Kiểm soát hàng kém chất lượng về các chợ

.

Thực hiện chương trình “Thành phố 4 an”, Ban quản lý các chợ trên địa bàn Đà Nẵng đang triển khai nhiều giải pháp kiểm soát chất lượng hàng hóa, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Tuy nhiên, cùng với cam kết của tiểu thương, các ngành chức năng cần phải quyết liệt hơn trong xử lý các hành vi kinh doanh lừa dối người tiêu dùng.

Để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, các Ban quản lý chợ phải có biện pháp kiểm soát chất lượng hàng hóa về chợ.
Để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, các Ban quản lý chợ phải có biện pháp kiểm soát chất lượng hàng hóa về chợ.

Khó phân biệt  thật - giả

Bà Bùi Thị Khánh Linh, chủ tạp hóa bia, rượu, nước giải khát trên đường ĐT 602, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang phản ánh: “Hôm rồi, mấy người cháu của tôi đi chợ Hòa Ninh mua một số mặt hàng như bánh phồng tôm, bột chiên giòn, dầu hào, về nhà mới biết quá hạn sử dụng; vỏ bao bì tuy còn mới nhưng bên trong thì hàng bị ẩm, mốc. Lỡ mua rồi thì bỏ, tôi chỉ muốn cảnh báo mọi người biết việc hàng kém chất lượng đang xuất hiện ở vùng quê”.

Thực trạng lâu nay chợ nông thôn ít được kiểm tra chất lượng hàng hóa thường xuyên nên việc phản ánh của người dân là có cơ sở. Ngay cả tại chợ nội thành như chợ Cồn, Chi cục Quản lý thị trường thành phố vừa qua đã phối hợp với đơn vị đại diện nhãn hàng Knorr phát hiện 2 hộ kinh doanh sản phẩm giả nhãn hiệu này. Những người đi chợ nếu không tinh ý sẽ khó có thể phân biệt được. Ngay cả những người buôn bán gắn bó hàng chục năm với những mặt hàng này cũng khó nhận dạng chính xác.

Chị Lê Thị Hồng, kinh doanh ngành hàng thực phẩm khô ở chợ Mới cho biết: “Tôi bán hàng gia vị nhiều năm, nhưng nếu người bỏ hàng đưa hàng nhái xen vào thì cũng khó nhận biết. Trong làm ăn, chúng tôi tin tưởng nhau vì mối quan hệ lâu năm, chứ nhãn mác sản phẩm mỗi ngày mỗi cải tiến; nếu hàng giả, hàng nhái có hình thức, mẫu mã giống hàng thật thì chỉ nhà sản xuất biết, vì chúng quá giống nhau nên khó phân biệt bằng mắt thường”.

Ông Nguyễn Xuân Tuấn, Phó trưởng Ban quản lý (BQL) chợ Cồn cũng thừa nhận: “Đúng là nếu kiểm soát chất lượng tuyệt đối bằng mắt thường thì rất khó. Hiện nay, số hộ kinh doanh ngành thực phẩm tại chợ Cồn rất lớn: 745/2.000 hộ tiểu thương. Có những mặt hàng chỉ dùng cảm quan bên ngoài thì không xác định được chất lượng bên trong. Khi tiểu thương cố tình che giấu thì BQL chợ cũng chịu…”.

Tìm giải pháp ngăn hàng kém chất lượng

Qua tìm hiểu của chúng tôi, ngoài dụng cụ thử hàn the đối với mặt hàng nem, chả được trang bị từ nhiều năm nay, các chợ hầu như không có bất cứ thiết bị nào thử nhanh chất lượng thực phẩm. Đây cũng là sự trăn trở của BQL các chợ trên địa bàn.

Bà Dư Thị Hồng Cường, quyền Trưởng BQL chợ Đống Đa cho rằng: “Để phân biệt hàng thật- giả, phải có thiết bị đo lường, có chuyên môn, chứ mắt thường không thể nhận biết. Trong khi đó, lực lượng quản lý chợ làm nhiệm vụ kiêm nhiệm, không có chuyên môn sâu về chất lượng hàng hóa. Chúng tôi sẽ có các biện pháp hạn chế sự đối phó của tiểu thương trong việc đưa hàng kém chất lượng vào chợ”.

BQL các chợ đều cho rằng, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng hộ kinh doanh đồng thời với việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát nguồn hàng vào chợ. Đến nay, các chợ đã triển khai cho tiểu thương ký bản cam kết kinh doanh hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng; không buôn bán hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Bản cam kết cũng yêu cầu các hộ kinh doanh tại chợ thực hiện nghiêm việc niêm yết giá bán và bán hàng theo giá niêm yết... Hộ vi phạm sẽ bị xử lý bằng nhiều hình thức, nhẹ có thể bị tạm đình chỉ kinh doanh, nặng sẽ thu hồi mặt bằng vĩnh viễn.

Ông Lê Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty Quản lý Trung tâm hội chợ triển lãm và các chợ Đà Nẵng cho biết: “Khi chưa có Quyết định 35 của thành phố (Quyết định 35/2016/QĐ-UBND quy định quản lý an toàn thực phẩm - PV), việc kiểm soát hàng hóa chợ tuy được thực hiện nhưng chưa quyết liệt và đồng bộ. Hiện nay, thực hiện chương trình “Thành phố 4 an”, công ty yêu cầu BQL các chợ quyết liệt vào cuộc, thực hiện tốt công tác quản lý chợ, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh. Công ty thường xuyên chỉ đạo các chợ trực thuộc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người kinh doanh chấp hành đúng pháp luật, không kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; qua đó, phối hợp với các ngành chức năng xử lý nghiêm những vi phạm gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Bài và ảnh: DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.