Nông dân chuyển hướng làm giàu

.

Đô thị ngày càng phát triển, các dự án “mọc” lên nhiều khiến đất sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp. Người nông dân chọn giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển ngành nghề theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp đô thị.

Đô thị ngày càng phát triển, các dự án “mọc” lên nhiều khiến đất sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp. Người nông dân chọn giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển ngành nghề theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp đô thị.
Nông dân Trần Thiệt (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) đang chăm sóc hoa cây cảnh.

Ông Trần Thiệt (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) là nông dân điển hình vươn lên làm giàu, ổn định cuộc sống. Tại vườn hoa cây cảnh của ông Thiệt có đủ loại hoa đang khoe sắc như: cúc, đồng tiền, ly ly, hoa hồng, hoa lan, mười giờ, mắt nai, cúc sao băng... Ông Thiệt chia sẻ: “Nghề này phải chịu khó mới làm được, bởi đây là nghề nhờ “trời”, mở mắt ra là lấm lem với đất, với phân, nên không kiên trì thì không làm được. Có năm làm được, có năm “trắng tay”, chẳng hạn như năm trước đó, trời mưa miết, hoa bị dập nên coi như mất trắng. Nhưng làm dần rồi quen, mình phải tùy thời tiết, tùy nhu cầu để trồng những loại cây, hoa phù hợp”.

Ông Thiệt kể, trước đây, gia đình ông có đất để sản xuất nông nghiệp nhưng sau này bị thu hồi để làm dự án. Không còn đất sản xuất, ông Thiệt “mượn” tạm đất của các dự án chưa triển khai để trồng nấm, hoa, cây cảnh. Ban đầu, mô hình nhỏ; về sau ông mạnh dạn vay vốn mở rộng trang trại, đầu tư thêm giống, phân... Hiện vườn hoa của ông Thiệt cung cấp ổn định cho các cửa hàng hoa trên địa bàn thành phố, thu nhập mỗi tháng khoảng 10 triệu đồng. Không những thế, ông còn tạo việc làm cho 3-4 lao động thời vụ.

Ở phường Hòa Cường Nam (quận Hải Châu), nông dân Nguyễn Văn Quý cũng là một trong những nông dân sản xuất giỏi của địa phương trong việc kinh doanh cây cảnh, bonsai, các dịch vụ làm cây cảnh... Vườn cây cảnh của anh Quý có đủ loại cây. Ngoài bán cây cảnh, anh Quý còn ươm cây các loại, cung cấp thị trường những cây cao bóng mát phục vụ cho các công trình lớn. Chính nhờ mạnh dạn đầu tư sản xuất ươm, trồng cây cảnh đã góp phần mang lại thu nhập cao cho gia đình và giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Anh Quý cho biết, nhiều năm liền anh đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi cấp phường; tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn (khi có yêu cầu); đồng thời hướng dẫn, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm sản xuất cho nhiều lao động.

Trong quá trình đô thị hóa với tốc độ nhanh, việc lựa chọn chuyển đổi ngành nghề bước đầu gặp không ít khó khăn, vướng mắc và phức tạp. Nhưng nhờ sự động viên, hỗ trợ của Hội Nông dân các cấp từ thành phố đến chi hội và các nông dân, nhiều hộ nông dân mạnh dạn đầu tư sản xuất, ổn định cuộc sống. Để hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân các cấp phối hợp với các sở, ban, ngành mở các lớp tập huấn trồng hoa, cây cảnh, nấm...

Ngoài ra, Hội còn mở các lớp học nghề như tiện, phay, bào cho con em nông dân; các lớp trồng rau mầm trong hộp cho các hộ gia đình. Các Hội Nông dân cũng tạo điều kiện cho hội viên tận dụng những khu đất dự án chưa sử dụng để trưng bày sinh vật cảnh, ươm cây giống rau củ quả các loại cung cấp cho các hộ dân trên địa bàn...

Các hình thức tổ chức sản xuất từng bước được đổi mới, chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị như trồng cây cảnh, cây bonsai, nấm và hoa các loại, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo trên địa bàn một cách bền vững.

Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch Hội Nông dân phường Khuê Mỹ cho biết, phường hiện có 600 hội viên nông dân. Việc tập huấn chăm sóc các giống hoa, cây cảnh… luôn được cán bộ phường triển khai kỹ lưỡng từ khâu lý thuyết đến thực tế để nông dân có thể tự sản xuất tại gia đình.

Theo ông Phan Thanh Hải, Chủ tịch Hội Nông dân phường Hòa Cường Nam, cùng với quyết tâm vươn lên của nông dân, địa phương hỗ trợ tối đa mặt bằng để nông dân phát triển sản xuất. Về nguồn vốn, hiện có 3 kênh hỗ trợ từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Ngân hàng Chính sách xã hội. Ngoài ra, địa phương hỗ trợ các đợt tập huấn về hoa cây cảnh.

Tuy nhiên, các cấp Hội Nông dân cũng lo ngại vì hầu hết nông dân đều lớn tuổi, nông dân trẻ tuổi thì đếm “trên đầu ngón tay” nên các địa phương gặp khó khăn trong việc phát triển sản xuất trong nông dân. Ngoài ra, các nông dân đang trồng hoa cây cảnh trên các dự án chưa triển khai, họ vừa phát triển kinh tế, vừa giữ vệ sinh môi trường nói chung nên khi lấy đất để thực hiện các dự án, các Hội Nông dân đề nghị thành phố sắp xếp, tạo điều kiện cho nông dân thuê lại đất để tập trung sản xuất, tránh việc nông dân tự tìm đất, tự sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và thời gian sản xuất quá ngắn.

Bài và ảnh: THANH TÌNH

;
.
.
.
.
.