Công ty Nhật Bản đóng góp ý tưởng xây dựng cảng Liên Chiểu

.

ĐNĐT - Chiều 25-5, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan làm việc với Công ty Sojitz (Nhật Bản), về các ý tưởng đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu.

Theo ông Kazumasa Fujita, Phó Tổng Giám đốc Công ty Sojitz, ý tưởng cơ bản của dự án nói trên là chuyển một phần công năng của cảng Tiên Sa hiện nay là cảng công nghiệp sang cảng Liên Chiểu, đồng thời triển khai xây dựng cảng Liên Chiểu gồm 4 hạng mục chính.

Về nguồn vốn đầu tư, cũng theo phía Sojitz, cần làm sáng tỏ vai trò công năng của từng cảng riêng biệt. Hiện nay, để chuẩn bị xây dựng cảng Liên Chiểu, cần tiến hành nhiều việc như triển khai xây dựng đê chắn sóng, nạo vét luồng, lạch… nên cần nguồn vốn rất lớn để đầu tư. Được biết, với 20 liên doanh đang hoạt động, Sojitz cũng đã hợp tác đầu tư phát triển 6 dự án cảng biển trên thế giới, có kinh nghiệm trong sự phát triển các khu, cụm công nghiệp và quan trọng hơn là có thể giới thiệu, mời gọi các đối tác khác cùng tham gia xây dựng cảng Liên Chiểu.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn hoan nghênh những ý tưởng đề xuất của Sojitz trong việc xây dựng cảng Liên Chiểu cũng như chuyển đổi công năng của cảng Tiên Sa. Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn, việc đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu hiện nay được nhiều nhà đầu tư quan tâm; sự phát triển nhanh chóng của thành phố trong thời gian qua phần nào khiến cảng Tiên Sa quá tải. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu là nhu cầu cấp thiết.

Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, bên cạnh những ý tưởng, đề xuất có tính khả thi của Sojitz, một vài vấn đề cũng cần phải làm sáng tỏ. Trong tương lai, cảng Liên Chiểu sẽ dành để bốc xếp hàng tổng hợp và hàng container, cảng Tiên Sa sẽ dần chuyển đổi công năng để chuyên phục vụ du lịch và tiếp nhận các tàu khách lớn. Phó Chủ tịch cho biết thêm, ngày 22-5 vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đã có buổi làm việc với Bộ Giao thông vận tải và thống nhất xây dựng cảng Liên Chiểu theo hình thức hợp tác công tư PPP.

Việc xây dựng cảng Liên Chiểu sẽ có nhiều thuận lợi khi một số dự án hạ tầng quan trọng như hầm Hải Vân hiện triển khai tuyến hầm số 2 trong tương lai tăng khả năng vận tải qua hầm; đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sẽ đưa vào hoạt động năm 2018, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp ở Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi vận chuyển hàng hóa. Ngoài ra, khi ga đường sắt Đà Nẵng được di dời lên khu vực Liên Chiểu, việc kết nối các phương thức vận tải đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không sẽ rất thuận lợi.

Thành Lân

;
.
.
.
.
.