Chuyện những người khởi nghiệp

.

Ngày càng có nhiều bạn trẻ chọn khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và chế biến thực phẩm. Tuy vậy, họ thường gặp khó trong việc tìm nguồn cung, đầu ra, mặt bằng sản xuất…

Nhóm dự án Demeater Food giới thiệu sản phẩm bánh quy từ thịt dế tại lễ tốt nghiệp khóa ươm tạo thứ 2 của Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng.
Nhóm dự án Demeater Food giới thiệu sản phẩm bánh quy từ thịt dế tại lễ tốt nghiệp khóa ươm tạo thứ 2 của Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng.

Làm ngũ cốc để tăng cân, ai ngờ… khởi nghiệp

Sinh năm 1990, sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin (CNTT), Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), Phan Hữu Phát được trường giữ lại làm việc ở Phòng Kỹ thuật. Thời điểm này, chàng tân cử nhân cao 1,7m nhưng chỉ nặng hơn 50kg. Phát quyết tâm cải thiện cân nặng bằng chế độ ăn uống khoa học kết hợp với rèn luyện thể thao. Tìm hiểu trên mạng, Phát thấy dùng bột ngũ cốc có thể giúp tăng cân một cách khỏe mạnh.

Vậy là chàng kỹ sư CNTT mày mò tìm hiểu cách kết hợp các loại đậu, thêm hương vị, thay đổi công thức chế biến… Một năm sau đó, Phát tăng 14kg, cơ thể cũng khỏe mạnh hơn trước. Thấy vậy, nhiều người quen hỏi Phát về cách tăng cân. Người này giới thiệu người kia, thế là Phát… khởi nghiệp lúc nào không hay.

Từ những sản phẩm đầu tiên vào cuối năm 2015, đến nay Phát có thể sản xuất đa dạng các sản phẩm bột ngũ cốc, hạt rang, sản phẩm chăm sóc da từ đậu và hạt nguyên chất, thực phẩm chức năng cho người bị tiểu đường, trẻ em hay bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ,…

Tháng 4 vừa qua, dự án “Ngũ cốc Đà Nẵng” của Phát được chọn vào chương trình ươm tạo khởi nghiệp của Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES). Phát chia sẻ, trong giai đoạn đầu, dự án gặp khá nhiều thách thức như thiếu kinh nghiệm, chưa có định hướng kinh doanh rõ ràng. Hiện tại, các sản phẩm được gia công và cho ra thành phẩm một cách thủ công, chưa có máy móc phục vụ sản xuất. Nguồn cung cũng phụ thuộc vào các mối bán sỉ, lẻ ở chợ. “Nếu phát triển lâu dài, mình cần phải liên kết với các nông trại để có nguồn nguyên liệu trực tiếp, bảo đảm tiêu chí mà mình hướng đến”, Phát nói.

Khó khăn cho sản xuất quy mô nhỏ

Thực tế, ngay cả các dự án khởi nghiệp thực phẩm đã hoàn tất giai đoạn hình thành và bước vào giai đoạn phát triển cũng phải loay hoay tìm mặt bằng, đầu tư máy móc cho sản xuất ở quy mô nhỏ. Đại diện một doanh nghiệp khởi nghiệp trồng nấm khổng lồ, nấm dược liệu tại Đà Nẵng cho biết, ít nhất cũng phải có vài hecta đất ở nơi có khí hậu phù hợp, không bị ô nhiễm nguồn nước hay nguồn không khí. Nếu trồng rau sạch, người nông dân cũng không dễ tuân thủ hết bộ tiêu chí của VietGap, GlobalGap, hữu cơ… Chi phí thuê chuyên gia đánh giá, cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn nước ngoài cũng không hề thấp đối với các nhóm khởi nghiệp.

Là 1 trong 12 dự án lọt vào chương trình ươm tạo của “100 hạt giống doanh nhân Đà Nẵng”, dự án rau sạch Mộc Nhiên vẫn đang chật vật để duy trì sau gần 2 năm hoạt động. Mặc dù không gặp khó khăn trong việc tìm nguồn cung do có liên kết với các nhóm nông dân, hợp tác xã rau sạch ở Hòa Vang, Mộc Nhiên vẫn “đau đầu” với bài toán đầu ra. Anh Nguyễn Bình Tâm, trưởng nhóm cho biết, do chi phí trồng trọt cao nên rau sạch thường có giá cao, lại chỉ được bán ở các điểm nhỏ lẻ, đôi lúc “tốt xấu lẫn lộn”. Hơn nữa, các nhóm khởi nghiệp cũng vất vả trước sự phổ biến của các “ông lớn” là các chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm hữu cơ vốn đã có tiếng trên thị trường.

Đối với khởi nghiệp trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, điểm vướng lại nằm ở khâu máy móc, mặt bằng sản xuất. Anh Nguyễn Hữu Đạt, một trong những người sáng lập nhóm dự án Demeater Food chuyên sản xuất các sản phẩm từ thịt dế cho hay, ở giai đoạn ban đầu, nhóm có thể hợp tác với xưởng bánh nhỏ tư nhân để bảo đảm sản xuất. Tuy nhiên, đến khi muốn mở rộng quy mô thì lại chưa biết đi đâu, về đâu. “Mình và nhiều nhóm dự án khởi nghiệp thực phẩm khác rất mong có một cơ chế ưu đãi, hỗ trợ thuê đất, xây dựng nhà xưởng để tiếp tục phát triển”, anh Đạt nói.

Bài và ảnh: KHANG NINH

;
.
.
.
.
.