.

Đầu tư hệ thống hạ tầng phụ trợ du lịch

.

Sau những bước đi đầu tiên tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội thành phố, trong đó có phát triển du lịch, như hệ thống đường sá, cầu cống, hệ thống khách sạn, nhà hàng..., đã đến lúc những nhà đầu tư các dự án du lịch phải tính đến chuyển hướng đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng phụ trợ cho các điểm du lịch nhằm khai thác sâu thêm, phát huy những giá trị tiềm ẩn trong mỗi địa chỉ du lịch mà thành phố đang sở hữu.

Việc đầu tư này không đòi hỏi nguồn vốn lớn như xây dựng các khách sạn sang trọng, những trung tâm mua sắm đắt tiền, nhưng tất nhiên sẽ không quá nhỏ và rẻ tiền nếu như muốn đầu tư cho “ra tấm ra miếng”, tạo hấp dẫn và thuận lợi cho du khách.

Một góc đô thị quận Sơn Trà. Ảnh: ĐẶNG NỞ
Một góc đô thị quận Sơn Trà. Ảnh: ĐẶNG NỞ

Những người lâu nay không có điều kiện theo dõi những địa chỉ du lịch thành phố có thể có chút bất ngờ khi đọc thấy danh mục những tour, tuyến, những địa chỉ du lịch hấp dẫn phong phú, đa dạng được khai thác trong nhiều năm qua tại địa phương mình đang sống.

Chỉ nói riêng bán đảo Sơn Trà cũng có tới 10 tour du lịch vòng quanh bán đảo với gần 40 danh mục hấp dẫn có thể khám phá. Đó là chưa kể nhiều địa điểm hấp dẫn khác thuộc các tour du lịch lịch sử, du lịch văn hóa, di tích lịch sử cách mạng, di tích nghệ thuật mà Đà Nẵng có thể giới thiệu với du khách.

Nhưng cũng phải thừa nhận rằng, không ít các tour, tuyến vẫn còn dựa vào những sản phẩm “tự có” do lịch sử hoặc tự nhiên để lại. Việc đầu tư những công trình hạ tầng phụ trợ cho các địa điểm du lịch còn quá ít; trong khi đó, nếu như một cảnh quan thiên nhiên, một địa chỉ văn hóa, một di tích lịch sử có thêm những công trình hạ tầng phụ trợ sẽ làm tôn thêm vẻ đẹp và nâng tầm ý nghĩa của nó, đồng thời cũng giúp du khách cảm thấy thoải mái dễ chịu hơn khi tiếp cận.

Một đôi lần có dịp đi tham quan một số khu du lịch ở các nước trong khu vực, chúng tôi được chứng kiến cách mà những nhà đầu tư du lịch đã biến những cảnh quan thiên nhiên bình thường thành những sản phẩm du lịch có sức thu hút nhờ những công trình nhân tạo phụ họa cho cảnh quan thiên nhiên như thế nào.

Có nơi chỉ là một cái thác nhỏ (ở nước ta có nhiều thác đẹp hơn nhiều lần!) nhưng họ gọi là thác Cô Tiên, khách du lịch được kể là ngày xưa có các nàng tiên từ trên trời vẫn thường về đây tắm… thực tế thì cũng chỉ có mỗi một cái thác nhỏ tung bọt trắng. Nhưng để ngắm thác từ xa, người ta cho xây một cái cầu thật lớn và đẹp. Bản thân cây cầu đã là một cảnh trí du lịch. Khách đua nhau lên cầu chụp ảnh, chụp cây cầu rồi chụp hình ảnh con người lấy bối cảnh cây cầu…

Lúc này, thác Cô Tiên chỉ còn là cái cớ để du khách có cơ hội đến đây thư giãn. Hoặc có nơi, khách được đưa đến ngắm một dãy nham thạch nhỏ ở bờ biển, người ta gọi đó là hòn Con Rồng, có chỗ gọi là hòn Cá Sấu, mọi thứ chỉ là trong tưởng tượng.

Thế nhưng, để ngắm nhìn cảnh quan ấy, người ta cho xây những lan can rất đẹp loi thoi ngay bên trên mép nước. Cảnh trí rất nên thơ. Vì vậy, khách vẫn không hề thấy nhàm chán, phần vì thái độ lịch sự, nhiệt tình của hướng dẫn viên, phần nữa là được hưởng cảnh thiên nhiên kỳ thú và không khí trong lành.

Tất nhiên, để có được những công trình phụ trợ như vậy, nhà đầu tư phải có tiềm lực và phải có nhiệt huyết, đam mê, biết chọn những danh thắng đáng để đầu tư. Ở ta hình như vẫn còn quan niệm cho rằng, đầu tư cho du lịch trước hết phải là khách sạn sang trọng, trong khi tâm lý khách du lịch chưa hẳn đã hoàn toàn chọn lựa những khách sạn quá đắt tiền, mặc dù tiện nghi tối thiểu vẫn rất cần thiết.

