.

Cạnh tranh trong kinh doanh gas: Nhiều doanh nghiệp điêu đứng

.

Dán nhãn hiệu chồng lên nhãn hiệu, sử dụng biểu trưng (logo) của thương hiệu uy tín tùy tiện, thu mua vỏ bình của hãng khác rồi thay tên đổi họ, gây nhầm lẫn cho khách hàng khi nhận diện sản phẩm... là những “chiêu trò” tuy không mới nhưng diễn ra liên tục khiến những doanh nghiệp (DN) làm ăn chân chính trong lĩnh vực gas điêu đứng vì thiệt hại doanh thu.

Một vụ bắt quả tang kho sang chiết gas trái phép trên địa bàn.
Một vụ bắt quả tang kho sang chiết gas trái phép trên địa bàn.

Theo Chi hội Gas miền Trung (Hiệp hội Gas Việt Nam), Đà Nẵng hiện có trên 10 hãng gas hoạt động có thể chia thành 2 nhóm. Nhóm các hãng chiếm thị phần tiêu dùng lớn như Petrolimex (35%), PetroVietnam Gas, VT-Gas, Origin Gas… và nhóm gồm các hãng nhỏ, lẻ hoặc mới xuất hiện trong thời gian gần đây. Trước tình hình kinh doanh sôi động, thị trường gas được đánh giá cạnh tranh khá khốc liệt. Phản ánh từ các DN bị xâm phạm quyền lợi trong lĩnh vực này cho thấy, hành vi cạnh tranh không lành mạnh đang phổ biến là mạo danh thương hiệu lớn, thu gom vỏ bình để sang chiết trái phép các loại gas kém chất lượng, phát tờ rơi khuyến mãi nhưng địa chỉ không rõ ràng.

Cũng theo điều tra từ các hãng gas uy tín, hằng ngày, do công việc bận rộn, khách hàng thường ít khi chú ý kỹ các chi tiết trên bình gas. Do đó, một số cơ sở cung cấp gas cho nhân viên đến các hộ gia đình “xin phép” chủ nhà được kiểm tra độ an toàn bình gas, dùng “tiểu xảo” phá hỏng dây gas rồi đổ thừa cho chuột cắn. Sau đó, nhân viên này dán số điện thoại đề nghị đổi bình gas mới cho khách hàng. Với “chiêu trò” này, người tiêu dùng đã bị thay bình gas của mình cho một hãng khác mà không hay biết.

Ông Nguyễn Ngọc Mân, Phó Giám đốc Công ty TNHH Gas Petrolimex Đà Nẵng cho biết, dù hãng lập đường dây nóng từ số điện thoại 18001251 nhưng không phải người tiêu dùng nào cũng biết để gọi. Lợi dụng sự thiếu thận trọng của khách hàng, nhiều cơ sở, DN mạo danh chính hãng gas gây nhầm lẫn cho khách hàng. Cụ thể như trên nhãn sản phẩm in tên doanh nghiệp gas A, B, C, nhưng lại lấy logo của Petrolimex, khách hàng cứ nghĩ đây là bình gas của Petrolimex. Chưa kể, hành vi đánh lận con đen bằng cách báo giá tù mù, hoặc cao hơn giá hãng đưa ra. Có trường hợp còn tự ý in quảng cáo “ăn theo” đủ kiểu kinh doanh như “gas và bếp từ Petrolimex”, “cung cấp và sửa chữa thiết bị Petrolimex”, “Trung tâm cung cấp khí hóa lỏng Petrolimex Hòa Bình” hay “Công ty CP Gas Petrolimex - Gas Phương Nam”… Dẫn chứng nhiều thủ đoạn “đội lốt” tên tuổi của người khác, ông Mân khẳng định: “Sở dĩ có tình trạng lập lờ như vậy là bởi lợi nhuận chênh lệch giữa gas nội và gas nhập ngoại nguyên liệu lên tới 40.000 - 50.000 đồng/bình (lời gấp đôi bình thường). Đó là hành vi kinh doanh vi phạm trắng trợn của những cơ sở, DN làm ăn bất chính. Sắp tới, chúng tôi sẽ có văn bản kiến nghị Sở Công thương vào cuộc quyết liệt hơn để dẹp vấn nạn này”.

Đại diện một hãng gas tại Đà Nẵng (xin giấu tên) bày tỏ: “Lâu nay, chúng tôi phải bỏ rất nhiều công sức và tiền bạc thuê người điều tra các DN núp bóng tên tuổi của người khác để kiếm lợi. Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gas có chỗ đứng phải mất hàng chục năm nhưng nếu bị đánh cắp uy tín thì thiệt hại không thống kê hết”.

Về phía cơ quan chức năng, ông Nguyễn Nho Hậu, Phó Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) thành phố nhìn nhận: Hiện nay, các DN kinh doanh gas có biểu hiện cạnh tranh gay gắt vì đây là mặt hàng  phổ biến, đại trà. Việc xuất hiện tình trạng kinh doanh không lành mạnh buộc các DN bị xâm phạm gửi khiếu nại đề nghị phối hợp điều tra để xử lý những hành vi vi phạm. Tuy nhiên, mức xử phạt vẫn chưa đủ răn đe. Theo quy định xử phạt hành vi mua bán gas, vỏ bình gas trôi nổi trên thị trường, không có nguồn gốc, xuất xứ; mua bán gas không phù hợp với tổng đại lý, thương nhân với mức 20-30 triệu đồng cũng chưa hẳn làm DN vi phạm chùn tay. Trường hợp xử nặng, bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh gas, thì họ xóa tên cũ lập tên mới, hoặc cho người khác đứng tên xin cấp giấy phép…

Theo Chi cục QLTT, hoạt động cạnh tranh kinh doanh mặt hàng gas trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp. Năm 2016, Chi cục đã kiểm tra gần 100 cơ sở kinh doanh gas, xăng dầu, trong đó đã xử lý 17 đơn vị vi phạm với tổng số tiền trên 36 triệu đồng. Song, những tháng đầu năm 2017, nhiều vụ việc vi phạm về nhãn mác, niêm yết giá, nhất là tình trạng thu gom vỏ bình gas của các hãng, sang chiết gas trái phép ở các khu dân cư vẫn tiếp diễn. Chi cục đang chỉ đạo các đội QLTT phụ trách tiếp tục đẩy mạnh công tác trinh sát, kiểm tra nắm tình hình theo kế hoạch chuyên đề định kỳ và thường xuyên, đột xuất theo phản ánh của DN, nhằm giúp thị trường kinh doanh gas lành mạnh hơn.

Bài và ảnh: DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.