.

Vỡ trận lãi suất?

.

Mục tiêu dài hạn quan trọng nhất của chính sách tiền tệ năm 2017 là triển khai lộ trình giảm mặt bằng lãi suất (huy động/cho vay), tiệm cận về mức tương đương các nước tiên tiến trong khu vực. Tuy nhiên, lộ trình này đang đứng trước nguy cơ vỡ trận do một loạt ngân hàng thương mại cổ phần tung ra các đợt huy động trái phiếu/kỳ phiếu dài hạn với lãi suất cao, thậm chí rất cao (>9%/năm), gấp 2 lần mức lạm phát mục tiêu cả năm (4%). Đây là nguyên nhân kéo theo sự rung lắc mạnh của thị trường tiền tệ, kích hoạt các mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn rục rịch tăng theo, đặc biệt là tâm lý kỳ vọng về giảm lãi suất đã và đang bị thách thức nghiêm trọng.

Với sức vóc trẻ của một nền kinh tế đang trên đà tăng trưởng mạnh, quy mô tín dụng trung dài hạn sẽ ngày càng tăng nhanh. Tuy nhiên, trong điều kiện năng lực chia sẻ và gánh vác của thị trường chứng khoán còn quá yếu và thiếu, khả năng đáp ứng mới chỉ chiếm khoảng 14% nhu cầu thị trường vốn. Hệ thống ngân hàng tất yếu phải đảm đương 86% phần còn lại. Vấn đề nan giải chính là họ dường như không có lựa chọn nào khả thi hơn, nhanh hơn ngoài việc phải tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian đến thì mới hội đủ điều kiện tuân thủ yêu cầu tái cấu trúc cơ cấu nguồn vốn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Theo hiệu ứng dây chuyền, đầu vào tăng thì đầu ra sẽ tăng theo. Hầu hết các ngân hàng đều đang có động thái điều chỉnh tăng lãi suất cho vay, thực tế này đi ngược lại mong đợi, gây nhiều lo lắng cho các doanh nghiệp và cả nền kinh tế nói chung. Điều đáng quan ngại là hiện tượng lãi suất huy động tăng đột biến không phải bắt nguồn từ những lý do nội tại như biến động lạm phát/khan hiếm thanh khoản/hoặc căng thẳng cung cầu vốn…, mà chủ yếu do khâu điều hành chính sách. Trong đó, việc lựa chọn giải pháp cơ cấu lại nguồn vốn trung dài hạn theo Thông tư 06/2016/TT-NHNN đã bộc lộ nhiều điểm không hợp lý, chưa đúng thời điểm. Nói khác đi, cung cách điều hành chính sách tiền tệ còn thiếu tầm nhìn và giải pháp đồng bộ.

Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định về các giới hạn và tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tài chính tín dụng (TCTD), trong đó xác định rõ nguồn vốn trung dài hạn bao gồm các khoản tiền gửi có thời hạn còn lại từ 12 tháng trở lên. Nhưng đến Thông tư 06/2016/TT-NHNN sửa đổi bổ sung thì có sự điều chỉnh khác, theo đó chỉ những khoản tiền gửi có thời hạn còn lại trên 1 năm mới được xem là nguồn vốn trung dài hạn. Nội dung sửa đổi chỉ có một từ duy nhất, nhưng chi tiết này thực sự đắt giá khiến cân đối nguồn vốn/sử dụng vốn xét trên phạm vi toàn hệ thống ngân hàng bị hụt hẫng rất lớn. Bởi lẽ, tỷ trọng nguồn vốn này trong tổng nguồn vốn toàn hệ thống đến ngày 31-12-2016 chiếm gần 30%. Đây thực sự là con số không hề nhỏ, nếu được kết cấu vào nguồn vốn trung dài hạn thì sẽ giảm áp lực đáng kể.

Cũng cần nói thêm rằng, do đặc thù tâm lý khách hàng cộng với thực trạng bất ổn kinh tế vĩ mô từ nhiều năm trước gây ra, tỷ lệ tiền gửi kỳ hạn ngắn (1-3-6 tháng) luôn chiếm tỷ trọng áp đảo trong cơ cấu nguồn vốn của hệ thống ngân hàng. Riêng tỷ trọng tiền gửi kỳ hạn 12 tháng những năm gần đây bắt đầu có dấu hiệu tăng lên, phản ánh sự tin tưởng của người dân vào quá trình phục hồi và ổn định dần của nền kinh tế. Điều thiết thực nhất chính là duy trì niềm tin của người dân vào giá trị đồng tiền và thu hút dòng tiền nhàn rỗi của xã hội tập trung vào hệ thống ngân hàng ngày càng tăng theo thời gian. Thông tư 36 đã làm được việc này, nói cách khác, đã thể hiện khá tốt năng lực thiết kế chính sách, vừa bám sát thực tiễn theo định hướng nuôi dưỡng lòng tin của công chúng, xem đây là nhân tố trụ cột của chính sách tiền tệ, vừa tránh tạo ra những xáo trộn không cần thiết gây ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động của hệ thống ngân hàng. Đáng tiếc là những điều khoản hợp lý này đã bị chỉnh sửa.

Bên cạnh đó, Thông tư 36 lẫn 06 vẫn còn những quy định khá cứng nhắc, thiếu thực tế, chưa tạo điều kiện để hệ thống ngân hàng tiết giảm bớt chi phí kinh doanh, có cơ hội giảm thêm lãi suất. Cụ thể, mức duy trì tỷ lệ dự trù thanh khoản tối thiểu 10% là quá cao, gây lãng phí vốn, nhất là trong bối cảnh trình độ công nghệ thông tin phát triển, năng lực thanh toán vốn tập trung đã được cải thiện rất tốt trên phạm vi toàn hệ thống. Để tháo gỡ áp lực khó khăn trước mắt cho hệ thống ngân hàng thương mại, NHNN nên áp dụng việc tái xét chính sách duy trì tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn dành cho vay trung dài hạn theo định kỳ từ 1-3 năm chứ không nhất thiết phải theo lộ trình hằng năm như hiện hành; đồng thời yêu cầu tổ chức CIC (Thông tin tín dụng NHNN) sớm có chính sách giảm phí truy cập mạnh mẽ và hợp lý, không nên để hệ thống TCTD gánh vác thêm quá nhiều chi phí không công bằng, trong khi họ đã có trách nhiệm cung cấp một nguồn dữ liệu khổng lồ để CIC khai thác hưởng lợi rất nhiều năm vừa qua.

TÂM DÂN

;
.
.
.
.
.