Cái chính là họ muốn đến với những vùng đất mới với những phong tục lạ, những lối sống, lối ẩm thực không giống như ở nước họ và đặc biệt là rất thích thiên nhiên, muốn hòa mình vào thiên nhiên, kể cả phải “trả giá” bằng những tour du lịch mạo hiểm ở những nơi thiên nhiên hiểm trở.

Những ngày gần đây, sau khi Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ được công bố (Quyết định số 2163/QĐ-TTg), khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà đang trở thành mối quan tâm lớn của những người yêu mến Đà Nẵng, không chỉ những người làm du lịch.

Sơn Trà - nhiều người Đà Nẵng quen gọi Sơn Chà - quả là một bán đảo đắc địa của Đà Nẵng với một vùng “rừng bên phố” xinh đẹp, một kho tàng sinh thái phong phú, đa dạng, nổi tiếng với nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm cần được bảo tồn, trong đó đặc biệt là voọc chà vá chân nâu, một loại linh trưởng rất hiếm hoi trên thế giới.

Khách du lịch biết đến điều này qua sách vở, phương tiện truyền thông và họ mong đến Đà Nẵng để tận mắt chiêm ngưỡng. Thế nhưng, điều bất cập hiện nay là chúng ta chỉ mới có khả năng tạo một tuyến tham quan gần với khu vực voọc sinh sống và du khách chỉ có thể đứng xa để chờ khi đàn voọc di chuyển đến gần tầm nhìn thì mới quan sát được chúng.

Cũng có khi khách được tạo điều kiện có ống nhòm để quan sát. Nhưng như vậy, cơ hội được thấy, nhìn thấy loài linh trưởng quý hiếm này cũng rất... quý hiếm, bởi loài này khá nhạy và chưa quen với việc gần con người.

Mặc dù việc bảo vệ, bảo tồn đàn voọc được đặt ra hết sức nghiêm ngặt nhưng nếu có sự vào cuộc của các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực, phải chăng chúng ta vẫn có thể tạo điều kiện để xây dựng một không gian tập trung khoảng vài ba đàn voọc tiêu biểu trong số 12 đàn hiện có, thành một “vườn quần thể voọc” đảm bảo yêu cầu nghiêm ngặt về hệ sinh thái, không làm ảnh hưởng đến thói quen sinh hoạt của đàn voọc nhưng đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho du khách muốn tìm hiểu loài linh trưởng đặc biệt quý hiếm này.

Chúng ta sẽ xây dựng những lối mòn trên mặt đất, những hành lang trên cao cho khách tham quan ngay trong những cánh rừng có “vườn quần thể voọc” tập trung đang sống. Cũng với cách làm như vậy, đơn giản hơn, chúng ta có thể tạo điều kiện cho khách tham quan được gần gũi trực tiếp hơn đời sống của loài khỉ vốn có địa bàn sinh sống là bán đảo Sơn Trà, khiến bán đảo này còn được gọi là “Đảo Khỉ”.

Không chỉ với Sơn Trà, ở nhiều nơi khác của Đà Nẵng, thiên nhiên cũng sẽ sống động, hấp dẫn thêm nếu có bàn tay gia công của con người. Còn nhớ, những ngày đầu khi Khu du lịch Bà Nà mới được “đánh thức”, từ trên đồi cao nhìn xuống thung lũng, đã có ý kiến đề xuất sưu tập các loài chim trên những vùng rừng cả nước để tạo dựng một “thung lũng chim” được bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng cẩn thận trong môi trường vừa tự nhiên vừa có bàn tay quản lý của con người ngay tại Bà Nà.

Việc xây dựng những công trình phụ trợ là những hành lang bằng cây rừng tự nhiên, những đường mòn xoắn ốc từ trên cao xuống thung lũng sẽ tạo một cảnh quan ngoạn mục cho khách tham quan được sống trong không gian đầy hình dáng, màu sắc, âm thanh của thế giới loài chim.

Có được một cảnh quan như thế hẳn sẽ làm dịu bớt đi cảm giác khu du lịch giải trí nghỉ dưỡng này đang bị những khối bê-tông nặng nề ngày càng lấn át. Những ý nghĩ như vậy không hề là cảm xúc lãng mạn nhất thời của người mộng mơ, mà là thực tế đã diễn ra không phải hiếm tại các khu du lịch ở nhiều nơi.

Những địa chỉ tham quan du lịch lịch sử, văn hóa... cũng rất cần những công trình phụ trợ với những mức độ khác nhau. Bản thân những công trình ấy không phải là di tích nhưng nó lại là một phần không thể thiếu để du khách hiểu sâu hơn di tích. Tuy nhiên, đây là một vấn đề không nhỏ, xin được góp bàn ở những dịp sau.

NẠI HIÊN

;
.
.
.
.
.