phân biệt đối xử người khuyết tật”. Rõ là phạm luật chưa? Đó là chưa nói Điều 41 quy định về “Tham gia giao thông của người khuyết tật” ghi cụ thể: “Người khuyết tật khi tham gia giao thông bằng các phương tiện giao thông công cộng được sử dụng các phương tiện hỗ trợ hoặc sự trợ giúp tương ứng; được phép mang theo và miễn phí khi mang phương tiện, thiết bị hỗ trợ phù hợp… Người khuyết tật được ưu tiên mua vé, được giúp đỡ, sắp xếp chỗ ngồi thuận tiện khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng”. Ông xe buýt kia chẳng những không ưu tiên mà còn từ chối, ngược đãi nữa; không phạm luật à?

- Hiểu rồi. Nhưng sao đang nói tới giá mà chuyển sang luật cái rẹt vậy kìa?

- À, là nói cho mấy ông quản lý, điều hành, điều khiển… xe buýt “ớn” để giữ giá cho phương tiện vận tải công cộng văn  minh, hiện đại này. Chứ các tuyến xe buýt ngoài tỉnh - mà chủ yếu là liên tỉnh giữa Đà Nẵng với Quảng Nam, thời gian qua chịu điều tiếng, như nhồi nhét, phóng nhanh, vượt ẩu… nay thêm cái vụ ni nữa thì xuống giá quá trời. Trong khi Đà Nẵng kêu gọi mọi người tham gia sử dụng phương tiện giao thông công cộng - trong đó có xe buýt, mà có vụ từ chối phục vụ người ngồi xe lăn thì quá phản cảm, gây tâm lý ngại ngần khi đi xe buýt cho người khác.

- Nhưng đã nói vụ ni là xe buýt ngoài tỉnh, của Quảng Nam; Hội An cũng xử lý rồi đó!

- Nhưng tiếng lành đồn xa, tiếng dữ cũng đồn xa. Người ta nghe nói xe buýt “hư hỏng”, chớ đâu có phân biệt của tỉnh, huyện nào đâu. Mấy tháng qua, nhằm xây dựng hệ thống phương tiện công cộng cho đô thị hiện đại, các cơ quan chức năng Đà Nẵng tính toán hết hơi, hết miễn phí rồi đến trợ giá; doanh nghiệp cũng quảng bá rần trời, mà người đi xe buýt vẫn còn ít. Xe đẹp, lái xe an toàn, phụ xe lịch sự mà còn chưa ăn chi; huống hồ ông hắt hủi khách hàng. Dù không phải xe buýt của Đà Nẵng vi phạm, nhưng ít nhiều cũng ảnh hưởng chung, gây mất uy tín hình ảnh xe buýt. Cho nên, giữ “giá” cho xe buýt là phải giữ hình ảnh chung, chớ “đánh lẻ” theo kiểu “cha chung không ai khóc”, để xuống giá, chẳng ai thèm đi thì đến hồi ngồi lại cùng “khóc chung” thiệt đó!

MINH THƯ

;
.
.
.
.
.