Công nghiệp phần mềm tận dụng APEC, thoát "bẫy" gia công bậc thấp

.

Gia công phần mềm chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu của ngành công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) Đà Nẵng. Song, đa phần các công đoạn gia công hiện ở trình độ thấp, chủ yếu nhằm giảm chi phí nhân công cho doanh nghiệp nước ngoài. Sự kiện Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 được tổ chức tại Đà Nẵng vào tháng 11 tới đây có thể trở thành “đòn bẩy”, giúp ngành CNTT thành phố nâng tầm gia công phần mềm.

Nâng cao chất lượng nhân lực đóng vai trò quan trọng trong việc thoát “bẫy” gia công phần mềm bậc thấp.
Nâng cao chất lượng nhân lực đóng vai trò quan trọng trong việc thoát “bẫy” gia công phần mềm bậc thấp.

Gia công chiếm tỷ trọng lớn

Theo báo cáo đầu năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT), doanh thu trung bình ngành công nghiệp CNTT Đà Nẵng những năm gần đây luôn giữ tốc độ tăng trưởng cao (25-30%/năm). Riêng năm 2016 đạt hơn 13.000 tỷ đồng; trong đó, ngành công nghiệp phần mềm và nội dung số gần 3.000 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt 58 triệu USD, tăng 20% so với năm 2015.

Trong tổng số gần 700 doanh nghiệp CNTT trên địa bàn Đà Nẵng, có khoảng 43% doanh nghiệp chuyên sản xuất, gia công, cung cấp dịch vụ phầm mềm. Nhiều doanh nghiệp phần mềm lớn trong nước và quốc tế có trụ sở tại Đà Nẵng như FPT Software, Axon Active, Gameloft, LogiGear, Magrabbit, Global Cybersoft, Enclave, Asnet… chuyên cung cấp dịch vụ gia công phần mềm cho các thị trường Nhật Bản, Bắc Mỹ, châu Âu. Lĩnh vực nội dung số có tăng trưởng cao và thị trường lớn, đặc biệt là thị trường gia công dữ liệu số theo quy trình doanh nghiệp, kiểm thử phần mềm, trò chơi trực tuyến.

Tuy nhiên, sau gần 10 năm ghi dấu trên bản đồ xuất khẩu phần mềm của cả nước (với sản phẩm xuất khẩu có giá trị 1,3 triệu USD lần đầu vào năm 2006), Đà Nẵng vẫn loay hoay trong “cái bẫy” của gia công bậc thấp, chủ yếu giúp các công ty nước ngoài tiết kiệm chi phí nhân lực chứ chưa thật sự tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Giải thích về điều này, đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng, chính lợi thế về nhân công đang là trở ngại cho việc “thoát bẫy”.

Ông Lê Trí Hải, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Truyền thông - Kỹ thuật Toàn Cầu Xanh nhận định: Dù lực lượng CNTT ở Đà Nẵng không thiếu, nhưng nhân sự “cứng” tay nghề ít, nhân sự vừa “cứng” tay nghề, vừa có khả năng ngoại ngữ càng hiếm hoi. “Muốn trao đổi, bàn bạc với các bên đặt hàng của nước ngoài, cần có kiến thức và ngôn ngữ. Không có hai điều đó thì rất khó. Hơn nữa, công nghệ trên thế giới thay đổi liên tục, đòi hỏi các kỹ sư CNTT phải có tinh thần cầu tiến, có kỹ năng tiếng Anh để cập nhật”, ông Hải nói.

Nâng tầm gia công phần mềm

Theo ông Nguyễn Tuấn Phương, Giám đốc FPT Software Đà Nẵng, gia công phần mềm được chia nhiều cấp bậc. Ở bậc thấp, các công ty được thuê viết phần mềm dựa trên một code (mã) có sẵn để cắt giảm chi phí cho công ty đặt hàng, sản phẩm làm ra đóng mác “Được sản xuất tại Việt Nam” (made in Vietnam). Ở bậc cao, các công ty nước ngoài gửi đơn đặt hàng cho các công ty Việt Nam để viết phần mềm hoặc ứng dụng nhằm giải quyết một vấn đề nhất định, sản phẩm đóng mác “Được thiết kế tại Việt Nam” (designed in Vietnam). Hiện FPT Software là một trong những doanh nghiệp CNTT tại Việt Nam đã chuyển từ gia công bậc thấp lên các bậc cao hơn.

Ông Nguyễn Tuấn Phương nhận định, quá trình chuyển đổi này cần bắt đầu từ các công đoạn đơn giản, từ đó tích lũy kinh nghiệm và lòng tin của đối tác để nhận được những hợp đồng gia công cần hàm lượng chất xám cao. Ông Huy Nguyễn, Giám đốc Công ty Phần mềm công nghệ cao Sioux cho rằng, để đi từ gia công sang đối tác, cần tập trung công tác tuyển chọn và đào tạo nhân sự. “90% dự án của Sioux bắt đầu từ con số 0, các kỹ sư tại công ty hoàn toàn có thể tham gia bàn bạc cùng đối tác trước khi chốt đơn hàng. Để làm được điều đó, Sioux liên tục đào tạo nhân lực các kỹ năng mềm, ngoại ngữ, tư duy và chuyên môn kỹ thuật”, ông Huy Nguyễn nói.

Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT-TT đánh giá, Đà Nẵng có thể tận dụng cơ hội từ chính sự kiện Tuần lễ Cấp cao APEC được tổ chức vào tháng 11 tới để dần thoát khỏi “bẫy” gia công bậc thấp. Ông Thanh cho rằng: “Đây là dịp tốt để tìm kiếm các nhà đầu tư có thể giúp ngành công nghiệp CNTT thành phố tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước học hỏi, chuyển giao công nghệ”.

Cũng theo ông Thanh, Đà Nẵng đã rất kiên quyết trong việc lựa chọn mảng để thu hút đầu tư trong lĩnh vực CNTT sao cho phù hợp với các lợi thế cạnh tranh của thành phố. “CNTT là lĩnh vực rất rộng. Đà Nẵng không thể tập trung vào điện tử như Bắc Ninh nhưng lại có đủ điều kiện để đầu tư vào phần mềm và nội dung số.

Hiện một số lĩnh vực mà các doanh nghiệp địa phương có thế mạnh, có thể cạnh tranh ở thị trường trong nước và quốc tế là thiết kế trang web, giải pháp nền tảng chính quyền điện tử và các phần mềm quản lý, phần mềm chuyên ngành, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, giải pháp tin học hóa doanh nghiệp. Tìm được đúng thị trường, mục tiêu và hướng phát triển trọng điểm là tiền đề để thu hút đầu tư”, ông Thanh nhận định.

Sở TT-TT đang tiến hành khảo sát hiện trạng nguồn nhân lực CNTT tại các doanh nghiệp, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực CNTT thành phố giai đoạn 2017-2025 và đề án phát triển công nghiệp CNTT và truyền thông trên địa bàn thành phố đến năm 2025. Tháng 9 tới, Sở TT-TT sẽ tổ chức các hội thảo xúc tiến đầu tư CNTT bên lề sự kiện APEC 2017 nhằm thảo luận, tìm hiểu về các xu hướng CNTT hiện đại thế giới; đồng thời quảng bá hình ảnh, kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm thuộc ngành CNTT của Đà Nẵng.

"Sự kiện APEC là dịp tốt để tìm kiếm các nhà đầu tư có thể giúp ngành công nghiệp CNTT thành phố tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước học hỏi, chuyển giao công nghệ."

Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông

Bài và ảnh: KHANG NINH

;
.
.
.
.
.