Thật-giả trầm hương - Bài cuối: Ganh đua vì trầm

.

Thay vì bán những sản phẩm thô hoặc thiên về mỹ nghệ như cách làm của giới kinh doanh Việt Nam và Trung Quốc, những người Hàn Quốc đến Đà Nẵng chọn bí quyết kinh doanh “độc” hơn, đó là thu mua nguyên liệu trầm hương để chiết xuất thành bài thuốc quý. Thế nhưng, nghề kinh doanh này mới xuất hiện ở Đà Nẵng đã xảy ra tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh, gian dối giữa các ông chủ Hàn với nhau.

Nhân viên của Công ty TNHH MTV Phát triển Hoàng Đế đang giới thiệu cho khách Hàn Quốc về sản phẩm Gong Jin Dan được chiết xuất từ trầm do người Việt sản xuất.
Nhân viên của Công ty TNHH MTV Phát triển Hoàng Đế đang giới thiệu cho khách Hàn Quốc về sản phẩm Gong Jin Dan được chiết xuất từ trầm do người Việt sản xuất.

Nhập nhằng xuất xứ

Số doanh nghiệp (DN) của những ông chủ người Hàn Quốc làm ăn tại Đà Nẵng sản xuất thuốc với tên gọi thực phẩm chức năng được chiết xuất từ trầm hương chỉ đếm trên đầu ngón tay và nghề này đang “hot” vì khoản lợi nhuận rất lớn.

Tại Đà Nẵng, Công ty TNHH MTV Phát triển Hoàng Đế do người Việt đứng tên nhưng phía sau do ông chủ người Hàn quản lý và điều hành có thể coi là tiên phong trong lĩnh vực bào chế trầm hương thành thực phẩm chức năng.

Công ty này có trụ sở tại phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà), được thành lập cách đây khoảng một năm, với sự hợp tác của lương y Phạm Công Tuấn (đang sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng). Sản phẩm trầm hương đã trở thành bài thuốc quý luôn được người Hàn Quốc “săn tìm” với tên gọi dược liệu này là Gong Jin Dan.

Một người bạn ở Hàn Quốc cho chúng tôi biết, tại xứ sở kim chi, nhiều bài báo từng giới thiệu về Gong Jin Dan được sản xuất tại Đà Nẵng. Sản phẩm này do chính lương y Phan Công Tuấn, người thường nghiên cứu và viết sách về các loại thuốc quý và cũng là người dịch cuốn Đông Y Bảo Giám sang tiếng Việt.

Đông Y Bảo Giám gồm 25 cuốn và đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Nhờ cuốn sách này, ông đã biết đến bài thuốc Gong Jin Dan và hiện cùng vợ là bà Đặng Thị Ánh Tuyết sản xuất Gong Jin Dan tại Đà Nẵng.

Nắm bắt nhu cầu này, nhiều ông chủ Hàn Quốc sang Đà Nẵng để làm ăn, nhưng hoạt động lộn xộn bởi số DN được cấp phép và có giấy tờ đầy đủ không nhiều. Do có lợi nhuận rất lớn nên nhiều ông chủ người Hàn đã đẩy mạnh kinh doanh sản phẩm này. Nhưng qua điều tra của chúng tôi, sản phẩm được làm bằng thuốc từ trầm hương đều tương tự nhau và được giới thiệu sản xuất tại Đà Nẵng nhưng thực chất nhập hàng không đúng chất lượng và nhái sản phẩm của nhau bằng con đường xách tay đưa sang Việt Nam bán cho chính người Hàn.

Chị Kim Hee Mine (đã đổi tên - PV), phiên dịch viên tiếng Hàn, đồng thời là người chuyên “chạy” thủ tục cho người Hàn kinh doanh mặt hàng trầm hương tại Đà Nẵng cho biết, thời gian gần đây, chị được đối tác nhờ giúp đỡ về thủ tục cho những ông chủ người Hàn muốn kinh doanh sản phẩm thực phẩm chức năng được chiết xuất từ trầm hương.

Tuy nhiên, Đà Nẵng hiện chưa có đơn vị kinh doanh thực phẩm chức năng đối với sản phẩm thuốc được làm từ trầm hương được Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế cấp phép, ngoại trừ Công ty TNHH MTV Phát triển Hoàng Đế.

Tiếp xúc với chúng tôi, bà Hồ Thị Thủy, Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển Hoàng Đế, tỏ ra mệt mỏi khi nhắc đến việc kinh doanh sản phẩm chức năng được làm từ trầm hương của những người Hàn tại Đà Nẵng.

Bà Thủy cho rằng, việc kinh doanh phải minh bạch và lành mạnh, chứ thời gian qua ở Đà Nẵng, nhiều DN, cơ sở kinh doanh cùng sản phẩm trầm hương chuyên nhập hàng kém chất lượng, hàng nhái từ Hàn Quốc về Việt Nam bán để trục lợi. Khi họ có được sản phẩm nhái giá rẻ, họ đã chi hoa hồng, chi chiết khấu phần trăm cho các tour du lịch, người hướng dẫn quá lớn nên phá vỡ thị trường trầm hương.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mỗi hộp thuốc được làm từ trầm khoảng 10 viên, nếu được sản xuất từ những tập đoàn có uy tín tại Hàn Quốc sẽ có giá khoảng 700 USD. Thế nhưng, bằng cách làm ăn gian dối, những người Hàn đưa những sản phẩm làm giả, làm nhái lấy tên của những tập đoàn đó sang Việt Nam, sau đó thành lập công ty tại Việt Nam và “khoác” nhãn mác thương hiệu trầm hương Việt Nam do người Hàn Quốc sản xuất. Các sản phẩm này khi sang Việt Nam chỉ có giá 30-40 USD cho một hộp 10 viên và được các chủ cửa hàng là người Hàn Quốc khẳng định sản phẩm được làm từ chính trầm hương xứ Quảng.

