.

Sau một năm ảnh hưởng cá chết dọc biển miền Trung: Ngành thủy sản Đà Nẵng phát triển ổn định

.

Sau một năm ảnh hưởng từ việc cá chết dọc biển miền Trung do sự cố Formosa, ngành thủy sản thành phố Đà Nẵng đã phát triển ổn định trở lại.

Ngư dân Đà Nẵng chuẩn bị đá, nhiên liệu để vươn khơi.
Ngư dân Đà Nẵng chuẩn bị đá, nhiên liệu để vươn khơi.

Từ tháng 4-2016, cá chết hàng loạt ở tỉnh Hà Tĩnh, sau đó lan nhanh đến Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Trước thực trạng đó, Đà Nẵng cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mặc dù tại Đà Nẵng, hiện tượng cá chết chỉ xảy ra rải rác nhưng ngư dân khai thác về không bán được cá, giá thấp, nhiều ngư dân bỏ biển. Không để ngư dân gặp khó, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã nhanh chóng triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ ngư dân, kêu gọi người dân quay lại với hải sản. Tuy nhiên, để người tiêu dùng tin tưởng, việc kiểm soát nguồn hải sản về Đà Nẵng được thành phố chỉ đạo các ngành chức năng quản lý rất chặt chẽ từ đường biển đến đường bộ, kết hợp với việc thường xuyên lấy mẫu cá để kiểm tra. Nhờ đó, người dân dần quay lại với hải sản, ngư dân tiếp tục vững tin vươn khơi.

Bà Trần Thị Thanh Tâm, Chủ tịch UBND quận Sơn Trà cho biết, những ngày đầu xảy ra sự cố, ngư dân Sơn Trà gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng với sự vào cuộc kịp thời của lãnh đạo thành phố cũng như địa phương bằng việc vận động các doanh nghiệp thu mua hải sản mua cá, tổ chức hội chợ ẩm thực để vận động người tiêu dùng không quay lưng với hải sản…, khó khăn của ngư dân dần được tháo gỡ, kế hoạch khai thác hải sản năm 2016 của quận vẫn đạt kết quả cao. Năm 2016, giá trị khai thác hải sản đạt hơn 909,26 tỷ đồng, bằng 97% so với kế hoạch quận và 108,62% so với kế hoạch của thành phố.

Tại quận Thanh Khê, nhiều ngư dân đã nỗ lực vượt qua giai đoạn khó khăn để vươn khơi bám biển. Ngư dân Đào Ngọc Minh Tâm (phường Thanh Khê Đông) cho biết, trong thời gian xảy ra sự cố cá chết, tổ, đội đánh bắt xa bờ của anh vẫn thường xuyên ra khơi, mang về nhiều hải sản. Không những vậy, trong giai đoạn này, nhiều anh em trong tổ, đội đánh bắt xa bờ đã đăng ký đóng mới tàu. Riêng anh đăng ký đóng mới con tàu vỏ thép đến 17 tỷ đồng theo nguồn vốn Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo Phòng Kinh tế quận Thanh Khê, hằng năm, từ tháng 4 đến tháng 7 là thời gian đánh bắt hải sản nhiều nhất. Năm 2016, dù bị ảnh hưởng sự cố cá chết nhưng ngành thủy sản Thanh Khê vẫn đạt sản lượng cao với 6.850 tấn, tăng 107% so với kế hoạch, giá trị đạt 385 tỷ đồng, tăng 11,5% so với kế hoạch. Riêng từ đầu năm 2017 đến nay, đánh bắt thủy sản đạt 2.490 tấn, giá trị 140 tỷ đồng, đạt 41,2% kế hoạch. Điều này chứng tỏ sau một năm, ngành thủy sản của quận Thanh Khê không những ổn định mà còn tăng...

Song song với đánh bắt, tiêu thụ hải sản cũng được ổn định. Ban quản lý Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang cho biết, khác với sự đìu hiu của những ngày cuối tháng 4 và đầu tháng 5-2016, với những biện pháp hỗ trợ của thành phố, chợ đầu mối Thọ Quang đã trở lại hoạt động bình thường chỉ trong một thời gian ngắn sau khi sự cố môi trường xảy ra. Giá cả hải sản ổn định và tăng mạnh vào những tháng cuối năm 2016. Đặc biệt, vào dịp cận Tết Nguyên đán Đinh Dậu, giá hải sản tăng cao, nhất là các loại cá có giá trị như: cá thu, cá cu, cá mú, cá cam, mực lá…

Ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sau một năm xảy ra sự cố cá chết, ngành thủy sản vẫn giữ vững ổn định và phát triển. Các địa phương như Sơn Trà, Thanh Khê có sản lượng đánh bắt thủy sản đạt cao. Nhiều doanh nghiệp thu mua, chế biến và xuất khẩu cũng đã đạt và vượt kế hoạch. Có được như vậy là nhờ sự chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo thành phố, sự đồng lòng vào cuộc của ngành thủy sản, các địa phương và toàn hệ thống chính trị sau khi xảy ra sự cố cá chết bằng việc đẩy mạnh vận động, tuyên truyền các doanh nghiệp thu mua, người tiêu dùng hỗ trợ cho ngư dân. Vì vậy, người dân không quay lưng với hải sản, qua đó giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền…

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.