Kiểm soát thất thu thuế từ hoạt động mua, bán khách sạn

.

Chi cục Thuế quận Sơn Trà cho biết, từ năm 2016 trở lại đây, hoạt động mua bán khách sạn diễn ra khá rầm rộ trên địa bàn quận, mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương. Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực dễ xảy ra thất thu thuế, cần được kiểm soát chặt chẽ để không thất thoát nguồn thu ngân sách Nhà nước.

Hoạt động mua, bán khách sạn mang lại nguồn thu lớn cho địa phương nhưng dễ xảy ra thất thu thuế. (Ảnh mang tính minh họa)
Hoạt động mua, bán khách sạn mang lại nguồn thu lớn cho địa phương nhưng dễ xảy ra thất thu thuế. (Ảnh mang tính minh họa)

Bà Lê Thị Bích Liên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Sơn Trà cho biết, mỗi giao dịch mua bán khách sạn sẽ phải đóng thuế tương ứng 10%/tổng số tiền bán được. Thực tế cho thấy, thời gian qua, trên địa bàn quận Sơn Trà có những khách sạn được mua, bán với số tiền từ 20-30 tỷ đồng, thậm chí cao hơn.

Tương ứng với đó, số thuế phải nộp sau một thương vụ như thế khá lớn, lên đến hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi dụng khe hở của luật pháp về thuế, một số doanh nghiệp kinh doanh khách sạn đã cố tình lách thuế, trốn thuế.

Đơn cử, năm 2016, một doanh nghiệp trên địa bàn quận Sơn Trà tiến hành mua bán khách sạn với số tiền 24 tỷ đồng, theo quy định số thuế phải nộp là 2,4 tỷ đồng nhưng cơ quan thuế không thu được đồng nào. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn quận Sơn Trà cũng diễn ra một số vụ mua bán như vậy và có một doanh nghiệp hiện nợ thuế 1,3 tỷ đồng.

Lý giải về điều này, bà Liên cho rằng, thời gian qua, trên địa bàn xuất hiện một số trường hợp doanh nghiệp cố tình trốn thuế từ hoạt động mua bán khách sạn, gây thất thu cho ngân sách địa phương. Riêng việc mua bán giữa các cá nhân với nhau, tình trạng thất thu thuế không diễn ra, vì theo quy định, muốn sang tên đổi chủ phải thực hiện song song nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ.

Nguyên nhân chủ yếu do quy định của pháp luật thuế hiện nay là doanh nghiệp chỉ kê khai doanh thu theo quý nên có những đơn vị mặc dù đã giao dịch xong mấy tháng nhưng đến thời điểm kê khai thì cơ quan thuế mới biết.

Họ cũng lợi dụng quy định về thời gian nợ thuế trong vòng dưới 90 ngày không bị xử lý bằng luật để công bố doanh nghiệp ngừng hoạt động nhằm trốn thuế. Cũng có những doanh nghiệp do cầm cố tài sản cho ngân hàng nên khi mua bán cũng do ngân hàng thực hiện, khi bán và trả nợ cho ngân hàng xong thì không đủ tiền nộp thuế. Bên cạnh đó, một số chủ khách sạn là người ngoài tỉnh nên gây khó khăn cho công tác thu thuế.

Thời gian qua, hoạt động xây dựng, giao dịch mua bán khách sạn diễn ra khá sôi động trên địa bàn quận Sơn Trà. Theo phân cấp, hiện nay, Chi cục Thuế quận Sơn Trà quản lý 167 trong số gần 200 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh khách sạn; 379 hộ kinh doanh lưu trú, trong đó có 95 hộ nộp thuế khoán với số thuế lập bộ vào tháng 1-2017 là 77,67 triệu đồng/tháng, 284 hộ không nộp thuế khoán do doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm. Từ đầu năm đến nay, quận Sơn Trà đẩy mạnh hoạt động chống thất thu thuế trên nhiều lĩnh vực như vận tải tư nhân, kinh doanh xăng dầu, karaoke, khách sạn, nhà hàng...

Là địa bàn có hoạt động du lịch, dịch vụ, lưu trú diễn ra sôi động, nguồn thu từ các lĩnh vực này chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu ngân sách toàn quận. Vì vậy, lãnh đạo quận Sơn Trà và Chi cục Thuế quận luôn chú trọng công tác kiểm tra, chống thất thu thuế nhằm hạn chế tình trạng thất thu ngân sách Nhà nước. Từ đầu năm đến nay, qua kiểm tra tại trụ sở của 79 doanh nghiệp, cơ quan thuế quận đã truy thu hơn 4,4 tỷ đồng, phạt gần 1,7 tỷ đồng, giảm lỗ gần 14,9 tỷ đồng, giảm khấu trừ 538 triệu đồng. Số thuế truy thu và phạt đã nộp vào ngân sách Nhà nước gần 1,7 tỷ đồng.

Bài và ảnh: MẪU ĐƠN

;
.
.
.
.
.