Ông Cha Hye J., người kinh doanh sản phẩm này đầu tiên tại Đà Nẵng than phiền: “Là người kinh doanh mặt hàng này nhưng tôi cảm thấy quá xấu hổ khi chính người Hàn Quốc lại dùng mọi thủ thuật trong kinh doanh để lừa chính người đồng hương của mình nhằm trục lợi”.  

“Giật mình” với thuốc từ trầm

Đến một số cửa hàng bán sản phẩm thực phẩm chức năng được chiết xuất từ trầm hương của người Hàn Quốc ở Đà Nẵng, chúng tôi nhận thấy bằng cách thuyết trình bài bản của những người bán hàng, cách chiết khấu phần trăm cao cho hướng dẫn viên du lịch khi đưa khách Hàn đến mua sản phẩm nên hằng ngày những cửa hàng bán sản phẩm này đã thu hút nhiều khách hàng là người Hàn Quốc.

Thông qua mối quan hệ, chủ cửa hàng trả cho người dẫn tour Hàn Quốc đến 60% hoa hồng, trong khi sản phẩm bán ra không chứng minh được về nguồn gốc cũng như chất lượng sản phẩm. Một du khách Hàn Quốc không ngại ngần chia sẻ: “Người Hàn Quốc rất ưa chuộng sản phẩm này, nhưng vì giá thành của sản phẩm được sản xuất tại Hàn Quốc và bán trên đất nước chúng tôi có giá rất cao nên nhân tiện đi du lịch ở Đà Nẵng ghé mua để làm quà”.

Trong vai người đi tìm mối hàng về sản phẩm “thuốc” từ trầm hương để làm nhà phân phối, giới thiệu sản phẩm cho khách du lịch xứ Hàn tại Huế, chúng tôi tìm đến một cửa hàng của người Hàn Quốc tại địa chỉ lô 22 An Thượng 36 (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn).

Để vào cửa hàng này, chúng tôi đã phải nhờ sự trợ giúp của một cô bạn nói tiếng Hàn mới gặp được ông chủ người Hàn Quốc và thấy thật bất ngờ vì giá của sản phẩm được làm từ trầm hương với tên gọi thực phẩm chữa bách bệnh ở cửa hàng này có giá rất rẻ. Một hộp 10 viên có giá nhập sỉ chỉ khoảng 40 USD. Trong khi đó, tại cửa hàng này, giá bán lẻ cho du khách lên tới gần 300 USD cho một hộp 10 viên.

Sau khi thỏa thuận giá cả, chúng tôi tiếp tục đề nghị được làm đại lý phân phối sản phẩm này tại thành phố Huế, ông chủ người Hàn Quốc đồng ý ngay. Song, khi chúng tôi hỏi về giấy chứng nhận của Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm - Bộ Y tế nếu làm đại lý phân phối, ông chủ người Hàn Quốc khẳng định:

“Có giấy phép kinh doanh là được rồi. Ở đây bán sản phẩm này mấy tháng rồi có sao đâu? Công an địa phương cũng vào kiểm tra rồi nhưng có gì đâu. Hơn nữa, sản phẩm này chủ yếu bán cho người Hàn Quốc du lịch sang đây vì giá cả rẻ hơn nhiều so với sản phẩm cùng loại mà họ mua ở Hàn”. Ông chủ người Hàn Quốc cũng cho biết, sản phẩm này được sản xuất tại Việt Nam, nhà máy đặt ở huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) vì vùng này có nhiều nguyên liệu trầm.

Khi chúng tôi hỏi về thủ tục pháp lý để làm đại lý phân phối sản phẩm này ở Huế, ông chủ người Hàn Quốc nói rằng, họ “chỉ biết bán hàng, còn không lo về thủ tục pháp lý”.

Rời cửa hàng này, chúng tôi tìm đến một số cửa hàng khác của người Hàn Quốc chuyên bán sản phẩm gọi là thực phẩm chức năng trên địa bàn quận Sơn Trà. Khi đặt vấn đề làm đại lý phân phối sản phẩm, các chủ cửa hàng đều thống nhất về tỷ lệ ăn chia phần trăm. Song, khi đề cập thủ tục pháp lý để đủ điều kiện kinh doanh làm đại lý, các ông chủ Hàn Quốc đều lắc đầu từ chối và khẳng định: “Chúng tôi chỉ bán hàng, giao tiền là có hàng ngay, bao nhiêu cũng được”.

Quan sát các dòng sản phẩm thuốc được chiết xuất từ trầm mà các cửa hàng của người Hàn Quốc bày bán tại Đà Nẵng cho thấy, từ nhãn mác, thương hiệu sản phẩm… cũng như giấy phép về điều kiện kinh doanh không rõ ràng.

Đặc biệt, không có tem nhập khẩu, nơi đóng gói không rõ ràng, cụ thể, hoặc ghi bằng tiếng nước ngoài; chưa nói đến chất lượng và độ tin cậy của các thông số về công dụng ghi trên bao bì sản phẩm. Một câu hỏi được đặt ra: Việc buôn bán các sản phẩm được chế xuất từ trầm hương như sản phẩm thực phẩm chức năng đang diễn ra tại Đà Nẵng liệu có vi phạm và gian lận thương mại hay không? Câu trả lời xin nhường lại cho cơ quan chức năng để sớm làm rõ vấn đề này.

Bài và ảnh: ANH NHƯ - DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.